Mổ xẻ sự sụp đổ của Ngân hàng SVB: Thất bại vì bỏ hết trứng vào một giỏ?

09:15 | 12/03/2023

638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tận tụy phục vụ suốt 40 năm nhưng SVB sụp đổ chỉ trong hơn 40 giờ vì những sai lầm nghiêm trọng mà họ đã mắc phải.
Mỹ: Bội chi cao kỷ lụcMỹ: Bội chi cao kỷ lục
Bộ Tài chính Mỹ: Phố Wall vẫn có thể giao dịch dầu và khí đốt của NgaBộ Tài chính Mỹ: Phố Wall vẫn có thể giao dịch dầu và khí đốt của Nga

Việc Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ vào sáng 10/3 đã gây rung chuyển ngành ngân hàng và công nghệ Mỹ. Đây là sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử nước này kể từ năm 2008.

SVB đã được giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.

Đáng chú ý, SVB - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với 40 năm hoạt động đã sụp đổ chỉ trong hơn 40 giờ.

Tâm lý đám đông

SVB từng đóng vai trò chủ chốt của ngành công nghệ Mỹ trong nhiều thập kỷ. Theo Business Insider, khoảng một nửa số startup tại Mỹ đều có mối liên hệ với ngân hàng này.

SVB cũng phục vụ hơn 2.500 công ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm Lightspeed, Bain Capital và Insight Partners. Ngân hàng quản lý tài sản cá nhân của nhiều CEO công nghệ và là nhà tài trợ của nhiều sự kiện truyền thông công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Matt Ocko - nhà đầu tư tại công ty đầu tư mạo hiểm DCVC, cho biết SVB là "tổ chức tài chính quan trọng trong hệ thống" với các dịch vụ "tạo điều kiện rất lớn cho các startup".

Đáng buồn thay, tuy SVB đã tận tụy phục vụ suốt 40 năm, giúp ngành công nghệ vượt qua bong bóng dotcom hay cuộc khủng hoảng tài chính nhưng các nhà đầu tư vẫn nhanh chóng rút tiền khỏi SVB ngay khi có những dấu hiệu bất ổn đầu tiên. Điều đó đã khiến nhà sáng lập của hàng loạt startup công nghệ rút tiền ồ ạt.

Mổ xẻ sự sụp đổ của Ngân hàng SVB: Thất bại vì bỏ hết trứng vào một giỏ?
Ồ ạt rút tiền là một trong những nguyên nhân chính khiến SVB sụp đổ (Ảnh minh họa: Money Inc).

SVB đã có những quyết định tài chính sai lầm dẫn tới khoản lỗ 1,8 tỷ USD từ bán trái phiếu nhưng theo Business Insider, tình hình của ngân hàng này chưa tệ đến mức phải đóng cửa nếu không có làn sóng rút tiền của đám đông. Business Insider nhận định tâm lý đám đông là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự sụp đổ chóng vánh của SVB.

Ashley Tyrner mở một tài khoản tại SVB cho công ty của mình - FarmboxRx, cách đây hai năm. Thời điểm đó, FarmboxRx đang trong giai đoạn huy động vốn đầu tư mạo hiểm và Tyrner chọn SVB vì biết rằng ngân hàng này là nơi phù hợp cho những startup như FarmboxRx.

Thế nhưng ngày 9/3, khi đọc tin tức về sự bất ổn tài chính tại SVB, Tyrner đã vội vàng rút tiền nhưng không thành công. Ngày hôm sau, khi SVB sụp đổ, khoản tiền mặt trị giá hàng chục triệu USD của FarmboxRx đã bị mắc kẹt. "Đó là 24 giờ tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi", Tyrner nói.

Một đơn vị đầu tư mạo hiểm chia sẻ: "Trước khi SVB sụp đổ, chúng tôi không nghĩ họ sẽ bị như vậy nhưng cũng không muốn chậm chân trong việc rút tiền".

Trong khi đó, báo cáo ngày 10/3 của ngân hàng Morgan Stanley cho biết họ tin rằng SVB có "đủ thanh khoản để tài trợ vốn cho các startup đang đốt tiền". Tổng số vốn khả dụng của ngân hàng này khoảng 180 tỷ USD, vẫn cao hơn so với tổng số tiền gửi là 165 tỷ USD.

"Bỏ hết trứng vào một giỏ"

Còn theo Vox, một phần nguyên nhân SVB sụp đổ quá nhanh là ngân hàng này chủ yếu tập trung vào phục vụ lĩnh vực startup, đầu tư mạo hiểm. Điều đó giống như "bỏ hết trứng vào một giỏ", làm tăng rủi ro của SVB khi những khách hàng chính của họ gặp khó khăn.

"Sự sụp đổ của SVB cho thấy việc tập trung hơn 50% hoạt động kinh doanh vào một ngành là rất nguy hiểm. Bạn có thể làm ăn tốt khi ngành đó thịnh vượng nhưng ngược lại, khi ngành đi xuống, bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn. Khi đó, nỗi đau của khách hàng sẽ nhanh chóng trở thành nỗi đau của bạn", Alexander Yokum - nhà phân tích phụ trách lĩnh vực ngân hàng tại CFRA Research (một trong những công ty nghiên cứu đầu tư độc lập lớn nhất thế giới), cho biết.

Điều tương tự vừa xảy ra với Silvergate Bank ngày 8/3 vừa qua. Công ty mẹ của họ là Silvergate Capital đã tuyên bố giải thể ngân hàng này sau khi "xem xét đến sự phát triển của ngành và quản lý". Đây là ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch USD cho nhiều sàn tiền số hàng đầu tại Mỹ.

Quay lại với SVB, mới đây, tờ Fortune tiết lộ trong tuyên bố ủy quyền được nộp vào đầu tháng này của SVB, giám đốc quản lý rủi ro (CRO) của ngân hàng - bà Laura Izurieta, đã thôi giữ vai trò trên từ tháng 4/2022 và chính thức rời công ty vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, đến tháng 1 năm nay, SVB mới chỉ định CRO mới là bà Kim Olson, tức là SVB - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ trước khi sụp đổ, đã không có giám đốc quản lý rủi ro trong gần một năm.

Theo hồ sơ của công ty, CRO của SVB báo cáo trực tiếp với "Ủy ban rủi ro", bao gồm chủ tịch Hội đồng quản trị của SVB và một số thành viên khác bên cạnh CEO. Ủy ban trên chịu trách nhiệm tuyển dụng, đánh giá và chấm dứt hợp đồng với CRO. Tính đến năm 2023, ủy ban này của SVB có bảy thành viên.

Rung chuyển cộng đồng startup

Vụ sụp đổ đã làm rung chuyển giới khởi nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn do lãi suất tăng và kinh tế bất ổn. Nguồn tài trợ cho các startup đã bị thu hẹp, dẫn đến việc nhiều công ty non trẻ phải sa thải hàng loạt, cắt giảm chi phí và giảm định giá. Theo PitchBook, đầu tư vào các startup ở Mỹ đã giảm 31% trong năm ngoái xuống còn 238 tỷ USD.

Giờ đây, hậu quả đã lan rộng ra ngoài SVB, khi các startup sử dụng dịch vụ trả lương qua ngân hàng này lo ngại không thể thanh toán lương cho nhân viên vào tuần tới.

Theo Bloomberg, ngày 10/3, nhà cung cấp dịch vụ tính lương Ripple đã thông báo cho khách hàng rằng một số quá trình xử lý đã bị đình trệ vì SVB là đơn vị phụ trách xử lý các khoản thanh toán của họ.

Bản thân công ty này cũng là một startup và họ đã chuyển sang dịch vụ của JPMorgan Chase nhưng không đủ sớm. Tiền lương đã "bay" với SVB và vẫn chưa được thanh toán. CEO của Ripple - Parker Conrad cho biết công ty vẫn đang tìm hiểu tác động của sự sụp đổ của SVB lên hoạt động của họ.

Trong khi đó, nhà sáng lập Brad Hargreaves của một startup khác nói rằng một số công ty có thể không trả được lương vào tuần tới. Và vì hội đồng quản trị cực kỳ nhạy cảm với việc tuyển dụng nhân viên mà không thể trả lương nên "có thể việc sa thải hàng loạt sẽ diễn ra vào cuối ngày 11/3, chậm nhất là thứ hai tuần tới", Hargreaves cho biết thêm.

Mổ xẻ sự sụp đổ của Ngân hàng SVB: Thất bại vì bỏ hết trứng vào một giỏ?
Nhiều nhân viên công nghệ có thể sẽ không được nhận lương vào tuần sau (Ảnh: Freepik).

