Ngân hàng yếu kém vẫn khó “kết duyên” với nhà đầu tư ngoại

11:11 | 24/06/2019

255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các phương án tái cơ cấu của các ngân hàng yếu kém phải xin ý kiến của rất nhiều bộ ngành. Thời gian xin ý kiến mất vài ba tháng, trong khi nhà đầu tư (NĐT) không thể chờ đợi lâu được như vậy, nên cơ hội hợp tác với NĐT nước ngoài đã bị bỏ lỡ.

Giải quyết nợ xấu được đánh giá là vấn đề then chốt trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khi quá trình này vẫn còn gặp trở ngại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tái cơ cấu.

Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém gặp nhiều khó khăn là do nhiều yếu tố như: phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh; việc phê duyệt phương án tái cơ cấu nhất là đối với các ngân hàng yếu kém còn chậm khiến các NĐT chưa thực sự mặn mà.

ngan hang yeu kem van kho ket duyen voi nha dau tu ngoai
(Ảnh minh họa)

Có ý kiến cho rằng, các phương án tái cơ cấu của các ngân hàng yếu kém phải xin ý kiến của rất nhiều bộ ngành. Thời gian xin ý kiến mất vài ba tháng, trong khi NĐT không thể chờ đợi lâu được như vậy, nên cơ hội hợp tác với NĐT nước ngoài đã bị bỏ lỡ. Đó cũng chính là lý do trong thời gian qua, chưa có ngân hàng yếu kém nào ký kết được thỏa thuận hợp tác với NĐT nước ngoài.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã từng nêu trong báo cáo liên quan đến nội dung tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Báo cáo nêu rõ, việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng, việc tìm kiếm NĐT có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các NĐT.

Khó khăn nữa là tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó. Trong khi đó, việc cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, ngành chủ quản. Đồng thời, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng này.

Với những khó khăn trên, theo các chuyên gia, muốn đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém, không phải một mình NHNN làm được mà cần sự vào cuộc của nhiều bên. Nhất là quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các khoản nợ liên quan đến các vụ án kinh tế cần phối hợp với nhiều cơ quan, các cấp chức năng.

TS Cấn Văn Lực cho hay, cần phải có đầu mối để phối hợp, tháo gỡ những vướng mắc về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, qua đó thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, đảm bảo theo yêu cầu của Quyết định số 1058 và xa hơn là Chiến lược ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó, TS Lực cũng đề xuất, cần tăng quyền cho NHNN trong việc phê duyệt đề án tái cơ cấu của các ngân hàng yếu kém để giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ phê duyệt phương án để giúp NĐT nước ngoài tìm kiếm được cơ hội hợp tác nhanh hơn.

M.L

ngan hang yeu kem van kho ket duyen voi nha dau tu ngoaiXử lý nợ xấu vẫn đối mặt khó khăn
ngan hang yeu kem van kho ket duyen voi nha dau tu ngoaiVAMC sẽ xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung
ngan hang yeu kem van kho ket duyen voi nha dau tu ngoaiNợ xấu ngân hàng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao