Ngành năng lượng Việt Nam: Nguy cơ tài sản mắc kẹt với biến đổi khí hậu

08:20 | 15/05/2023

3,623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng xanh hơn và những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tài sản của nền kinh tế nói chung và ngành điện nói riêng...

Tác động biến đối khí hậu đối với ngành năng lượng

Biến đổi khí hậu được cho là có tác động đáng kể đến hệ thống năng lượng của Việt Nam cả về phía cung và cầu điện. Đối với toàn bộ hệ thống năng lượng, biến đổi khí hậu gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến nhu cầu điện nhưng lại mang lại hiệu quả tích cực cho thủy điện về mặt sản xuất điện ở Việt Nam do lượng mưa tăng lên. Tuy nhiên, mức giảm chi phí xã hội và phát thải của thủy điện nhỏ hơn mức tăng thêm của chi phí xã hội và phát thải do tác động của biến đổi khí hậu đối với nhu cầu điện, và đối với hệ thống năng lượng, tác động của biến đổi khí hậu sẽ gây ra sự gia tăng đáng kể của chi phí xã hội với mức tăng thêm tích lũy là 3.105,3 triệu USD và 6.726,5 triệu USD với lượng phát thải bổ sung tích lũy lần lượt là 118,9 MtCO2e và 249,7 MtCO2e vào năm 2050 theo các kịch bản RCP4,5 và RCP8,5.

Biến đổi khí hậu tác động đến cung, cầu nguồn điện. Ảnh minh họa: Công nhân vận hành tại nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn
Biến đổi khí hậu tác động đến cung, cầu nguồn điện. Ảnh minh họa: Công nhân vận hành tại nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn

Về phía nguồn cung, nghiên cứu của các chuyên gia trên cho thấy sản lượng thủy điện ở Việt Nam có mối quan hệ đồng biến nói chung với lượng mưa. Tuy nhiên, phạm vi dự báo về tác động của việc phát điện hàng năm cũng như hàng tháng là rất rộng và không chắc chắn. Những thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất năng lượng, hệ thống truyền tải, hoặc chính cơ sở hạ tầng.

Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến các nhà máy nhiệt điện. Các thay đổi về nhiệt độ không khí và nước sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất phát điện của nhà máy nhiệt điện: nhiệt điện không khí cao hơn sẽ làm giảm hiệu suất phát điện của nhà máy nhiệt điện; nhiệt độ nước tăng có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động của các hệ thống làm mát của các nhà máy nhiệt điện. Các yêu cầu về phát thải khí nhà kính cao hơn tạo ra các TSMK với nhiệt điện than.

Nước biển dâng và các thay đổi về tốc độ gió và mây che phủ cũng như tần suất và cường độ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tác động trực tiếp tới hạ tầng ngành năng lượng: lượng mưa và dòng chảy bất thường gây ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất điện của các nhà máy thủy điện; gây thiệt hại, hư hỏng đến cơ sở hạ tầng cung điện, gia tăng chi phí đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp thiết bị, mạng lưới phân phối điện, các giàn khoan dầu được xây dựng trên biển, hệ thống vận chuyển dầu và khí, các nhà máy điện chạy khí được xây dựng ven biển cũng bị ảnh hưởng. Ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng khí hậu biến đổi và thời tiết cực đoan.

Khai thác than ở Quảng Ninh và triển vọng khai thác than nâu ở đồng bằng sông Hồng sẽ càng khó khăn hơn do làm tăng khả năng hao hụt, tổn thất sản lượng than do tần suất, cường độ mưa bão và lũ lụt gia tăng, tăng thêm chi phí sản xuất, chi phí xây dựng vận hành, duy tu các hệ thống khoan, các phương tiện vận chuyển.

Khai thác dầu khí ở ngoài thềm lục địa, công nghiệp lọc-hóa dầu phải tăng thêm chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu máy móc, phương tiện; khó khăn hơn cho hệ thống vận chuyển dầu và khí từ dàn khoan trên biển đến các nhà máy hóa-lọc dầu.

Một số quy định quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và chi phí sản xuất nhiên liệu và năng lượng gồm: các tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu, các tiêu chuẩn hiệu suất; các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng; các quy định chất lượng không khí; quy định về năng lượng tái tạo; các tiêu chuẩn và quy định liên quan đến phát thải và công nghệ áp dụng…

Tài sản mắc kẹt với ngành năng lượng

Ngành năng lượng Việt Nam: Nguy cơ tài sản mắc kẹt với biến đổi khí hậu

Thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng xanh hơn và những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tài sản của nền kinh tế nói chung và ngành điện nói riêng. Các nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ lớn nhất rơi vào tình trạng tài sản mắc kẹt.

