Mỹ thận trọng trước sự phát triển của nhân dân tệ điện tử

07:00 | 08/04/2021

376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm nhân dân tệ điện tử do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) phát hành thì Mỹ hiện vẫn tỏ thái độ thận trọng trước tiền kỹ thuật số.
Nhân dân tệ điện tử được thử nghiệm đặt ra nhiều lo ngại cho vị thế của đồng USD trên toàn cầu.
Nhân dân tệ điện tử được thử nghiệm đặt ra nhiều lo ngại cho vị thế của đồng USD trên toàn cầu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã và đang dẫn đầu công việc về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hay còn gọi là nhân dân tệ điện tử, một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) nhằm mục đích thay thế tiền mặt đang lưu thông.

Một đặc thù giúp Trung Quốc dễ dàng thí nghiệm loại tiền tệ mới xuất phát từ việc người dân thanh toán chủ yếu thông qua thanh toán điện tử, tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất thấp.

Việc này giúp chính quyền Bắc Kinh dễ dàng tác động tới thói quen mua sắm của công dân và tạo lợi thế cho đồng nhân dân tệ điện tử trên thị trường toàn cầu.

Trái ngược với Trung Quốc, nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ lại đang có động thái khá thận trọng với CBDC. Trong khi đó, một số người lại lo ngại rằng, việc xuất hiện đồng nhân dân tệ điện tử sẽ cạnh tranh sự ảnh hưởng với đồng bạc xanh, vốn được hưởng vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới và phần lớn hoạt động thương mại quốc tế được sử dụng nó.

Tuy nhiên, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang đã có quan điểm thận trọng lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số và điều đó dự kiến sẽ không thay đổi ngay cả khi sức nóng tăng thêm từ Trung Quốc.

Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cho biết ngân hàng trung ương sẽ không làm bất cứ điều gì liên quan đến CBDC nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội.

David Grider, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số tại Fundstrat cho biết, ông không nghĩ đồng nhân dân tệ điện tử sẽ tác động mạnh đến vị thế của đồng USD, “Tôi cho rằng đồng nhân dân tệ điển tử sẽ không thay đổi vai trò của đồng đô la trên thế giới, đó có lẽ là một trong những lý do khiến ông Powell không vội vàng như vậy”- David Grider cho hay.

Bitcoin và các loại tiền ảo khác đã đạt mức vốn hóa lịch sử 2.000 tỷ USD.
Bitcoin và các loại tiền ảo khác đã đạt mức vốn hóa lịch sử 2.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, Mỹ có nguy cơ tụt hậu so với thế giới trên toàn cầu nếu họ bỏ qua sự phát triển của các loại tiền kỹ thuật số.

Cách đây chưa đầy một thập kỷ, chẳng mấy ai quan tâm đến bitcoin hay các loại tiền ảo khác trên thị trường, có chăng họ tìm hiểu tới nó bởi sự tò mò. Tuy nhiên đến nay, khi mức vốn hóa chung của thị trường tiền ảo đã đạt 2.000 tỷ USD, một điều không ai ngờ tới.

Chỉ trong vài năm, các giao dịch kỹ thuật số được dự đoán sẽ đạt tổng giá trị lên đến 9.000 tỷ USD trên toàn cầu, sự phát triển sẽ cho phép các chính phủ bắt kịp những gì đã và đang xảy ra trên khắp thế giới với các hệ thống thanh toán như WiPay, AliPay và SwiftPay.

Một trong những lo ngại về CBDC đó chính là quyền riêng tư, khác với các loại tiền ảo dựa vào blockchain hoạt động ẩn danh, CBDC đòi hỏi các giao dịch không được ẩn danh. Các quan chức Fed đã bày tỏ quan ngại về các vấn đề quyền riêng tư và việc thực hiện. Nhưng điều đó đã không ngăn cản sự quan tâm trên toàn cầu đối với tiền tệ kỹ thuật số.

Theo CNBC, với vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trên thị trường CBDC, phần nào đã làm giảm giá trị của đồng USD trong câu chuyện thanh toán xuyên biên giới. Tác động đó có nhiều khả năng được cảm nhận ở khu vực châu Á ngay lập tức, nơi Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn lao.

Sự phát triển kỹ thuật số cũng cung cấp một chính sách bảo hiểm cho Trung Quốc nếu Trung Quốc vi phạm các quy định toàn cầu và nhận thấy mình là đối tượng của các biện pháp trừng phạt, họ vẫn sẽ có cách để giao dịch kinh doanh.

Việc có thêm nhiều quốc gia tham gia để tạo điều kiện cho thanh toán xuyên biên giới thông qua cầu nối tiền tệ kỹ thuật số nhiều ngân hàng trung ương - hoặc m-CBDC - “có thể nâng cao ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc theo thời gian”, Adarsh Sinha, chiến lược gia tiền tệ tại Bank of America, cho biết trong một lưu ý cho khách hàng.

Cuối cùng, đây có thể là mục tiêu thực tế đối với Trung Quốc hơn bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm thay thế đồng USD là đơn vị tiền tệ dự trữ toàn cầu ” - Adarsh Sinha cho biết.

Trung Quốc sẽ cần một “hệ thống tương thích và phối hợp” để sử dụng tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và đã có những tín hiệu từ các ngân hàng trung ương khác rằng một bước tiến vào lĩnh vực này sắp xảy ra”, Sinha nói thêm.

Ví dụ, Thái Lan sẽ bắt đầu thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số bán lẻ của riêng mình cho công chúng vào năm tới, với các thiết kế được triển khai đầy đủ trong 3-5 năm tới.

Tuần này, Nhật Bản cũng bắt đầu thử nghiệm các cách để tích hợp một loại tiền kỹ thuật số vào hệ thống của mình.

Trong khi đó tại Mỹ, Nick Colas, đồng sáng lập DataTrek Research, cho biết một cuộc khảo sát gần đây về khách hàng chỉ cho thấy mức độ nhiệt tình trung bình đối với tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương ở Mỹ.

Colas cho biết, một cơ sở khách hàng khoảng 300 người đã được hỏi về việc liệu Fed có nên đẩy nhanh tiến độ CBDC của mình hay không.

Colas nói: "Mọi người đã nhận ra thực tế là Fed đang vật lộn với vấn đề này và nếu Fed đang vật lộn với vấn đề đó, thì đó không phải là điều gì đó để vội vàng".

Như vậy sẽ phải mất một thời gian nữa Fed mới có động thái về việc phát hành CBDC, bất chấp những quan ngại về việc liệu động thái của Trung Quốc có đe dọa Mỹ và vị thế toàn cầu của đồng đô la hay không.

Colas nói: “Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển như 10 năm trở lại đây, thị phần thương mại toàn cầu của họ vẫn như hiện tại và các quốc gia chấp nhận nó, thì về lâu dài chắc chắn đó sẽ là một mối đe dọa. Tuy nhiên, nó không phải là một rủi ro trong ngắn hạn”.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp