Nghệ sĩ Lê Bình: Sân khấu dạy cho tôi nhiều bài học

10:01 | 23/06/2011

1,769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ sĩ Lê Bình từng đóng tới hơn trăm vai diễn trên truyền hình và sân khấu kịch, nhưng sau thành công với vai ông Đơn, bố Huyền Diệu trong “Cô gái xấu xí” ông mới được cả nước biết tới. Người đàn ông ấy đã đi gần hết tuổi nghề nhưng vẫn nhất nhất còn lời mời thì còn đóng phim, vì sân khấu. Ánh sáng của trường quay đã trở thành năng lượng của đời ông.

PV: Vai bố Huyền Diệu trong “Cô gái xấu xí” đã mang tên tuổi của Lê Bình đến với khán giả cả nước. Sau vai diễn này, cuộc sống của ông thay đổi ra sao?

Nghệ sĩ Lê Bình: Sau khi tham gia “Cô gái xấu xí” tôi được khán giả biết tới nhiều hơn, có lẽ tại phim phát sóng trên cả nước. Có lần, đi quay ngoài Đà Nẵng, tôi gặp một đoàn người đi tham quan Ngũ Hành Sơn, họ chủ yếu là người miền Bắc, nhìn thấy tôi họ chạy lại kêu lên: “ Bác Đơn! Bác Đơn!”. Tôi phải thừa nhận, nhờ vai này mà tôi được biết đến ở khu vực miền Bắc. Ông Đơn vì thương con lúc nào cũng mang bộ mặt cáu kỉnh với thiên hạ, thực ra ông ấy rất hiền. Vai diễn đó rất thú vị.

PV: Vai ông Đơn đưa ông đến số đông khán giả, nhưng vai diễn nào mới là vai mà diễn viên Lê Bình tâm đắc nhất?

Nghệ sĩ Lê Bình: Đó là vai ông Năm Na trong phim Vịt kêu đồng, tôi nhận được giải Nam diễn viên phụ được yêu thích nhất của đài HTV bình chọn. Vai diễn đó lột tả được hết cái khó nhọc của người nông dân, giúp tôi thấy được nỗi đau bên trong của họ, tôi đã truyền được nỗi đau đó đến với những người thành phố. Vai diễn đó ám ảnh tôi.

Tôi đã tham gia hơn 100 phim, còn kịch thì không nhớ xuể. Thời gian này, trên Sân Khấu Nhỏ có một vai diễn nhận được nhiều tình yêu mến của khán giả là vai ông bố trong vở “Kính thưa Osin”. Vở diễn đã qua bốn năm nhưng giờ vẫn đông khán giả đến xem. Mình toàn đóng những vai ông già, lại chẳng đẹp trai nhưng vẫn được khán giả nhớ đến, thế là thành công rồi đúng không? (cười)

Nghệ sĩ Lê Bình đang diễn vai ông bố trong vở Kính thưa Ô sin trên sân khấu 5B

PV: Đa số các vai ông diễn đều có cuộc sống khá vất vả và bi kịch. Có vai diễn nào ám vào số phận của Lê Bình không?

Nghệ sĩ Lê Bình: Tôi từng là người trụ cột về kinh tế trong nhà như bất cứ người đàn ông nào khác. Ngày xưa thì phải tính từng bữa, nếu một tuần chỉ có hai suất diễn thì mình phải tính toán thế nào để ăn trong hai suất đó. Giờ thì cuộc sống đã đỡ hơn, vì mình đi làm nhiều năm rồi, cũng có chút tích lũy.

Tôi nghĩ cuộc đời ai cũng có lúc thăng, lúc trầm. Ngày xưa tôi chỉ là anh đi lên từ phong trào quần chúng. Những năm tôi mới vào nghề không có nhiều đất diễn, ngày đó kiếm được một vai trong một vở khó lắm. Cuộc sống khó khăn, tôi phải đi vẽ, đi trang trí cho các nhà hát, thỉnh thoảng có vai mới về đoàn tập. Tôi từng chỉ được coi là anh diễn viên nghiệp dư, loại 1, loại hai gì đó. Nhưng rồi vì trót đam mê mình cứ đi mãi với nghề, và một ngày thì thành công.

Sau này khi đã có nhiều vai, tôi lại sáng tác, viết kịch bản. Đến nay, tôi cũng có được mười mấy kịch bản, may mắn là cái nào cũng được lên sân khấu. Vở “Ai sợ ai” được Nhà hát Tuổi trẻ ngoài Hà Nội dựng lại, đến nay cũng diễn được mấy trăm suất. Cuộc sống tôi từng trải qua không có gì sung sướng nhưng tôi hài lòng. Tôi luôn nghĩ đó là số phận, chưa chắc không làm nghề diễn, không diễn các vai khổ thì mình bớt khổ.

PV: Có một điều lạ, xem các vai nghèo mà Lê Bình diễn vẫn có thể cười. Bí quyết của ông trong nghề diễn là gì?

Nghệ sĩ Lê Bình: Tôi nghĩ có hai dạng vai: bi và hài. Vai diễn nào cũng có số phận của nó. Tôi quan niệm, người nghèo vẫn có cái vui của họ, nên khi diễn các vai này tôi thường chinh phục khán giả bằng những câu thoại dí dỏm. Có nhiều người đóng vai xe ôm, hoàn cảnh nghèo khó, họ diễn thật bi thương, để lấy tình cảm, nước mắt của khán giả, tôi thì không muốn như vậy. Số phận của nhân vật thường được quy định từ đầu theo ý đồ của tác giả nhưng lúc diễn, diễn viên có quyền sáng tạo, có quyền thêm một hai câu thoại cho bớt căng thẳng. Diễn viên phải làm cho vai diễn mềm mại, để khán giả thấy nó “đời” hơn.

PV: Có khi nào ông nghĩ mình sẽ nhận một vai hoàn toàn khác với những vai ông đã thể hiện?

Nghệ sĩ Lê Bình: Cũng có ước mơ nhưng biết chừng nào mới được, không ai dám can đảm giao cho mình một vai mà họ không lượng được mình sẽ làm như thế nào. Có người bảo, ông Bình ơi khi nào ông đóng vai “ác” một bữa đi. Tôi nói “cũng được thôi”. Nhưng trước khi giao vai, báo tôi trước mấy tháng để tôi đi tìm mấy “thằng ác” coi nó như thế nào để tôi bắt chước. Tôi nghĩ diễn viên phải có sự quan sát, sau đó mình kết hợp kịch bản và cách diễn của mình vào đó thì mới diễn tốt được.

Tôi không quen để ý cuộc sống giàu sang, tôi quen nhìn những gì nó thấp hơn chút mình thương cuộc sống người lao động, những người chân lấm tay bùn như mình.

Lê Bình từng rất thành công trong vai người nông dân trong phim Vịt kêu đồng

PV: Người ta nói sân khấu là cuộc đời, không biết trong hơn 50 năm sống cùng nghề, sân khấu đã mang tới cho ông bài học nào mà ông không thể quên?

Nghệ sĩ Lê Bình: Đúng là nghề diễn ngoài việc mang đến cho khán giả những phút giây thư giãn, nó còn giúp diễn viên nhìn lại chính mình, học lại các bài học rất đời trên sân khấu. Có nhiều chuyện mình nhắc đến trên sân khấu khán giả mới nhớ ra và mình cũng giật mình. Tôi nhớ khi diễn vở “Kính thưa Ôsin”, vở diễn kết thúc, một đôi vợ chồng trẻ thành đạt, cầm một bó hoa rất đẹp tới tặng tôi và nói: “Coi xong kịch này cháu rất nhớ ba mẹ cháu, thấy mình có lỗi, hai vợ chồng cứ lo làm ăn mà không ghé thăm ông bà dù nhà không cách xa là mấy”. Tôi động viên họ tuần này về thăm hai ông bà già luôn đi, được gặp mặt con, thấy con cháu khỏe là niềm vui của người già. Cuộc sống bây giờ con người bị cuốn vào vòng xoáy công việc, chính mình đôi lúc cũng quên đi cái tình cảm của mình. Ngay bản thân tôi cũng vậy, đi hết phim này qua phim nọ, khi về đến nhà thì mệt mỏi rồi, có lúc chú, bác anh em, dòng họ bị bệnh tranh thủ lắm cũng chỉ tạt qua thăm chút, nhiều khi còn không tới thăm được.

PV: Thời gian này trên báo chí hay nhắc tới “thảm họa phim truyền hình”. Ông nghĩ thế nào về tình trạng này?

Nghệ sĩ Lê Bình: Đúng là diễn viên giờ có nhiều cơ hội để làm nghề hơn trước, nhưng có lẽ vì có nhiều cơ hội nên họ không trân trọng nó như thời chúng tôi nữa. Sau thành công của “Cô gái xấu xí” tôi nhận được nhiều lời mời hơn nhưng không phải vai nào tôi cũng nhận. Tôi sợ nhất cái câu người ta hay nói thằng bợm làm tất cả vì tiền. Với mỗi lời mời tôi phải xem kịch bản, vai diễn có hợp với mình không. Chuyện gọi là “thảm họa” gì đó tôi không có bàn luận, nhưng nếu mỗi người khi nhận vai, dành thời gian sống với nhân vật thì tôi nghĩ phim dở sẽ được hạn chế.

PV: Ông kể về vai diễn mới nhất của mình được chứ?

Nghệ sĩ Lê Bình: Hiện tại tôi đang tham gia bộ phim dài 35 tập của đạo diễn Lê Lộc, “Truy tìm báu vật” (do hãng phim MT picture sản xuất). Trong phim tôi vào vai một ông già, tính cách khá cổ quái, hài hước suốt đời ôm giấc mộng tìm được kho báu và trở nên giàu có.

PV: Giờ ông đã không còn trẻ, ông định khi nào sẽ dừng lại nghiệp diễn của mình?

Nghệ sĩ Lê Bình: Tôi còn sống khỏe thì phải làm việc thôi. Tôi vẫn quan niệm mình có kho bạc ngồi không ăn cũng hết. Giờ chuyện cơm, áo, gạo tiền tôi không phải lo lắng quá nhiều nhưng nếu không đi làm thì một, hai năm nữa sẽ thế nào. Cuộc sống không tính trước được, đúng không. Bao giờ không còn người mời thì tôi ngừng diễn.

Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Lê Bình!

Hà Liên

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...