Ngại gì… “phim lai”!

11:00 | 07/12/2013

780 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước hiện tượng “đổ bộ” của lực lượng đạo diễn Việt kiều về nước làm phim đã có những lo lắng cho rằng: Điện ảnh Việt sẽ sản sinh ra một loạt những sản phẩm “lai căng”. Suy nghĩ này không phải không có cơ sở, nhưng rõ ràng hiện tại đội ngũ đạo diễn Việt kiều đã có công “thổi một luồng gió mới” vào nền điện ảnh Việt mà trước đó vốn đang đìu hiu…!

Năng lượng Mới số 280

Ghi dấu ấn

Trường kỳ, cam go, thành công nhưng cũng nhiều thất bại. Đó là những gì có thể nói về nỗ lực của lớp đạo diễn Việt kiều phải trải qua khi “dám” về nước làm phim. Thực tế mỗi cuộc trở về vốn dĩ là một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro của các đạo diễn trẻ. Bởi công bằng nhìn nhận thì thị trường phim Việt còn quá nhiều khắt khe nên không ít đạo diễn về rồi ngậm ngùi “một đi không trở lại”.

Thực tế, phải nhìn nhận, sự xuất hiện ngày càng nhiều những đạo diễn Việt kiều về nước làm phim cho thấy một tín hiệu vui. Từ khi xuất hiện lực lượng này, điện ảnh Việt đã có những bước chuyển biến đáng ghi nhận. Đã có những tên tuổi có công nâng tầm phim Việt lên vị thế mới như: Võ Nghiêm Minh, Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Lưu Huỳnh, Dustin Nguyễn, Vũ Trọng Khoa… Bấy nhiêu thôi đã đủ thấy, lực lượng quá hùng hậu. Họ đều là những gương mặt trẻ, nhiệt huyết với nghề và không ngại quăng quật để chinh phục thị trường phim còn khó lường như ở Việt Nam.

Thành tích của lực lượng này cũng không nhỏ. “Lứa đầu” đã cho ra đời sản phẩm ghi dấu tích đáng nể, phần nào làm danh giá cho nền điện ảnh Việt trên các đấu trường quốc tế như: Trần Anh Hùng với “Mùi đu đủ xanh” (phim duy nhất mang danh điện ảnh Việt Nam cho đến nay lọt vào vòng đề cử 5 phim cuối cùng cho giải Oscar phim nước ngoài hay nhất), Tony Bùi với “Ba mùa” (giải Khán giả và Giám khảo tại LHP Sundance), Nguyễn Võ Nghiêm Minh với “Mùa len trâu” (giải Đặc biệt LHP Locarno Thụy Sĩ)... Đó đều là những bộ phim có tính nghệ thuật cao.

Kế đến là dòng phim chiếu rạp. Sự ra đời của một loạt các phim có sức hấp dẫn gắn với các tên tuổi trẻ như: “Áo lụa Hà Đông”, “Lấy chồng người ta” của Lưu Huỳnh; “Dòng máu anh hùng”, “Long ruồi”, “Cưới ngay kẻo lỡ” của Charlie Nguyễn; “14 ngày phép”, “Vũ điệu đường cong” của Vũ Trọng Khoa; “Cô dâu đại chiến”, “Giao lộ định mệnh”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Scandal - Bí mật thảm đỏ” của Victor Vũ... Gần đây nhất là cuộc “Tiền Chùa” của Thiện Đỗ và cuộc “đại náo” phòng vé của “Âm mưu giày gót nhọn” sản phẩm của Hàm Trần.

Nhìn nhận một cách khách quan thì lực lượng đạo diễn Việt Kiều đã có công trong việc mở ra những hướng đi mới cho nền điện ảnh Việt. Sự trẻ trung, nhanh nhạy đặc biệt là những yếu tố hành động, giả tưởng kết hợp với những kỹ xảo bắt mắt được sử dụng trong phim Việt, đẩy tiết tấu phim nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn... là điều mà phim của các đạo diễn thuần Việt làm chưa tới.

Thêm nữa, lực lượng này cũng có công khai phá những thể loại phim mới ở Việt Nam. Như thể loại phim hành động và hành động giả tưởng. Đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt từng bộc bạch trước khi về nước làm phim, anh đã tìm hiểu rất kỹ thị trường, biết điện ảnh Việt rất thiếu phim kinh dị nên đã chủ ý đầu tư cho thể loại này. Bộ phim “Ngôi nhà trong hẻm” dù không phải là tác phẩm xuất sắc của thể loại này nhưng cũng góp được một gam màu riêng cho điện ảnh Việt. Và càng ấn tượng hơn khi được chọn là bộ phim đầu tiên được chiếu trên đất Mỹ.

Vì thế mà, không thể phủ nhận sạch trơn những đóng góp của các tên tuổi này dành cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt. Chính đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng từng khẳng định: “Những đạo diễn Việt kiều về nước làm phim đã có những tác động nhất định với điện ảnh nước nhà”.

