Mức phạt cây xăng găm hàng chờ tăng giá có đủ sức răn đe?
Xử phạt 30 triệu đồng cây xăng găm hàng
Tổng cục Quản lý thị trường vừa kiểm tra và phát hiện Cửa hàng xăng dầu số ll (thuộc HTX Thương mại Láng Hạ) ở 95 Vũ Ngọc Phan có hành vi găm hàng với loại xăng RON 95. Kiểm tra và đo thực tế cho thấy, xăng RON 95 trong bồn ở mức 2,57 m, tương đương 20.000 lít nhưng cây xăng này lại treo biển hết hàng.
Lực lượng Quản lý thị trường đã niêm phong bể chứa, hoàn thiện hồ sơ để xử phạt.
Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, vi phạm của cây xăng này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 67/2017 về vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, dầu khí. Mức phạt dự kiến là 30 triệu đồng.
![]() |
Trước giờ điều chỉnh giá, nhiều cây xăng treo biển hết hàng... |
Trước đó, ngày 25-26/5, Tổng cục Quản lý thị trường đã ra quân, kiểm tra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Kết quả cho thấy, nhiều cây xăng tại nhiều tỉnh không bán xăng với nhiều lý do khác nhau. Trong đó có cả những lý do như: đi đám ma, mất điện, cháy đồng hồ điện tử, đứt dây curoa…
Cụ thể, cửa hàng xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Quân Mai (xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) không bán hàng do đi đám ma; Doanh nghiệp xăng dầu Hải Nam (ở xã Đức Thịnh, huyện Hiệp Hòa dừng bán do mất điện; Cửa hàng xăng dầu số 1 Cao Xá (Phố Ngô Xá, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) không bán do cháy đồng hồ điện tử; Cửa hàng xăng dầu Giang Hà Ngọc Châu (ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) không bán do đứt dây curoa; DNTN Hồng Hiệp (xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) nghỉ bán để đóng cửa đi chợ.
Tại một số địa phương khác, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo xác minh thông tin "Đóng cửa cây xăng vì không mua được xăng”. Kết quả xác minh cho thấy, tính đến 12h00 ngày 26/5/2020 tình hình kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh, thành cơ bản diễn biến bình thường…
Có đủ sức răn đe?
Chia sẻ với PV xoay quanh việc mức phạt với các cây xăng liệu có đủ sức răn đe, một số người dân cho biết, cần tăng mức xử phạt hoặc điều tra xử lý hình sự nếu có dấu hiệu của hành vi đầu cơ...
"Mức phạt 30 triệu không hề hấn gì so với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo tôi, hằng ngày có hàng nghìn lượt người đi đổ xăng thì chả mấy chốc họ thu lại số tiền phạt. Cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn để hạn chế tình trạng này" - anh N.V.D ở quận Hoàn Kiếm nói.
Đồng quan điểm với anh D., chị H.T.T.H ở quận Cầu Giấy đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi găm hàng có dấu hiệu của việc đầu cơ, tích trữ hay không, nếu có cần xử lý hình sự. "Theo tôi, việc găm hàng có dấu hiệu của việc đầu cơ tích trữ, các cơ quan chức năng nếu nhận thấy có đủ dấu hiệu thì đề nghị cơ quan công an điều tra, xử lý hình sự. Có như vậy thì mới dẹp bỏ được các hành vi này" - chị H. nói.
![]() |
Luật sư Diệp Năng Bình |
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, xăng, dầu là hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Giá 2012, vì thế giá xăng, dầu luôn được điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình diễn biến của xã hội.
Trong thời điểm đỉnh cao dịch bệnh Covid-19, giá xăng đã được điều chỉnh giảm xuống mức kỷ lục sau nhiều năm. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu tiếp tục tăng trở lại. Chính vì thế mà giá xăng, dầu sẽ có xu hướng được điều chỉnh tăng lên. Trước xu hướng giá xăng dầu tăng trở lại dẫn đến nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu bắt đầu có nhiều động thái, hành vi găm hàng, hạn chế bán xăng dầu để đợi giá cao trục lợi. Việc các cây xăng, cửa hàng xăng dầu bán xăng hạn chế cho người tiêu dùng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tiến hành đóng cửa, treo biển hết xăng cần phải tiến hành kiểm tra, nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm khắc. Căn cứ Khoản 5, Điều 30 Nghị định 67/2017 thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
b) Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
c) Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Tuy nhiên, theo luật sư Diệp Năng Bình, mức phạt này còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe với các hành vi này. Bởi việc găm hàng là nhằm mục đích trục lợi. Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành thanh tra, rà soát để xử lý tình trạng này. Nếu có các vi phạm cụ thể thì cần tiến hành xử lý vi phạm ngay.
Xuân Hinh
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025