Xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em

Ngày càng phức tạp, nghiêm trọng

08:00 | 09/06/2018

371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo báo cáo của Bộ Công an, 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục 572 vụ và 562 em bị xâm hại. Đáng chú ý, có tới 80% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân, quen với trẻ.

Những con số báo động

Theo số liệu thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.

Còn theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, riêng các cơ quan tư pháp báo cáo mỗi năm có khoảng 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh - Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung thừa nhận: “Các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng”. Chính vì vậy, đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

ngay cang phuc tap nghiem trong
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện toàn quốc có 26 triệu trẻ em, trong đó có 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 87% trẻ em này đã được trợ giúp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng nên còn kéo dài, dẫn đến bức xúc trong xã hội.

Phân tích nguyên nhân, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước tiên chính là do nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác trẻ em còn chưa thực sự đầy đủ. Công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân chưa sâu rộng. Công tác chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn chậm hoặc thực hiện chưa đầy đủ, chưa tương xứng với điều kiện, tiềm lực của địa phương… Bên cạnh đó, luật đã quy định bố trí và vận động nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em... nhưng nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em…

Phân loại thủ phạm để tìm giải pháp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khung pháp lý đã hoàn toàn đầy đủ. Ví như Luật Trẻ em, Nghị định 61 và đặc biệt là sau tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gia tăng thời gian qua, Thủ tướng đã có Chỉ thị 18 quy định và phân công rất rõ từng ngành, từng cấp, từng địa phương. Thậm chí bên cạnh các giải pháp đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều giải pháp khác nhau từ tuyên truyền vận động, ra đời đường dây nóng 111, đồng thời xử lý nghiêm một số vụ việc.

Bên cạnh xâm hại tình dục, bạo lực với trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhận định, môi trường sống hiện nay đối với trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích, tỷ suất trẻ em mắc và tử vong do tai nạn, thương tích còn cao, đặc biệt là tử vong do đuối nước.

Còn đối trẻ em trẻ em vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, trẻ em nơi đây rất thiệt thòi, do điều kiện sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo cao… Mặc dù, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách dành cho miền núi và trẻ em vùng sâu vùng xa, tuy nhiên tỷ lệ thụ hưởng, mức thụ hưởng vẫn còn hạn chế. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận: “Mặc dù Bộ LĐ-TB&XH đã cố gắng phối hợp với Ủy ban Dân tộc nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng sâu vùng xa”.

Để giải quyết nạn xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, phải từ phân loại để tìm ra giải pháp. Hiện nay, có tới 59,9% số người có hành vi xâm hại trẻ em là người thân, người quen. Đây chính là đối tượng thời gian tới phải quan tâm hơn để ngăn chặn tình trạng này. Trước hết phải tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt trong luật phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, UBND các cấp và sửa đổi các luật liên quan.

Thứ hai, cần tăng cường tuyền thông để thay đổi trong quản lý gia đình, tăng cường trách nhiệm của người bố, người mẹ, hay các anh, chị trong gia đình, cùng nhà trường, xã hội.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật, bảo vệ quyền của các em trong quá trình tố tụng.

Thứ tư, tập trung xử lý, giải quyết các vụ việc nghiêm minh và nhanh chóng nhất.

Thứ năm, đẩy nhanh việc thực hiện các dịch vụ công, nhất là dịch vụ 111 phản ứng nhanh, kết nối với Chủ tịch UBND xã, Đoàn Thanh niên xã.

Thứ sáu, tập trung đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em.

Cuối cùng, Bộ LĐ-TB&XH đã kiến nghị với Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường đấu tranh tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em trong tháng 6 - Tháng Hành động vì trẻ em.

Còn đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em nói chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em thông qua hoạt động của Ủy ban Quốc gia về trẻ em và hướng dẫn địa phương củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em trên cơ sở kiện toàn hệ thống đã có. Xây dựng, phát triển Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và mạng lưới kết nối…

Các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Theo Ủy ban Tư pháp, riêng các cơ quan tư pháp báo cáo mỗi năm có khoảng 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Nguyễn Anh