Cần cởi mở

Băn khoăn trước sự đổ bộ của đạo diễn Việt kiều về nước làm phim, diễn viên Thế Anh chia sẻ: “Sợ rằng họ mang theo những thứ bên Tây về. Khi đó, xem phim ta mà cứ ngỡ xem phim Tây thì hỏng”. Lo lắng này đương nhiên đúng, bởi thực tế đã có những bộ phim bị cho là mang hơi hướng nước ngoài, hay phim nước ngoài “đội lốt” phim Việt. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đó sẽ là “cái chết” được báo trước đối với những trường hợp “nhập gia” mà không “tùy tục”. Chúng ta đã có những đạo diễn, “một đi không trở lại” khi dám “phớt lờ văn hóa Việt”. Điển hình là trường hợp “Sài Gòn nhật thực” của Othello Khanh hay “14 ngày phép” của Vũ Trọng Khoa. Số đông khi tiếp cận với hai phim này đều cho rằng phản cảm, cách làm phim vụng về và đặc biệt là sự “ngu ngơ” khi có những nhận định chủ quan, lệch lạc, đi ngược phông văn hóa của người Việt.

Công bằng mà nói, việc “nhập gia tùy trạch” ở Việt Nam không phải dễ dàng. Do các đạo diễn được học tập, đào tạo cộng với việc sinh sống ở nước ngoài lâu nên việc tiếp cận một cách sâu xa vào văn hóa Việt còn nhiều hạn chế. Chẳng thế mà, mới đây nhất với “Âm mưu giày gót nhọn” của đạo diễn Hàm Trần vừa cho ra rạp đã có ý kiến cho rằng đó là một bộ phim Mỹ “trá hình”. Trước đó, “Lửa Phật” của Dustin Nguyễn cũng bị đánh giá là quá xa rời bản sắc Việt khi sử dụng những thước phim hành động với kỹ xảo cao và quá nhiều hoạt cảnh bạo lực, không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Rõ ràng, thể loại phim hành động còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên để có những quy chuẩn chung rằng: Làm thế nào cho phải? Xem ra còn nhiều mông lung và định kiến. Thực tế, làm phim theo một thể loại mới là hành động thì thật khó để Dustin Nguyễn gò ép mình trong một khuôn khổ nào. Nhất lại là khi thể loại phim hành động vẫn còn là mảng yếu của điện ảnh Việt.

Đạo diễn Hàm Trần từng nói: “Tôi không muốn phim của tôi mang yếu tố Việt kiều. Nó phải là phim Việt Nam. Vì thế tôi muốn và đã đặt tất cả những yếu tố Việt kiều sang một bên”. Điều đó khẳng định, họ cũng rất chú trọng đến việc phim Việt phải phản ánh thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt. Và nỗ lực như đã thấy ở trường hợp gần đây là “Tiền Chùa”. Đạo diễn Thiện Đỗ quả là đã biết cài cắm chi tiết khi để nhịp sống hiện tại kết hợp với quan niệm “hên - xui” mang đậm truyền thống Á Đông vào phim… Nên dù có sự “lai căng” nhưng bộ phim này vẫn được công chúng đón nhận.

Khẳng định bất cứ một nền nghệ thuật nào cũng phải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước đó. Tuy nhiên, thị trường phim Việt còn quá nhiều khắt khe, khiến những bước đi táo bạo bị hạn chế nhiều. Câu hỏi đặt ra rằng: Có nên chấp nhận sự “lai căng” trong phim? Xin thưa là có thể, đương nhiên là trong khuôn khổ cho phép. Thực tế, các nhà làm phim Việt luôn chú trọng cách chuyển tải thông điệp và văn hóa Việt trong mỗi sản phẩm. Ai không tuân thủ thì mặc nhiên đã bị đào thải.

Thế nhưng, so với những tín hiệu khả quan mà lớp đạo diễn trẻ mang lại thì việc “cởi mở” rõ ràng là nên có. Bởi khi đội ngũ làm phim trẻ đổ bộ về sức cạnh tranh giữa các nhà làm phim cũng cao hơn, sự đột phá cũng bắt đầu le lói có. Thêm nữa, thực tế thì đội ngũ đạo diễn việt kiều về nước đang dừng ở mức độ “tìm đường”… Nên với một lực lượng hùng hậu như vậy mà “đột phá” vẫn chưa phải là nhiều thì lại cần có cách “ứng xử” khác. Đã lâu, chúng ta không có phim hay để “đem chuông đi đánh xứ người”. Nên chăng, quy tụ để lực lượng làm phim tinh nhuệ đã được học tập, đào tạo bài bản ở nước ngoài về làm phim trong nước. Như vậy mới mong một tương lai không xa điện ảnh Việt hòa nhập được với dòng chảy của xu hướng điện ảnh thế giới.

Huyền Anh