'Mở cửa' đón thành viên mới, BRICS "thiên vị" năng lượng? Mục đích là đồng USD?

09:10 | 30/08/2023

254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã được mời tham gia với tư cách thành viên chính thức của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) từ ngày 1/1/2024. Lần đầu tiên sau 14 năm, khối quyết định kết nạp thêm thành viên mới.
BRICS cần khẳng định hơn nữa tầm quan trọng, giá trị của mình đối với cộng đồng quốc tế nói chung, các thành viên và quốc gia quan tâm nói chung. (Nguồn: Reuters)
BRICS chính thức mở rộng,với 6 thành viên mới. (Nguồn: Reuters)

BRICS được thành lập năm 2009, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Năm 2010, khối mở rộng để kết nạp thêm Nam Phi.

Trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Nam Phi (diễn ra từ ngày 22-24/8), hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS và 23 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin tham gia.

Trong tuyên bố được thông qua vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, khối cho hay: “Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của các nước Nam bán cầu đối với BRICS. Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE đã được chọn sau khi các nước BRICS đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn của quá trình mở rộng".

Liên tiếp báo tin xấu, kinh tế Trung Quốc
Liên tiếp báo tin xấu, kinh tế Trung Quốc 'loay hoay' với bài toán duy trì tăng trưởng

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông tin, các lãnh đạo khối đã nhất trí về sự cần thiết trong việc cải tổ cấu trúc tài chính toàn cầu và các thể chế quan trọng để làm cho thế giới trở nên công bằng, toàn diện và mang tính đại diện hơn.

Hãng tin Bloomberg cho hay, việc mở rộng BRICS cũng đồng nghĩa là khối sẽ có nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của thế giới và có thể tạo ra một loại hình kinh tế toàn cầu khác, có sự tham gia điều tiết và kiểm soát nhiều hơn của chính phủ.

Theo hãng tin TASS, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của BRICS khi mở rộng tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vào khoảng 65 nghìn tỷ USD, đưa tỷ trọng của khối trong GDP toàn cầu tăng từ 31,5% hiện tại lên 37%. Trong khi đó, tỷ trọng GDP của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở mức khoảng 29,9%.

Song song với đó, BRICS sẽ chiếm gần một nửa sản lượng lương thực của thế giới sau khi kết nạp thêm 6 thành viên. Năm 2021, sản lượng thu hoạch lúa mì của nhóm lên tới 49% tổng sản lượng toàn cầu. Thị phần của G7 là 19,1%.

Ngoài ra, 11 quốc gia của khối sẽ chiếm 48,5 triệu km2, tương đương 36% diện tích đất liền thế giới. Con số này cao hơn gấp đôi so với G7.

Con đường mới cho thương mại

GS. Danny Bradlow tại Đại học Pretoria (Nam Phi) nhận định: “Thật khó để tìm thấy điểm chung giữa 6 quốc gia được mời tham gia BRICS".

Theo bà Sanusha Naidu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đối thoại Toàn cầu, với sự tham gia của Saudi Arabia, Iran, UAE và Ai Cập, nhiều người sẽ nghĩ, BRICS lấy Trung Đông làm trung tâm.

Bà lập luận: “Điều này có ý nghĩa địa kinh tế, địa chiến lược và địa chính trị. Danh sách thành viên mới nhất sẽ thúc đẩy một số quốc gia BRICS suy nghĩ nhiều hơn về các chính sách Trung Đông và để Trung Quốc, Ấn Độ tăng cường các chính sách hiện có".

Trung Quốc gần đây xuất hiện với vai trò trung gian cho việc tái thiết lập quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran - một vai trò mà theo truyền thống sẽ được đảm nhận bởi Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với UAE để giao dịch bằng đồng Rupee và đồng Dirham, thay vì USD.

"Điều quan trọng là danh sách thành viên mở rộng của khối rất tập trung vào năng lượng. Khi lựa chọn các thành viên mới, khối có thể đã tính đến việc định giá các sản phẩm năng lượng. Ngoài Nga, tất cả các thành viên hiện tại của BRICS đều là những quốc gia không sản xuất năng lượng", nhà nghiên cứu Sanusha Naidu nói thêm.

Không chỉ có Nga hay Trung Quốc muốn ‘hạ bệ’ ngôi vương của USD, đồng tiền chung BRICS vẫn chỉ là ‘giấc mơ gây sốt’? (Nguồn: orfonline.org)
BRICS ấp ủ tạp ra đồng tiền chung để thay thế USD. (Nguồn: orfonline.org)

Tạp chí Time cho rằng, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - có thể với Nga, Iran, UAE và Brazil biến BRICS trở thành một khối tập hợp các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, với việc hầu hết giao dịch năng lượng trên thế giới đều dựa trên đồng USD, việc mở rộng khối giúp thúc đẩy việc trao đổi thương mại thông qua các loại tiền tệ thay thế.

Thời gian qua, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại các quốc gia và sự thống trị liên tục của đồng USD trong thương mại toàn cầu là điều mà BRICS đã liên tục nhắc đến.

Bà Karin Costa Vasquez, một thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, việc mở rộng BRICS “mở ra những con đường mới cho thương mại”.

Bà nhấn mạnh: "Một trong những mục đích đằng sau kế hoạch mở rộng là tạo cơ hội cho các quốc gia BRICS giao dịch dễ dàng hơn với nhau bằng cách sử dụng đồng nội tệ. Sự thay đổi này có thể làm tăng tiềm năng sử dụng các loại tiền tệ khác, ngoài đồng bạc xanh của Mỹ".

Ai hưởng lợi?

Các nhà phân tích cho rằng, một trong những quốc gia có thể hưởng lợi từ cơ chế thương mại ngoài sự thống trị của đồng USD là Iran.

Ông Na'eem Jeenah, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Mapungupwe nhận thấy: “Iran rõ ràng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Việc Iran gia nhập khối sẽ làm nổi bật thực tế là quốc gia này không bị cô lập về mặt chính trị. Các thành viên có thể bắt đầu giao dịch với nhau bằng đồng tiền riêng. Đối với Iran, điều này rất tuyệt vời!"

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chưa đưa ra nhận định về việc khối 5 thành viên sau khi mở rộng sẽ ảnh hưởng gì tới phương Tây và có ý nghĩa gì với trật tự toàn cầu hiện tại.

GS. Danny Bradlow cho hay, BRICS hiện chiếm tỷ trọng lớn hơn trong dân số và nền kinh tế thế gưới Điều này có nghĩa là nhóm này có tiềm năng có tiếng nói mạnh mẽ trong việc cải cách các thỏa thuận quản trị toàn cầu.

"Dù vậy, điều này còn phụ thuộc vào việc liệu sau khi mở rộng, khối có hoạt động hiệu quả hơn trong việc xây dựng các thỏa thuận về cải tổ cơ chế quản trị toàn cầu hay không?" bà Bradlow đặt câu hỏi.

Bà Bradlow chia sẻ thêm rằng, việc có Iran trong BRICS sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ và to lớn tới G7, tới miền Bắc thế giới và tới Washington. Trong khi đó, Nam Phi - quốc gia có mối quan hệ quan trọng với Mỹ - có thể sẽ phải đối phó với những thách thức mới.

"Liệu Nam Phi có thể tận dụng được lợi thế khi là thành viên trong khối để giải quyết những thách thức sắp tới hay không? Đất nước này không có tiềm lực kinh tế để làm những gì họ muốn, nhưng có tiềm lực chiến lược để nói rằng: Bây giờ, Nam Phi có BRICS đằng sau", GS. Danny Bradlow nêu quan điểm.

Theo Linh Chi (Báo Quốc tế)

Làng nghề xanh hóa nhờ công nghệLàng nghề xanh hóa nhờ công nghệ
LHQ công bố Ngày Quốc tế Năng lượng SạchLHQ công bố Ngày Quốc tế Năng lượng Sạch
Nhịp đập năng lượng ngày 29/8/2023Nhịp đập năng lượng ngày 29/8/2023