Nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 mỗi ba tháng một lần?

17:55 | 26/12/2021

1,113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là khuyến cáo của Hội Đồng Cấp Cao về Y Tế với chính phủ Pháp, trong bối cảnh nước này ghi nhận số lượng ca nhiễm Covid-19 kỷ lục trong một ngày, hơn 90.000 vào ngày 24/12/2021.
Nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 mỗi ba tháng một lần?

Theo giải thích của Hội Đồng Cấp Cao về Y Tế, mỗi mũi vaccine có hiệu quả 80% trong vòng hai tháng đầu và tỷ lệ đó rơi xuống còn 34% kể từ tháng thứ tư trở đi. Do vậy khoảng cách 3 tháng giữa hai đợt tiêm là thích hợp. Vẫn theo cơ quan này, nhờ mũi tiêm thứ ba, tỷ lệ tử vong vì biến thể Omicron giảm 15% tại Pháp.

Pháp đang lo ngại dịch bùng phát rất mạnh vào những ngày sắp tới và hệ quả kèm theo là ngay trong những ngày đầu năm 2022 sẽ có nhiều nhân viên phải nghỉ việc, vì bị nhiễm Covid-19. Đây là nguyên nhân có thể gây nhiều xáo trộn trong các sinh hoạt thường ngày tại các công sở, đặc biệt là trong ngành vận tải, giáo dục …

Một năm sau kể từ khi có thuốc chủng ngừa Covid-19, châu Âu vẫn bị virus corona đe dọa. Anh Quốc ghi nhận thêm hơn 120.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ý và Tây Ban Nha bắt buộc đeo khẩu trang trở lại ngoài đường phố. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutter nhìn nhận sai lầm là đã khởi động quá trễ chiến dịch tiêm chủng. Mỹ cũng đang lo ngại không kém, do vào dịp này có hơn 109 triệu người dân Mỹ di chuyển từ nơi này sang nơi khác để về đón Noel và các ngày lễ cuối năm với gia đình.

Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, giữa tháng 12/2021, trong tuyên bố đáp lại nghiên cứu của Đại học Hồng Kông (HKU), tập đoàn Sinovac khẳng định 94% những người đã tiêm liều tăng cường với vaccine Coronac đã được phát hiện có mức kháng thể có khả năng vô hiệu hóa Omicron. Hãng dược phẩm không cung cấp chi tiết về các mức kháng thể xác định được, nhưng thừa nhận là với 2 mũi tiêm, chỉ có 7 trên 20 người có thể tạo ra kháng thể đối phó với biến thể mới này của Covid-19.

Trong mọi trường hợp, việc suy giảm hiệu quả của vaccine là một tín hiệu xấu đối với Trung Quốc, nước cho đến nay đã có thể kiềm chế Covid-19 bằng các biện pháp như đóng cửa biên giới và các biện pháp phát hiện, truy tầm các ca tiếp xúc và cách ly nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, nếu hầu hết các khu đô thị lớn ở Trung Quốc đã tiến hành tiêm mũi thứ ba, hiện vẫn còn vài lỗ hổng trên bản đồ tiêm chủng toàn quốc. Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, tại một số tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng cho người trên 80 tuổi đang ở mức 30%, và cho người trên 70 tuổi là 50%.

Trong khi chờ đợi các thuốc điều trị và vaccine mới, bức tường thành y tế ngăn chặn virus của Trung Quốc đang bị thử thách với mối lo ngại là biến thể Omicron lách qua những kẽ hở trong chiến lược "zero Covid".

Ngoài ra, cũng theo các nhà nghiên cứu ở Hồng Kông được Bloomberg trích dẫn, biến thể Omicron có thể nhân lên hơn 70 lần trong phế quản con người so với biến thể Delta hoặc chủng virus Covid-19 gốc, nhưng lại kém phát triển hơn 10 lần trong phổi của bệnh nhân so với các biến chủng ban đầu. Điều này có thể giải thích lý do tại sao người nhiễm Omicron dường như mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn so với những người nhiễm các biến thể trước đó.

Nếu sự lây lan của biến thể mới một lần nữa cho thấy virus không màng tới biên giới, thì sự xuất hiện của Omicron đã gợi lại một điều, dù là hiển nhiên nhưng lại bị quên lãng, cho dù điều này rất quan trọng: Cuộc chiến chống Covid-19 và các biến chủng không thể chỉ ở khuôn khổ một quốc gia duy nhất. Mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi phải có một phản ứng ở tầm mức tương xứng, để tránh sự bất trắc, sự vô tổ chức và mối lo ngại trên quy mô toàn cầu.

WHO sẽ sớm phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của NgaWHO sẽ sớm phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của Nga
Đức: Hơn 8.000 người nghi bị tiêm nước muối sinh lý thay vaccine ngừa Covid-19Đức: Hơn 8.000 người nghi bị tiêm nước muối sinh lý thay vaccine ngừa Covid-19
Israel nghiên cứu tác dụng phụ khi tiêm mũi thứ ba vaccine Covid-19Israel nghiên cứu tác dụng phụ khi tiêm mũi thứ ba vaccine Covid-19

Nh.Thạch

AFP