Xung quanh vụ "đánh chết người vì tức giùm Cảnh sát giao thông!"

15:21 | 27/10/2013

5,674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau vụ người dân vi phạm giao thông bị Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt dẫn đến cự cãi, “đại gia” một bãi xe thấy "tức" cho các cảnh sát giao thông, cùng đồng bọn bám theo chặn đầu xe đánh người dân vi phạm giao thông tới tấp dẫn đến một cái chết tức tưởi.

>> Khởi tố hai côn đồ “tức giùm” CSGT nên đánh chết người

>> Tử vong bất thường sau khi bị xử phạt vi phạm giao thông

Vụ việc cự cãi với CSGT dẫn đến bị đánh chết, Công an quận Tân Phú khẳng định, đối tượng đánh chết người không liên quan đến Tổ CSGT làm nhiệm vụ thổi phạt nạn nhân vào đêm xảy ra sự vụ. 

Hiện trường xảy ra vụ “Tức giùm Cảnh sát giao thông nên đánh chết người”.

Khoảng 21h ngày 9/4, sau khi nhậu tại quán P.C, Trần Văn Hiền, Trần Văn Hậu, Ngô Quang Ý ra về. Hiền điều khiển xe máy biển số 59H1-443.07 chạy đến trước bãi xe Thanh Bằng (số 512 Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) thì bị tổ tuần tra CSGT Công an quận Tân Phú ra tín hiệu dừng xe và lập biên bản tạm giữ xe do trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá giới hạn quy định.

Hiều bực tức, cự cãi và có lời lẽ nhục mạ CSGT, đồng thời đập bể điện thoại di động của mình. Lúc này, Lê Thanh Bằng điều khiển xe máy biển số 54K2-6655 chạy về đến cổng bãi xe (bãi xe này của Bằng) thì thấy Hiền la ó, chửi mắng.

Bằng thấy Võ Văn Tòng đang đứng gần tổ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, Bằng hỏi Tòng: “Có chuyện gì?”. Tòng nói người đàn ông đó say rượu bị Cảnh sát giao thông giữ xe nên chửi bới và nhục mạ lực lượng Cảnh sát giao thông. Do bức xúc nên khi thấy Hiền đón xe ôm về nhà theo hướng ngã tư Gò Mây, Bằng rủ Tòng đuổi theo đánh Hiền. Tòng đồng ý.

Bằng chạy xe chở Tòng đuổi theo đến trước công ty Givral (địa chỉ lô II – 1B Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), Bằng cho xe chặn đầu xe ôm chở Hiền và xuống xe. Một tay nắm cổ áo Hiền rồi hỏi: “Lúc nãy mày chửi dữ hả?”. Đồng thời, tay phải đấm một cái vào mặt Hiền. Hiền xuống xe bổ chạy vào phía trong lề đường. Bằng đuổi theo dùng tay đánh vào mặt Hiền 2 cái. Hiền xin tha mạng.

Bằng dùng tay trái nắm dây quai mũ bảo hiểm của Hiền đang đội, tay phải đánh cùi chỏ vào mặt làm Hiền ngã ngửa xuống đất. Tòng xuống xe, đến xem sao thì thấy anh Hiền bất tỉnh. Bằng lên xe chở Tòng về bãi xe. Hiền được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện đa khoa Khu Công nghiệp Tân Bình.

Theo kết quả giám định pháp y của Phòng kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM, nạn nhân Trần Văn Hiền chết do chấn thương sọ não. Đến ngày 15/4, Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng đã đến Công an quận Tân Phú đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Theo kết luận cáo trạng của Viện Kiểm sát quận Tân Bình, hành vi dùng tay đánh vào mặt làm cho anh Hiền ngã xuống đất gây chấn thương sọ não dẫn đến chết người do Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, cần truy cứu trách nhiệm hình sự để giáo dục và phòng ngừa chung. Viện Kiểm sát đề nghị truy tố Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng về tội “Cố ý gây thương tích”. 

Theo lập luận của luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Văn phòng luật sư Giải Phóng, có những điểm bất thường mà cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Phú, Viện Kiểm sát nhân dân quận Tân Phú chưa áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc áp dụng nhưng chưa đầy đủ. 

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng: “Từ cự cãi với CSGT dẫn đến bị đánh chết, nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ có hay không việc cự cãi, cự cãi với ai?”.

Trong các Bản Tường trình của Tổ CSGT thì không ai thừa nhận có cự cãi trực tiếp với Hiền. Trong đó, có 3 CSGT.

Đây cũng chính là nhà của đối tượng Lê Thanh Bằng, chủ bãi xe, người đã đánh chết nạn nhân. Các CSGT này khẳng định: “Không nghe rõ nói gì, và cự cãi với ai?”.

Số CSGT còn lại thì không hề nghe thấy việc cự cãi này. Như vậy, có hay không việc nạn nhân Hiền có cự cãi với CSGT và cãi trực tiếp với ai?.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã “dễ dàng” bỏ qua chi tiết này để làm sáng tỏ và xác định sự thật khách quan của vụ án. Lẽ ra, Công an quận Tân Phú phải triệu tập thêm nhân chứng để làm rõ việc cự cãi trên.

Giấy chứng nhận nạn nhân chết do bị đánh.

Tại thời điểm này, theo tường trình và nhật ký tuần tra của các CSGT thì có rất nhiều người dân vi phạm giao thông đang bị xử lý. Nhưng trong hồ sơ vụ án, không có ai trong số người dân vi phạm chứng kiến việc cãi nhau được mời làm nhân chứng.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng đã chỉ ra rằng: “Đánh bằng tay không gây chấn thương sọ não và dẫn đến cái chết là không có cơ sở y học”. Nếu dùng tay đánh vào đầu dẫn đến chấn thương sọ não và có khả năng tử vong thì cơ quan điều tra phải xem xét đến hành vi "Giết người", chứ không thể "Cố ý gây thương tích". Hơn nữa, đối tượng Bằng đã đánh vào đầu nạn nhân đến khi nằm gục và bất tỉnh rồi mới bỏ đi.   

Theo lời khai của nhân chứng chứng kiến, việc đánh nhau và lời khai của cán bộ Công an khu vực (Bút lục 156) thì khi nạn nhân Hiền bị đánh nằm bất tỉnh, đầu vẫn còn đội mũ bảo hiểm. Báo cáo khám nghiệm hiện trường ngày 10/4/2013 nhận định: “Đối tượng dùng tay đánh vào đầu nạn nhân gây chấn thương sọ não”.

Lẽ ra, cơ quan Cảnh sát điều tra cần tiến hành thực nghiệm điều tra để dựng lại hiện trường, tái hiện tư thế đánh, ngã, triệu tập thêm nhân chứng xung quanh hiện trường để xác định nguyên nhân, phương tiện gây ra cái chết cho nạn nhân Hiền một cách khách quan, toàn diện hơn.

Đặt vấn đề về chuyện “tức giùm” cho CSGT, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói: “Không thể vô cớ đánh người dẫn đến cái chết oan ức cho họ”.

Theo Cáo trạng, động cơ gây án của Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng là do bức xúc khi nghe anh Hiền cãi với Cảnh sát giao thông nên mới đuổi theo đánh gây ra cái chết cho nạn nhân là quá mờ nhạt. Hành vi “tức giùm” Cảnh sát giao thông không có mối liên hệ trực tiếp giữa động cơ, mục đích và hành vi phạm tội.

Trong khi đó, hồ sơ vụ án thể hiện, Bằng không có quen biết hay mâu thuẫn gì với nạn nhân. Riêng đối tượng Tòng thì có quen một chiến sĩ CSGT trong ca trực hôm đó.

CSGT Công an quận Tân Phú thì dùng bãi xe của đối tượng Bằng để lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. Đối tượng Bằng và vợ của Bằng cũng thừa nhận là có quen biết với một số Cảnh sát giao thông này.  

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Phú cần phải triệu tập thêm các nhân chứng có mặt hôm đó để làm rõ các tường trình của CSGT và lời khai của đối tượng Bằng cũng như Tòng có khách quan hay không?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng tiết lộ: “Trong hồ sơ vụ án, chúng tôi không tìm thấy những bút lục thể hiện việc cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện các bước nghiệp vụ này”.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng. 

Điểm bất hợp lý nữa của Kết luận điều tra: “Cơ sở nào xác định phương tiện gây án là tài sản riêng của bà Trang, vợ của đối tượng gây án?”

Theo quyết định xử lý vật chứng số 192/QĐ ngày 2/8/2013 của Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trả lại cho bà Phan Thị Thùy Trang, vợ của đối tượng gây án chiếc xe gắn máy biển số 54K2-6655 được xác định là phương tiện gây án do Lê Thanh Bằng sử dụng.

Bà Trang là vợ của Bằng, không có chứng cứ xác định chiếc xe gắn máy là tài sản riêng của bà Trang, nên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Phú quyết định trả lại chiếc xe gây án là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng đã kiến nghị Tòa án nhân dân quận Tân Phú xem xét trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Luật sư còn cho rằng, để cơ quan Cảnh sát điều tra có thể tiếp tục làm rõ các tình tiết đã được đề cập nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án.

“Để đảm bảo tính khách quan, kiến nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM rút hồ sơ vụ án lên để điều tra bổ sung”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.

Nhóm PV PetroTimes