Mô hình nào cho phục hồi kinh tế?

13:22 | 02/10/2021

369 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyển đổi mô hình chống dịch là yếu tố then chốt trong quá trình chống dịch. Rất mừng là Thủ tướng đã bắt đầu làm việc này, nhưng hiện các địa phương vẫn chưa theo kịp.
Mô hình nào cho phục hồi kinh tế?
Hàng quán "vùng xanh" ở Hà Nội mở cửa trở lại tuân thủ những quy định, phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Ảnh: Đăng Anh

Không “khoá cứng địa phương”

Nhìn lại quá trình gần 2 năm chống dịch của Việt Nam, có thể thấy chúng ta đã áp theo mô hình “zero COVID” kéo quá dài. Việc kéo dài mô hình “zero COVID” đã bộc lộ rất nhiều bất cập, bởi vì rằng phong tỏa cứng và rộng, thì chỉ có thể kéo dài được trong 7 ngày, cùng lắm là 10 ngày. Chúng ta không thể phong tỏa cứng đất nước trong nhiều tháng trời.

Cùng với đó, đang có “một vòng kim cô rất lớn” cho các lãnh đạo đứng đầu các địa phương. Với đòi hỏi người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh bùng phát, thì khuyến khích áp dụng các biện pháp cứng rắn là rất lớn. Và do đó, không ít nơi người ta khóa cứng địa phương thôi. Địa phương nào chỉ cần có một, hai ca dịch là người ta “khóa cứng”. Điều này sẽ dẫn đến đổ vỡ hết toàn bộ chuỗi lưu thông của đất nước.

Ví dụ điển hình cho câu chuyện này là việc TP HCM khóa cứng hết không cho chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh hoạt động, chỉ cho mình các siêu thị hoạt động. Vậy thì khoản tô (tô là món lợi có được nhờ chính sách) các siêu thị nhận được lớn đến thế nào?.

Không chỉ dồn khách hàng cho các siêu thị, việc xét nghiệm tràn lan cũng đẻ ra tô. Đó là những "khoản tô" bất ý do chính sách của chúng ta đẻ ra. Những "khoản tô" đó có ở rất nhiều tỉnh, và như vậy tất cả những cái đó đánh vào doanh nghiệp và người dân, trước hết là người nghèo hết.

Từ quan sát cá nhân, tôi cũng nhận thấy một thực tế đáng lo ngại là những người yếu thế (khoảng 29,3 triệu người) đã không có việc làm, chợ truyền thống giá rẻ không tiếp cận được, hàng thiết yếu phải mua qua siêu thị thì họ khốn khổ đến thế nào!

Vậy khi chợ truyền thống đóng cửa, thì những người nông dân sản xuất nhỏ lẻ xung quanh các TP lớn không thể tiêu thụ được nông sản của mình, đơn giản là họ không thể tiếp cận các siêu thị được.

Đây là vấn đề rất lớn, không chỉ ở Hà Nội, TP HCM mà nhiều tỉnh thành khác. Nếu chuyển đổi mô hình mở cửa thì chúng ta phải mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối trước vì hàng triệu người phụ thuộc vào đó. Không chỉ là người mua mà cả người bán.

Cần một mô hình chống dịch mạch lạc

Đó là vấn đề bao trùm hiện nay. Nếu chúng ta chuyển đổi mô hình rồi thì phải mạch lạc.

Tôi cho rằng phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng ở thời điểm này cần phải tuân thủ mệnh lệnh của Trung ương. Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được. Chúng ta phải rất nghiêm túc xem với môi trường như hiện nay thì đầu tư nước ngoài có tiếp tục chuyển đến mình để đa dạng hóa chuỗi cung ứng hay không?

Một vấn đề rất quan trọng khác, là vấn đề về lao động. Nghịch lý lao động của chúng ta là nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Một số khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM sẽ thiếu rất nhiều lao động. Hiện lao động phải chạy về quê, chưa biết bao giờ mới quay trở lại. Chắc chắn họ sẽ quay trở lại nhưng bao giờ là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi đó sản xuất đã kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu không thể ngừng được dù chỉ 1-2 ngày.

Do đó, một chính sách lôi kéo lao động các địa phương quay trở lại các thành phố lớn để làm việc là điều phải tính toán ngay từ bây giờ.

Năm tới, nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu thì rất tốt, nhưng cầu trong nước sẽ giảm vì số người về quê sống tự cấp, tự túc…. Do vậy, chương trình tới đây, cho dù là tiền tệ hay tài khóa, nếu không tăng được cầu trong nước thì không thể phát triển được. Xung quanh Hà Nội trồng rau, nuôi gà bán cho ai nếu người tiêu dùng không có tiền mua”.

Một vấn đề quan trọng khác của lao động là rất nhiều người có nguồn vốn nhỏ, họ kinh doanh bằng 1001 nghề khác nhau, như sáng họ ra chợ đầu mối mua hàng, rồi đi bán dạo để kiếm sống. Bị phong tỏa dài ngày, giờ họ cạn kiệt tiền rồi. Chúng ta có thể có chương trình tín dụng nhỏ hỗ trợ họ không. Vì thực ra đang là một lực lượng lao động rất đông đảo.

Vấn đề cuối cùng là vai trò của Quốc hội, Quốc hội nên tham gia tích cực hơn trong quá trình quản trị rủi ro. Quốc hội họp “xuân thu nhị kỳ”, nhưng cuộc sống có những thứ lại cần điều chỉnh rất gấp. Tôi nghĩ cách như Quốc hội các nước làm là tổ chức các phiên điều trần, nhưng Quốc hội mình gọi là giải trình. Tôi nghĩ các Ủy ban phải tích cực tổ chức hoạt động này.

Chẳng hạn trong phòng chống dịch, sắp tới chuyển đổi thì chuyển đổi thế nào? Tiêm vaccine thế nào, giãn cách thế nào? Các ủy ban phải phối hợp với các bộ, ngành chuyên môn giúp giải trình các phản ứng chính sách, bởi trên thực tế rất nhiều chính sách được ban hành nhưng không được giải trình.

Chưa thể giải trình với công chúng thì hãy giải tình với Quốc hội. Và Quốc hội là thiết chế được sinh ra để bảo đảm trách nhiệm giải trình. Giải trình được thì chính sách cũng trở nên minh bạch. Đây là điều rất quan trọng để chúng ta vượt qua gian đoạn khó khăn này.

Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre: Chủ động sản xuất an toàn, lưu thông an toàn

Thực hiện chiến lược phòng chống dịch từ không COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bến Tre nhất quán với phương châm là vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, an toàn, bền vững vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bến Tre cũng chuẩn bị các dữ liệu và phương án để triển khai tại tỉnh khi văn bản được ban hành. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, làm sao để càng nới lỏng giãn cách, ý thức trách nhiệm của người dân càng nâng lên.

Bến Tre sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh để quay trở lại sản xuất nhanh nhất trong điều kiện bình thường mới; thực hiện phương án sản xuất an toàn, lưu thông an toàn. Tiếp tục ứng dụng công nghệ số toàn diện rộng rãi trong địa bàn tỉnh để tạo động lực tích cực trong công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh...

Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Lắng nghe doanh nghiệp để điều chỉnh chính sách

Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Các ngành chức năng, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, làm tốt phương châm “4 tại chỗ”; Bảo đảm cung ứng kịp thời vật tư y tế, sinh phẩm chống dịch, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo từng cấp độ, diễn biến của dịch bệnh ở các địa bàn bị phong toả, giãn cách. Bên cạnh đó, hướng dẫn thiết lập, quản lý “vùng xanh” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Qua đó, tỉnh đã kịp thời điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tỉnh Tây Ninh đã ban hành phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, áp dụng trong phạm vi các vùng xác định cấp độ dịch bệnh đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng...

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương: Hài hòa giữa sản xuất an toàn và chống dịch

Việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng đắn và kịp thời, bởi nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khoẻ an toàn để sản xuất. Tương tự, nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, sẽ bị bỏ lại phía sau, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc.

Tổng cầu đang lên, thế giới đang trên đà hồi phục, chúng ta không giữ vững thị trường lúc này thì sẽ mất rất nhiều cơ hội khác và sẽ bị tụt lại phía sau. Các vấn đề do VCCI đề xuất có liên quan đến Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ rà soát, xem xét lại các vấn đề, từ đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ khi COVID-19 xuất hiện, Bộ Công Thương đã 5 lần giảm giá điện và xem xét giảm thêm. Trong trường hợp doanh nghiệp vẫn khó khăn, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu giảm giá điện để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:Tiếp tục ‘gỡ khó’ cho doanh nghiệp

Qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ.

Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ KH&ĐT đề xuất một số nội dung như: các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ; trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi; Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông:Sẽ có nhiều chính sách mới về kinh tế số

COVID-19 là cú hích trăm năm cho chuyển đổi số, sẽ có nhiều chính sách mới về chuyển đổi số, kinh tế số… cũng như chính sách giảm cước khoảng 10.000 tỷ đồng; miễn trừ 3-6 tháng cước viễn thông.

Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tình huống để ứng phó với COVID mà còn là một giải pháp lâu dài, có tính chiến lược. Ứng dụng công nghệ số để chống dịch phải là khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ số lâu dài trong phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội.

Mới đây, Thủ tướng đã ký ban hành quyết định về việc kiện toàn và đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Cùng với việc có tên gọi mới là Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Ủy ban này cũng được Thủ tướng kiện toàn tổ chức. Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng đưa ra các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Ổn định lưu thông hàng hóa

Nhiều địa phương đã ban hành các chính sách chống dịch chưa phù hợp, làm ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp. Các địa phương cân nhắc và xem xét cẩn thận trước khi ban hành các quy định, không tạo thêm giấy phép con cho doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương cũng phải thu hồi lại các quy định không phù hợp. Để hạn chế tình trạng nêu trên, đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã rà soát quy định do địa phương ban hành, chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chốt kiểm soát (cấp tỉnh, huyện, xã, phường) thống nhất phương án tổ chức giao thông; nội dung, quy trình kiểm tra. Đặc biệt lưu ý đối với các chốt cấp huyện, cấp xã không để ùn tắc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Theo DDDN

Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19
Thủ tướng: Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tếThủ tướng: Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế
Tin tức kinh tế ngày 23/07: Tiêm chủng vắc xin sẽ góp phần phục hồi nền kinh tếTin tức kinh tế ngày 23/07: Tiêm chủng vắc xin sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế