Nâng cao ý thức cộng đồng nhằm giảm thiểu chất thải nguy hại tại các đô thị

15:26 | 08/03/2024

999 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và đưa đến nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Trong đó, rác thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nan giải mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

Ngày 7/3 tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan chức năng tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”.

Nâng cao ý thức cộng đồng nhằm giảm thiểu chất thải nguy hại tại các đô thị
Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Công Dũng phát biểu tại tọa đàm.

Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Công Dũng cho biết: Môi trường có vai trò quan trọng, tác động hằng ngày, hằng giờ, trực tiếp ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của con người. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh hiểm nghèo, lây lan dịch bệnh, làm mất cân bằng hệ sinh thái... Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn gây thiệt hại đến mĩ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và sự phát triển của đất nước.

Hiện nay, với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, cùng với thói quen sinh hoạt và ý thức của con người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Bởi vậy, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị là việc làm cấp bách mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Công Dũng, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là vấn đề quan trọng, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo để giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của đất nước và sự tồn tại của con người. Từ đó, xây dựng nhận thức đúng đắn, hành động thân thiện và văn minh với môi trường.

Nâng cao ý thức cộng đồng nhằm giảm thiểu chất thải nguy hại tại các đô thị
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại tọa đàm.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, ở Việt Nam do sự phát triển của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ đã tạo áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại đô thị phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.

Điều đáng nói, chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương. Trong khi đó, chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam khi tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí. Việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam đó là những giải pháp quan trọng bảo vệ môi trường cho tương lai, phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2020”.

Nâng cao ý thức cộng đồng nhằm giảm thiểu chất thải nguy hại tại các đô thị
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi về: Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kết quả, hạn chế thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kinh nghiệm rút ra, phương hướng trong thời gian tới để nâng cao việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị...

Một trong những giải pháp được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đề cập là phát huy vai trò truyền thông, tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn.

Phân tích làm rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, việc thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa, chất thải rắn đô thị. Chia sẻ những kinh nghiệm, xây dựng mô hình điểm trong xử lý rác thải tại các đô thị.

Nâng cao ý thức cộng đồng nhằm giảm thiểu chất thải nguy hại tại các đô thị
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi chia sẻ tại toạ đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi chia sẻ, cần có chính sách để tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Phần lớn các chất này đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Nếu việc chôn lấp được thực hiện đúng quy cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian.

Ngoài ra theo ông Tạ Đình Thi, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển, quản lý, tái sử dụng, tái chế. Tư duy về kinh tế tuần hoàn này cũng được lồng ghép trong các điều, khoản khác như đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP), mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được chú trọng giải quyết ngay tại nguồn, việc giảm thiểu, phân loại, tái chế, tái sử dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 và khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Mặt khác, chúng ta cũng đang tích cực tham gia đàm phán, xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam, trên cơ sở quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định của pháp luật hiện hành. Ông Tại Đình Thi cho hay: “Như vậy vấn nạn rất rõ, mấu chốt là làm sao đưa chính sách pháp luật, và đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống” .

Nâng cao ý thức cộng đồng nhằm giảm thiểu chất thải nguy hại tại các đô thị
Tổng Giám đốc WWF tại Việt Nam Văn Ngọc Thịnh choa sẻ tại toạ đàm

Chia sẻ về các giải pháp và công tác quản lý chất thải rắn tại địa phương, Tổng Giám đốc WWF tại Việt Nam Văn Ngọc Thịnh cho biết: WWF cũng như các tổ chức khác đã phối hợp và hỗ trợ nhiều địa phương triển khai các dự án, mô hình, giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, thu gom, phân loại - xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; tích cực tuyên truyền, giáo dục... trong thời gian qua. Các Dự án của WWF với các địa phương, bên cạnh việc hỗ trợ triển khai các quy định và chính sách tại địa phương, cải thiện hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa, WWF cũng đã tập trung vào việc xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình và giải pháp dựa vào nguồn lực của cộng đồng.

N.H

Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta trong vấn đề phát triển bền vữngTrách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta trong vấn đề phát triển bền vững
Làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa?Làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa?
Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trườngTăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan