Nghĩ về một khía cạnh khác trong chữ Hiếu với ông bà

20:20 | 20/02/2019

965 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Uống nước nhớ nguồn, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên của chúng ta là một truyền thống tốt, nên được bảo tồn, gìn giữ. Nhưng cách thờ cúng, cách chôn cất ông bà đã về nơi chín suối như thế nào cần được hiểu cho đúng truyền thống, cần được tổ chức thật tôn kính, nhưng thông thái.  

Trong một lần sang châu Âu tìm hiểu về lối sống, văn hóa con người tại đây, tôi được em gái dẫn đến một nghĩa trang của người Bỉ. Đó là nghĩa trang ở thị trấn Rotselaar, cách thủ đô vương quốc Bỉ chừng hơn 40 km. Nghĩa trang nhỏ như một vườn hoa yên tĩnh, bao quanh bởi hàng rào cây xanh được xén tỉa gọn gàng. Tuyệt không thấy nấm mộ lớn nào nằm nổi trên mặt đất, chỉ có những tấm bia đá đen khắc tên người đã khuất, và phía trước là những giỏ hoa, hoặc một nhành hoa lặng lẽ nằm trên mặt đất rải sỏi trắng. Giản dị vậy thôi mà nghĩa trang vẫn mang một vẻ đẹp thư thái, khiến chúng tôi muốn lưu lại lâu hơn để chiêm nghiệm về một cách sống.

nghi ve mot khia canh khac trong chu hieu voi ong ba
Nghĩa trang ở châu Âu

Dẫn tôi tới một bãi cỏ xanh mịn trong góc nghĩa trang, em gái tôi chỉ xuống cỏ, nói “Cậu ruột chồng em mất 3 năm trước, hiện đang nằm đây”. Tôi ngạc nhiên hỏi, mặt cỏ xanh phẳng như thế, ông được chôn phía dưới hay sao. Em gái tôi giải thích, rằng cậu chồng em được hỏa thiêu, sau đó gia đình mang tro hài cốt của cậu tới đây, rắc lên mặt cỏ. Không để lại bia đá, dấu vết nào. Nhiều người cũng làm như vậy, rắc tro hài cốt người thân lên cỏ, để khi mưa xuống, tro ngấm xuống cỏ, hoặc đơn giản là một cơn gió cuốn đi. Chao ơi, cái chết thật giản dị biết bao, nhẹ nhõm biết bao. Chỉ đơn giản là tan vào cỏ cây, vào đất. Cái tên trên bia đá cũng chẳng cần lưu lại làm gì. Sự quyết đoán trong lẽ chết của những người rắc tro hài cốt lên cỏ, khiến tôi chợt nhớ đến câu “Quân tử thì không lưu danh”.

Về quê mình, vào nghĩa trang thăm ông bà, những người thân khác đã mất, tôi lại buồn trước cảnh những ngôi mộ to nhỏ, chen chúc nhau, nằm lộn xộn không ra hàng lối, mộ lớn mộ bé xoay ngang xoay ngược, mộ nọ chắn hướng mộ kia khiến cho người sống thì bực tức, người chết cũng chẳng yên. Ở các vùng quê Việt Nam, không thiếu cảnh các gia đình trong làng không nhìn mặt nhau nữa, vì mộ của gia đình chôn sau lại chèn lên phía trước mộ gia đình khác, chắn mất hướng mặt tiền của mộ. Cái chết như thế không chỉ là sự buồn đau, mà còn gây day dứt, nặng nề mãi, ám ảnh người còn sống chẳng biết đến bao giờ mới hết.

Chuyện các mộ chôn cất lộn xộn ở các vùng quê Việt Nam là có lý do. Mỗi nhà khi có người thân nằm xuống, đều muốn con cháu sau đó làm ăn tốt, nên phải đi “xem thầy”, thầy phán đặt mộ xoay hướng nào thì lập tức tin theo và xoay mộ hướng đó, bất cần quy hoạch, hay phải theo các mộ xây trước mà đặt cho cân đối. Như vậy, sự lộn xộn này xét ra, là đều vì lòng tham của người sống, chỉ muốn cái lợi, dù là từ sự tín vu vơ, mà thành.

Cũng có người, khi cha mẹ còn sống thì bỏ mặc chẳng chăm sóc cho phải lẽ, lúc cha mẹ mất đi thì lại dồn tiền xây mộ thật hoành tráng, để lấy le với thiên hạ, tự hào với lối xóm thật ngây ngô. Xét ra, việc bỏ tiền mua lấy chút sĩ diện từ việc xây mộ hoành tráng ấy mới đáng thương hại làm sao. Khi con người quá tự ti về chính mình, không biết lấy điều gì làm trọng, lại đành phải dựa vào những giá trị đáng buồn đó mà sống, thì chỉ chứng tỏ trình độ văn hóa còn thấp đến độ nào mà thôi.

nghi ve mot khia canh khac trong chu hieu voi ong ba
Lăng mộ tiền tỉ ở Việt Nam

Cũng có người làm ăn gặp thời, về quê mua cả miếng đất thật lớn, tới cả vài trăm mét vuông, xây mộ cho mẹ cha như một khu dinh thự. Sự háo danh đó thật không còn gì để bàn. Bởi lẽ ra đất đai phải được dành để sản xuất, thì lại bị chiếm dụng quá nhiều cho lăng mộ, thì có đáng không? “Tấc đất tấc vàng” – Ông bà ta đã dạy điều này như một minh triết Việt. Những người đã chết, liệu có thực sự muốn tranh giành đất với người sống hay không?

Nhìn vào sự lộn xộn của một nghĩa trang ở bất cứ làng quê Việt Nam nào, ta không khỏi thấy buồn trước trình độ dân trí, trình độ văn hóa của người nơi ấy ra sao. Nhìn vào điều ấy, để thấy rằng, con người Việt chúng ta hiện nay, dù có giàu có đến đâu, hoặc nghèo kiết thế nào, thì đều chưa thoát được vòng trói của sự thiển cận và hủ lậu trong quan niệm về lẽ sống và lẽ chết.

Xin kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện cũng thật buồn. Ông ngoại tôi là một cán bộ huyện Văn Lâm, khi về hưu ông sống ở làng Đình Dù (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Hơn 80 tuổi, ông ngoại tôi mất. Gia đình tôi quyết định hỏa thiêu ông và đặt lọ tro tại nghĩa trang mới của xã, được quy hoạch văn minh hơn. Tuy nhiên, khi biết được việc gia đình tôi sẽ làm như thế, thì dân làng phản đối, đe dọa sẽ không đến dự đám tang ông ngoại tôi. Số là khi xã xây nghĩa trang mới, được quy hoạch gọn gàng, thì người dân làng không thuận, không ai chịu đưa người thân đã khuất về nghĩa trang mới chôn cất. Dân làng vẫn muốn chôn cất người đã khuất ở nghĩa trang cũ, được xoay mộ theo hướng mình thích, xây mộ to nhỏ tùy theo ý mình, và họ tin rằng khu đất nghĩa trang cũ là khu đất linh thiêng. Lo rằng không ai đến dự đám tang thì đám tang sẽ vỡ, bà ngoại và các cậu, dì tôi đành chuyển hướng chiều lòng dân làng, đưa lọ tro của ông ngoại tôi về chôn tại nghĩa trang cũ, chấp nhận để sự lộn xộn chèn ép và sự tín vu vơ kia điều khiển.

Điều bất ý ấy cứ ám ảnh tôi mãi đến bây giờ.

nghi ve mot khia canh khac trong chu hieu voi ong ba Mùa Vu lan bàn về chữ hiếu thời hiện đại
nghi ve mot khia canh khac trong chu hieu voi ong ba Vợ chồng chủ hiệu cầm đồ bị sát hại tại nhà
nghi ve mot khia canh khac trong chu hieu voi ong ba Chữ hiếu… lâm nguy (!)

Kiều Bích Hậu