Nghề báo và những hoạt động mang tính công vụ

07:00 | 15/04/2016

1,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một dự luật được cả xã hội quan tâm, chờ đợi vừa được thông qua tại kỳ họp cuối cùng, Quốc hội khóa XIII. Không chỉ giới báo chí, người dân cả nước quan tâm đến nhiều nội dung sửa đổi tại luật này và tán thành với 9 điểm mới trong luật sửa đổi.

Quan tâm vì nhiều lẽ và tùy vào công việc, nhu cầu của mỗi người, nhưng lý do cơ bản là, hoạt động báo chí và những tác động của các phương tiện thông tin đại chúng đang ngày càng tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Thông tin nhanh hơn, đa dạng, nhiều chiều hơn và cũng phức tạp hơn. Người đọc phải sàng lọc, chọn lựa, phân tích để nhận ra những thông tin trung thực và những thông tin mang tích giật gân, câu khách, xuyên tạc sự thật.

nghe bao va nhung hoat dong mang tinh cong vu

Một câu hỏi đặt ra, những người hoạt động báo chí, bao gồm cả những nhà báo chuyên nghiệp, làm việc trong các tòa soạn báo và các nhà báo nghiệp dư, những người làm báo tự do, đang hoạt động công vụ, mang tính công vụ, hay chỉ là những hoạt động nghiệp vụ bình thường?

Ngay từ khi đang trong quá trình soạn thảo, tại các cuộc hội thảo, tọa đàm, câu hỏi này đã thu hút sự chú ý của các nhà làm luật, các nhà báo và dư luận xã hội. Và rồi, khi Quốc hội đã thông qua, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, vẫn còn những ý kiến băn khoăn. Theo ý kiến của phần lớn đại biểu Quốc hội, hoạt động công vụ không chỉ thuần túy mang tính quyền lực Nhà nước, mà còn bao gồm cả hoạt động của các tổ chức do Nhà nước thành lập (được Nhà nước ủy quyền) để phục vụ các nhu cầu của nhân dân. Các hoạt động này đều do công chức, nhân danh Nhà nước tiến hành, bao gồm các hoạt động nhân danh quyền lực và các hoạt động của các tổ chức được Nhà nước ủy quyền.

Đối với hoạt động báo chí, khi nhà báo tác nghiệp, đương nhiên nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội. Nhưng những hoạt động ấy không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.

Thêm nữa, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Trong thực tế lại có những sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện, như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp… Những sản phẩm thông tin này đều do các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, được cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin cấp giấy phép.

Vấn đề tưởng đã rõ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, trong số đó có những nhà nghiên cứu luật pháp, cơ quan chủ quản báo chí và bản thân các nhà báo. Một luật sư cho rằng, cơ quan báo chí là cơ quan do Nhà nước thành lập. Thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo thể hiện thông qua tấm thẻ này. Vì vậy, hoạt động của nhà báo cũng mang tính chất công vụ, phục vụ xã hội, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của xã hội.

Lại có người nêu câu hỏi, nếu một phóng viên làm việc chính thức ở một tòa soạn báo, viết bài trên mạng xã hội, thông tin những điều sai sự thật, trái với nguyên tắc, quy định của chính tờ báo mà anh ta đang công tác, vậy thì đâu phải là hoạt động mang tính công vụ? Không những thế, tùy thuộc mức độ, cơ quan còn phải có hình thức phê bình, xử lý kỷ luật.

Xem xét bất kỳ một điều khoản nào trong một văn bản pháp luật, vấn đề không chỉ là câu chữ, mà chính là xem xét nội hàm và ngoại diên của điều khoản đó. Để khi đưa luật vào cuộc sống, những điều khoản quy định có hành lang rộng hay hẹp, nhằm xác định, điều chỉnh các hành vi, ứng xử, mối quan hệ trong xã hội. Hoạt động của nhà báo không chỉ chịu sự ràng buộc của pháp luật, mà còn có 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và các quy chế, quy định của cơ quan.

Lâu nay ta thường đòi hỏi nhà báo phải có tâm, có tầm, có tài là vì thế. Có những điều quy định không được viết, không được đăng, đồng thời lại có những điều không nên viết, không nên đăng. Không được - không nên là điều mà thường ngày mỗi phóng viên, biên tập viên, cho đến tổng biên tập luôn phải cân nhắc, nhằm mục đích thông tin và định hướng dư luận xã hội, tránh sa vào tình trạng thương mại hóa báo chí. Có nên thông tin về một vụ án giết người mà miêu tả quá tỉ mỉ hành động của kẻ thủ ác? Có nên nói quá sâu về hoàn cảnh, tình cảm, những éo le trong đời tư của người bị hại? Dứt khoát là không!

Gần đây có tình trạng một số người viết đã dựa vào những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng nói quá lên về tác hại của một số thực phẩm chức năng, một số chất hóa học dùng trong trồng trọt, chăn nuôi, chẳng hạn chất salbutamol để tạo nạc cho lợn. Sau đó các nhà chuyên môn đã trả lời một cách cặn kẽ, chính xác rằng, không phải cứ sử dụng chất tạo nạc là sai, là gây độc hại cho người tiêu dùng. Tùy theo liều lượng sử dụng mà ảnh hưởng lên thịt gia súc (chủ yếu là thịt lợn) sẽ có khác biệt.

Viết báo mà chỉ nghe nói, nói dựa, không tìm hiểu kỹ qua các nhà chuyên môn thì dễ dẫn tới tình trạng “báo động giả”, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, thiệt hại kinh tế, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Giống như tình trạng mấy năm trước, một đồng chí lãnh đạo ngành ngân hàng đã nói, một số thông tin trên báo chí đã góp phần làm sai lệch những thông số về “lạm phát kỳ vọng”.

Trở lại vấn đề tác nghiệp của nhà báo mang tính công vụ. Theo chúng tôi, đó là những cán bộ, phóng viên được ban biên tập giao đề tài, phân công đi lấy tài liệu viết các bài điều tra, phóng sự, chuyên luận, v.v... Nhiều đề tài phải thực hiện rất công phu, trong thời gian dài, có sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, nhiều trường hợp phức tạp, nguy hiểm, nhất là trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm. Thông thường, các cơ quan báo chí, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người phát ngôn ở các cơ quan, đơn vị, đã tạo mọi điều kiện để phóng viên điều tra, hoạt động làm nghiệp vụ, theo đúng quy định của Luật Báo chí. Điều đáng trách là, không hiếm người làm báo đã biến cái nghề đòi hỏi phải luôn luôn động não, phải “sôi sùng sục” trở nên nguội lạnh, bình lặng như một công chức mẫn cán.

Nghề báo nhọc nhằn ở chỗ, công việc luôn theo đuổi họ mọi lúc mọi nơi, cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Người làm báo thời sự thường ít khi có ngày lễ, ngày nghỉ. Họ chỉ có một niềm đam mê, khao khát là tìm hiểu và cắt nghĩa cái mới, tổng kết và dự báo. “Ăng-ten” của người làm báo luôn hướng về nguồn tin để thông tin nhanh nhất, trung thực nhất và mang tính điển hình.

Cho nên đã có rất nhiều đề tài, chủ đề báo chí được các nhà báo chuyên nghiệp, nghiệp dư phát hiện trong cuộc sống. Những đề tài ấy không được bất kỳ một cơ quan lãnh đạo, một ban biên tập nào gợi ý. Người đi viết cũng không cầm trong tay một tờ giấy giới thiệu nào. Thực tiễn sinh động của cuộc sống cung cấp cho họ những địa chỉ vàng để họ đi, đến, quan sát, lắng nghe, suy nghĩ và viết. Ít ai quan tâm mình đang “đi làm” công vụ hay chỉ là nghiệp vụ. Có khi đề tài chợt đến qua một câu chuyện, qua một chuyến về quê, trong trường học, hầm lò, bệnh viện…

Các nhà báo, nhà văn lớn thường khuyên: Sống rồi hãy viết; phải sống mới có đề tài, mới có chi tiết. Sống sâu sắc, say sưa, sống đầm đìa mồ hôi, rời xa căn phòng máy lạnh càng nhiều càng tốt thì cuộc sống sẽ ùa vào trang viết. Việc đến tay thì làm, làm hết mình, với trí tuệ, tình yêu và tấm lòng nhân ái.

Đó chính là sự may mắn, cái đẹp, cái khó của nghề báo!

Hải Đường

Năng lượng Mới 513