Sarika Bajaj - CEO của startup giai đoạn đầu Refiberd, cho biết cô đã là khách hàng của SVB trong ba năm và gửi phần lớn tiền của công ty ở đó. Bajaj có mặt tại chi nhánh SVB trên đường Sand Hill ở California ngày 10/3 để rút tiền nhưng không được và đang ngày càng lo lắng về tiền lương cho bản thân và hai thành viên trong nhóm.

Greg Martin - đối tác sáng lập của công ty đầu tư Liquid Stock, cho biết hơn một nửa số công ty công nghệ "giữ phần lớn tiền mặt của họ tại SVB. Tất cả đều cần trả lương vào đầu tuần tới".

Martin tin rằng tình hình của SVB không quá tệ như mọi người nghĩ. Nhưng theo ông, trường hợp xấu nhất là "hàng chục nghìn người" sẽ không được trả lương vào tuần sau.

Điều tồi tệ hơn là khả năng ảnh hưởng lâu dài đến ngành công nghệ. Một ngân hàng chuyên phục vụ các startup công nghệ giờ đã biến mất. Sự sụp đổ của SVB đối với hệ sinh thái khởi nghiệp có thể rất sâu sắc. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Larry Summers đã cảnh báo về "những hậu quả đáng kể đối với Thung lũng Silicon và đối với nền kinh tế của toàn bộ lĩnh vực đầu tư mạo hiểm" nếu chính phủ không can thiệp.

Hướng giải quyết tạm thời

Một số nhà đầu tư mạo hiểm đang chạy đua để hỗ trợ thành lập các quỹ tiền mặt tạm thời nhằm giúp các startup bị ảnh hưởng trả lương.

Ngày 10/3, Spark Capital cho biết họ sẽ cung cấp vốn cho những công ty trong danh mục đầu tư của mình chịu ảnh hưởng sau khi SVB sụp đổ. Một nguồn tin khác cho biết CEO của một số công ty có tiền mắc kẹt tại SVB đang lên kế hoạch sử dụng tiền túi để trả lương cho nhân viên.

Mổ xẻ sự sụp đổ của Ngân hàng SVB: Thất bại vì bỏ hết trứng vào một giỏ?
Thông báo dừng hoạt động tại một văn phòng của SVB (Ảnh: TechCrunch).

Theo một nguồn tin, ngày 10/3, ít nhất một startup đã lên kế hoạch sa thải nhân viên nhưng tình hình của SVB đã ngăn cản kế hoạch đó vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng với SVB và hiện không còn vốn để trả tiền bồi thường chấm dứt hợp đồng.

Một số startup khác đang cân nhắc sa thải nhân viên vì việc thuê người lao động mà không trả lương là bất hợp pháp. Người này cho biết thêm các công ty đang điên cuồng thảo luận với luật sư về vấn đề này.

Sáng 10/3, căn phòng SVB trên Đường Sand Hill nổi tiếng của Thung lũng Silicon đã bị đóng cửa về mặt kỹ thuật. Nhiều nhà sáng lập startup vốn gửi phần lớn tiền của công ty vào SVB vẫn kiên nhẫn chờ ở bên ngoài. Đôi lúc, đại diện của FDIC xuất hiện từ văn phòng và nói chuyện riêng với những vị khách theo nhóm nhỏ hoặc từng người một.

Một nữ sáng lập startup máy bay không người lái cho biết cô đã rút tiền từ ngày 9/3 nhưng vẫn chưa thành công và cô đang rất lo về việc trả lương cho 12 nhân viên toàn thời gian của mình. "Tôi đã thử gọi cho FDIC nhiều lần nhưng không ai bắt máy", cô cho biết.

Cũng trong ngày 10/3, FDIC thông báo khách hàng của SVB sẽ có toàn quyền tiếp cận các khoản tiền gửi được bảo hiểm vào sáng thứ Hai tuần sau. Đến nay, cơ quan này vẫn chưa xác định được lượng tiền gửi không được bảo hiểm. Tuy nhiên, những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được một khoản trả trước trong tuần tới. Các trường hợp còn lại sẽ nhận được "chứng chỉ nhận tiền" sau khi FDIC thanh lý tài sản của SVB.

Theo Dân trí