Tình trạng này được định nghĩa là nhà máy có nguy cơ thua lỗ hay mất giá, rơi vào tình trạng phá sản do phải đóng cửa tổ máy sớm cho phù hợp với năm ngừng hoạt động nhằm đáp ứng các điều kiện về phát thải khí nhà kính (KNK). Nói một cách đơn giản, nhà máy nhiệt điện rơi vào tình trạng mắc kẹt khi mà chi phí vận hành lớn hơn doanh thu đạt được (với điều kiện đáp ứng được các yêu cầu về khí thải).

Cần lưu ý là hiện nay hàng loạt quốc gia như Nhật Bản, EU tuyên bố dừng cấp tín dụng cho điện than. Hiện nay, các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp cho ngành năng lượng ở Việt Nam đều hướng tới năng lượng tái tạo. Do vậy, các dự án nhiệt điện than của Việt Nam sẽ không thể được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp như trong quá khứ. Nói cách khác, các dự án xây mới nhà máy điện than sẽ phải vay vốn với chi phí cao hơn và không thể hoàn vốn trong ngắn hạn. Đây cũng là yếu tố tạo ra rủi ro về tài sản mắc kẹt nếu dự án nhiệt điện than buộc phải ngừng hoạt động trước thời gian dự kiến. ((Nhóm nghiên cứu)

Đối với các nhà máy nhiệt điện than, tài sản bị mắc kẹt khi không còn sinh lời như dự kiến. Về khía cạnh tài chính, về cơ bản việc xác định quy mô tài sản mắc kẹt chịu tác động chính của chi phí và doanh thu của nhà máy. Có thể chia các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu và chi phí hoạt động này thành nhóm yếu tố chủ quan (thuộc về doanh nghiệp), và nhóm nhóm tố khách quan (bên ngoài doanh nghiệp).

Đáng chú ý trong nhóm nhân tố khách quan, các nhà nghiên cứu chỉ ra chi phí vốn là một nhân tố tác động lớn. Bởi phần lớn vốn đầu tư cho các nhà máy điện than ở Việt Nam là từ vốn vay. Do vậy, chi phí vốn vay có ảnh hưởng khá lớn tới hiệu quả hoạt động của các nhà máy. Do lãi vay là yếu tố cấu thành quan trọng trong giá thành điện sản xuất. Nếu nhà máy phải dừng hoạt động trước thời hạn cam kết trong dự án vay thì các bên liên quan (cho vay và đi vay) đều sẽ bị ảnh hưởng. Do trong quá trình lập dự án và đi vay đều đã tính toán đến thời hạn hoàn vốn và các chi phí liên quan. Trên thực tế, các dự án BOT trong ngành điện đều có cam kết của chính quyền về thời gian hoạt động của dự án. Do vậy, sẽ không đơn giản nếu Chính phủ muốn dừng các nhà máy BOT vì lý do giảm phát thải nhà kính.

Bên cạnh đó là nhân tố cạnh tranh của các loại hình cung cấp năng lượng khác.

Báo cáo của Mc Kensey (2022) cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của các cam kết quốc tế tiến tới Zero Các bon. Lý do chính là nhiều nhà máy điện than ở Việt Nam có tuổi đời thấp hơn so với các nhà máy ở các nước phát triển.

Một nghiên cứu của Carbon Tracker năm 2019 sử dụng phương pháp so sánh dòng tiền thuần (NPV) để tính toán nguy cơ mắc kẹt tài sản với điện than ở các quốc gia. Theo nghiên cứu này, nguy cơ tài sản bị mắc kẹt trong kịch bản dưới 2°C được định nghĩa là sự khác nhau giữa Giá trị hiện tại ròng (NPV) của các dòng lưu chuyển tiền mặt trong kịch bản B2DS (ngừng hoạt động toàn bộ nhà máy điện than vào năm 2040) và NPV của các dòng lưu chuyển tiền mặt trong kịch bản BAU (chỉ bao gồm những trường hợp ngừng hoạt động đã được thông báo nêu trong điều kiện thông thường). Tuy nhiên, báo cáo của Carbon Tracker không thể tính hết thay đổi ngoài khả năng dự báo có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận điện than như giá cả hàng hóa, chính sách môi trường, cơ cấu thị trường và chi phí công nghệ.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường

Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cùng cộng sự

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

“Gió đang đổi chiều” trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam“Gió đang đổi chiều” trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam
Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam – cơ hội và thách thứcChuyển dịch Năng lượng Việt Nam – cơ hội và thách thức
Hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt NamHỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam