Mục tiêu tối thượng của tranh luận Trump-Clinton là gì?

07:00 | 28/09/2016

651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton ngày 27/9 đã gây không ít thất vọng vì gần như toàn bộ buổi tranh luận hai bên chủ yếu là khích bác, dìm hàng lẫn nhau chứ không hề đưa ra chiến lược hay con đường họ sẽ đi.
muc tieu toi thuong cua tranh luan trump clinton la gi
Hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton tranh luận ngày 27/9

Vào đầu cuộc tranh luận ông Trump công kích tới tấp bà Clinton, thường xuyên ngắt lời bà và nói chen vào. Nhưng khi cuộc tranh luận tiếp diễn ông Trump dường như liên tục bị bà Clinton đẩy vào thế thủ khi ông bị hỏi dồn về sự ủng hộ của ông đối với phong trào “sinh đẻ” đặt nghi vấn về nơi sinh của Tổng thống Barack Obama và những phát biểu gây tranh cãi về phụ nữ.

Hai ứng cử viên cáo buộc lẫn nhau về những phát biểu xuyên tạc và sai trái và hối thúc người xem vào website của chiến dịch tranh cử của riêng họ để xác minh sự thật.

Bà Clinton nói những chính sách thuế của ông Trump, tỉ phú bất động sản New York, ưu ái những người giàu thay vì tầng lớp trung lưu và ông Trump cáo buộc cựu ngoại trưởng Mỹ chỉ nói mà không làm.

"Tôi có cảm giác là tôi sẽ bị quy trách về mọi thứ", bà Clinton, người phụ nữ đầu tiên giành được đề cử tổng thống của một đảng chính trị lớn của Mỹ, nói trong một cuộc trao đổi gay gắt. Ông Trump vặn lại: "Tại sao không?"

Bà Clinton đả kích ông Trump về việc ông không công bố hồ sơ khai thuế thu nhập và nói rằng quyết định đó khơi lên nghi vấn về việc liệu ông có giàu có và làm từ thiện nhiều như đã tuyên bố hay không. Bà lưu ý rằng hồ sơ khai thuế ít ỏi mà ông Trump đã công bố cho thấy dù giàu có, ông đã không nộp thuế thu nhập liên bang.

"Làm vậy mới thông minh", ông Trump đáp lại.

Bà Clinton chỉ trích ông Trump vì ông không trả tiền cho một số doanh nhân mà công ty của ông đã ký hợp đồng làm ăn. Bà nói bà đã gặp rất nhiều người bị ông Trump quỵt.

Ông Trump nói những vụ việc như vậy xảy ra là do công việc không đạt yêu cầu.

Bà Clinton nêu bật kinh nghiệm của mình du hành đến hơn 100 quốc gia và thương thuyết những thỏa thuận hòa bình và ngưng bắn khi còn làm ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.

Ông Trump đáp lại rằng dù bà Clinton có nhiều kinh nghiệm, đó là "kinh nghiệm tệ hại". Ông chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và năm cường quốc khác đạt được với Iran để hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, trong khi bà Clinton dẫn ra thỏa thuận này làm ví dụ cho hoạt động ngoại giao hữu hiệu, cắt đứt con đường của Iran tiến tới chế tạo bom hạt nhân.

Hai ứng cử viên đều nhất trí rằng vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới, và rằng bất cứ ai có tên trong danh sách theo dõi khủng bố đều không được phép mua súng.

Bà Clinton kêu gọi cải cách tư pháp hình sự để "khôi phục lòng tin giữa những cộng đồng và giới cảnh sát" và để bảo đảm rằng cảnh sát chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết.

Ông Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải "mang lại trật tự" và thúc đẩy kế hoạch của ông tái áp dụng hoạt động cảnh sát gây tranh cãi là dừng xe và khám xét. Trump nói: "Tình hình hiện giờ trong những khu vực nội đô là người Mỹ gốc Phi, người gốc Mỹ Latin đang sống trong địa ngục vì nó rất nguy hiểm. Bạn đi ra đường là bị bắn".

Bà Clinton bác bỏ quan điểm đó về những cộng đồng người da đen và gọi quan điểm này là "thê lương". "Có rất nhiều điều mà chúng ta nên tự hào và chúng ta nên hỗ trợ và vực dậy"- bà nói.

Về cuộc chiến ở Iraq, ông Trump mạnh mẽ tuyên bố rằng ông chưa bao giờ ủng hộ cuộc chiến này, mặc dù những cuộc phỏng vấn ông vào thời điểm đó cho thấy ông từng ủng hộ. Ông chỉ trích cách thức chính quyền Obama xử lý việc triệt thoái lực lượng Mỹ khỏi Iraq, nói rằng ít nhất 10.000 binh sĩ lẽ ra nên được giữ lại đó. Việc này, cộng thêm việc "lấy dầu", lẽ ra đã ngăn cản được sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Bà Clinton chỉ ra rằng chính phủ Iraq đã không chịu chấp thuận Thỏa thuận Tình trạng Lực lượng cung cấp những biện pháp bảo vệ pháp lý cho binh sĩ Mỹ, và điều này là yếu tố chính đưa tới quyết định triệt thoái.

Theo giới quan sát chính trị độc lập, những tranh luận giữa bà Clinton và ông Trump hôm qua chưa xứng đáng với các khẩu hiệu tranh cử “Strong together” (của Clinton) và “Make America great again” (của Trump). Thế giới còn chán nản hơn vì khó có thể tin tổng thống mới của Mỹ sẽ mang lại điều gì... tích cực hơn.

Nói chung qua cuộc tranh luận hôm qua, cả 2 vẫn là mình. Clinton vẫn cho thấy bà là mẫu chính trị gia truyền thống, ưa trình diễn, ưa lời hay ý đẹp. Trump thì vẫn phong cách phủi bụi có gì nói nấy không lòng vòng.

Truyền thông Mỹ, nhất là các hãng lớn vẫn chọn Clinton và đó là thiệt thòi lớn cho Trump. Nước Mỹ có lẽ vẫn muốn tổng thống là nhân vật hòa giải cho các nhóm lợi ích nên nhân vật này phải có đủ sự linh hoạt và giỏi điều đình. Nếu Trump lên, chưa biết có làm cách mạng được hay không, nhưng có thể làm rối hệ thống mà vốn cũng chưa làm nước Mỹ đánh mất vị thế siêu cường số 1 thế giới- dù đang bị uy hiếp nghiêm trọng bởi Nga và Trung Quốc.

Về phần Trump, cuộc tranh luận không thể xem là một thắng lợi. Để lật đổ “người được chọn”, Trump có lẽ cần một “phép màu”- một biến cố ngoại cảnh nào đó mà khiến công chúng tin rằng hệ thống chính trị hiện tại của nước Mỹ “hết thuốc chữa” và cần một cuộc cách mạng...

Nhưng Trump vẫn có hi vọng, bởi thế giới hiện đang chứng kiến sự lên ngôi của nhiều chính trị gia “khác lạ”. Đó là thế hệ chính trị gia thành công nhờ hình ảnh “nói đi đôi với làm” và nhờ vào sự chán nản của công chúng với thế hệ chính trị gia truyền thống (vốn nặng về trinh diễn).

Cuộc tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 9/10 tới. Ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, Mike Pence, và của bà Clinton, Tim Kaine, sẽ có cuộc tranh luận duy nhất của họ vào ngày 4/10.

H.Phan

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc