Bán rong quân tư trang - "nối giáo" cho tội phạm

07:00 | 30/06/2013

4,771 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc mua bán quân phục, công cụ hỗ trợ quá dễ dàng để đóng giả công an, quân đội, hay cảnh sát cơ động (CSCĐ) chặn xe, cưỡng đoạt tài sản của người dân. Mặc dù bị cấm nhưng quân trang, quân phục vẫn được bày bán tràn lan. Có một sự thật hiển nhiên là các cán bộ công an, bộ đội đều sử dụng quân phục cấp, phát nên sẽ không có chuyện đi sắm ở các cửa hàng. Vậy, những thứ này sẽ bán cho ai?

Cửa hàng  tràn lan trang phục lực lượng vũ trang

Theo tìm hiểu của phóng viênPetroTimes, tại phố Lê Duẩn (Hà Nội), có nhiều cửa hàng bày bán tràn lan trang phục của lực lượng vũ trang, hỏi bất cứ “quân phục” của binh chủng, đơn vị nào cũng được đáp ứng.

Quân phục là mặt hàng trong danh mục cấm kinh doanh nhưng nhiều cửa hàng trên phố Lê Duẩn vẫn bán.

Dừng trước một cửa hàng hoành tráng gần phố Khâm Thiên, phóng viên hỏi ông chủ: “Còn bộ ngành (công an) nào trong nhà không?”.

Ông chủ cửa hàng lại gần nói: “Cần bao nhiêu, size gì, loại công an phường hay cảnh sát cơ động?”. Không đợi khách hỏi giá, vị chủ này nói luôn: “Quần áo 380.000 đồng một bộ; dây lưng công an 150.000 đồng, quân đội 170.000 đồng, giày xịn của ngành 300.000 đồng một đôi, có đủ kích cỡ…”.

Mũ, quân hàm có gắn sao, giày sĩ quan… cùng công cụ hỗ trợ được bày bán công khai tại phố Lê Duẩn

Chủ cửa hàng còn cho biết, ngoài đồ trang phục nếu khách hàng có nhu cầu làm biển hiệu, cần các dụng cụ hỗ trợ như dùi cui điện, đèn pin nghiệp vụ, súng bắn điện… thì phải đặt tiền trước, vài ngày sau sẽ có.

Khi được hỏi về nguồn gốc của hàng, chủ cửa hàng cho biết, nguồn hàng được mua từ các đối tượng trộm cắp quân dụng và ngoài ra họ không tiết lộ thông tin gì thêm.

Trang phục "nhái" công an và bộ đội còn được bán ở... vỉa hè

Trang phục "nhái" công an và lực lượng vũ trang bán ở vỉa hè.

Trên đoạn ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi còn có cả những hàng bán trang phục "nhái" trang phục CSGT, CSCĐ. Mỗi bộ quân phục được bán với giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, kèm theo cầu vai, mũ, thắt lưng thuộc nhiều cấp bậc khác nhau, từ trung sỹ, thượng sỹ, thiếu úy… Đối với trang phục dành cho ngành CSGT sẽ kèm còi, gậy, thắt lưng… chẳng khác gì các bộ trang phục của CSGT thật.

"Nhái" cái gì cũng được nhưng "nhái" trang phục công an là rất nguy hiểm.

 

Sau khi nhận được tin báo của quần chúng, Phòng CSGT Hà Nội đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt. Người phụ nữ bán trang phục lực lượng vũ trang nhái là Đỗ Thị Hạnh (SN 1987, ở Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên).

Tại thời điểm kiểm tra, chiếc xe máy của chị Hạnh chở 50 bộ quần áo của lực lượng vũ trang với nhiều kích cỡ khác nhau. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ chiếc xe, sau đó phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 26 (Chi Cục QLTT Hà Nội) tạm giữ 2 bộ trang phục.

Tại cơ quan điều tra, chị Đỗ Thị Hạnh cho biết: Chị bán quần áo của lực lượng vũ trang tại TP HCM từ 2 năm trước, song không thấy ai nhắc nhở hay xử lý. Hạnh đã nhập 100 bộ quần áo loại này để tiêu thụ tại thị trường Hà Nội từ gần 1 tháng nay, hiện đã bán hết 50 bộ.

Theo chị Hạnh, nguồn hàng quần áo nhái lực lượng vũ trang được vận chuyển từ TP HCM, đơn vị cung cấp hàng cho chị có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra, chị Hạnh không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.

Những vụ giả danh công an lừa đảo, trấn cướp

Đã có nhiều vụ các đối tượng bất lương giả danh công an lừa đảo, trấn lột. Với đối tượng này đều khai: Do thấy việc mua bán quân phục, cảnh phục cùng các công cụ hỗ trợ quá dễ dàng nên nảy sinh ý đồ xấu.

Đầu năm 2013, Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội bắt quả tang Vũ Tuấn Anh (SN 1994, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) mặc trang phục của CSCĐ, đứng chặn phương tiện tham gia giao thông tại khu vực dốc xóm Cát, Cao Thành, Ứng Hòa để kiểm tra và trấn tiền người vi phạm giao thông.

Xét xử 4 đối tượng giả danh CSCĐ cưỡng đoạt tiền của dân.

Mới đây, tháng 1/2013, TAND quận Long Biên (Hà Nội) xét xử 4 bị cáo giả danh lực lượng cảnh sát cơ động, vòi tiền người tham gia giao thông.

Tất cả bị cáo đều bị xét xử vì tội cưỡng đoạt tài sản. Các bị cáo khai nhận đã đi mua trang phục, công cụ hỗ trợ đóng giả CSCĐ để “ăn” tiền của người vi phạm giao thông vào ban đêm.

Theo cáo buộc, ngày 19/10/2012, trong trang phục cảnh sát cơ động, Tùng cùng các “chiến hữu” mang theo bộ đàm, đèn pin, dùi cui đi rình bắt các chủ xe máy không đội mũ bảo hiểm để phạt tiền.

Đến đoạn đê Tư Đình (quận Long Biên) phát hiện anh Phạm Bá Nhất (SN 1990) và Hoàng Văn Luận (SN 1993) cùng ở phường Cự Khối, quận Long Biên không đội mũ bảo hiểm, Thắng rú ga vượt lên, ép xe anh Nhất vào vỉa hè rồi nói: “Chúng tôi là tổ công tác 141, đang làm nhiệm vụ, yêu cầu xuất trình giấy tờ”. Sau hồi dọa nạt, nhóm “cơ động” này nhận 330 ngàn đồng từ anh Nhất rồi cho đi.

Khi đang tiếp tục chặn xe của một phụ nữ, những "cảnh sát giả” này đã bị cảnh sát "xịn” phát hiện, bắt giữ. Cuối phiên xử, các bị cáo đã bị tuyên phạt từ 12 đến 15 tháng tù.

Quân phục là một trong những mặt hàng thuộc danh mục cấm kinh doanh, buôn bán và việc kinh doanh các mặt hàng này sẽ bị xử lý hành chính hoặc có thể bị  truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyễn Hoan