"Miếu thiêng" Hội Nhà văn đã… mất thiêng!

12:05 | 06/07/2015

4,334 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Như Phong trước thềm ĐH Nhà văn...
Chính thức đưa Bảo tàng văn học Việt Nam vào phục vụ bạn đọc cả nước  (Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)
Chính thức đưa Bảo tàng Văn học Việt Nam vào phục vụ bạn đọc cả nước (Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)

Có mấy anh bạn nhà văn trách tôi rằng tại sao từ ngày anh vào hội cấm bao giờ thấy anh tham gia công việc gì với Hội. Việc lớn, việc bé chẳng bao giờ thấy ông có ý kiến rồi bày tỏ chính kiến, rồi hình như ông cũng chẳng làm đơn xin trợ cấp sáng tác bao giờ cả…

Tôi chỉ cười và bảo rằng, tôi có cảm giác càng ngày Hội Nhà văn -cái miếu thiêng xưa kia nay đã mất thiêng.

Khi nói đến điều này bỗng dưng tôi hình dung ra những nhà văn danh tiếng của đất nước mà tôi biết từ khi còn bé tí.

Tôi không thể nào quên được hình ảnh bác Nguyên Hồng với bộ quần áo nâu, tay vê vê mấy hạt lạc rang và bảo tôi lúc đấy mới 10 tuổi: “Cháu đọc cho bác nghe đoạn Khổng Minh tế Chu Du”.

Tôi cũng không thể nào quên được hình ảnh nhà thơ Chế Lan Viên khi sơ tán về quê nhà tôi ở thôn Bài Lâm, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ. Ông mặc chiếc quần lụa của bác gái, cởi trần, tay trái phe phẩy chiếc quạt mo cau và đứng viết trên chiếc hòm đựng lúa của nhà ông bác tôi.

Rồi cảnh nhà văn Võ Huy Tâm dạy con tập bơi bằng cách ném từng đứa xuống sông, cho uống no nê nước rồi lại kéo chúng lên. Cách dạy bơi này có lẽ độc đáo nhất thế giới, bởi sau những lần uống nước no thì bọn trẻ đã biết tự nổi trên mặt nước.

Làng quê tôi vào những năm 1965-1967 trở thành một làng quê danh tiếng bởi có Hội Nhà văn và có những nhà văn danh tiếng về ở đây.

Rồi sau này khi tôi đi bộ đội và tập tọe viết văn thì mỗi lần đến báo Văn nghệ nộp bản thảo, nhìn thấy những cây đa trong làng văn sừng sững ở đây, bao giờ tôi cũng thấy choáng ngợp.

Với những gì mà tôi nhớ được, hiểu biết được về các nhà văn ngày ấy thì sao mà các ông, các bác, các chú sống với nhau tình nghĩa thế, cao đạo lắm và cũng rất nghệ sĩ. Đặc biệt đối với người tập tọe viết như tôi thì bao giờ cũng được sự chỉ bảo ân cần. Tôi không thể nào quên được cô Ngọc Tú sau khi biên tập truyện ngắn Bão muộn của tôi đã chỉ cho tôi thấy từng chỗ tôi viết sai câu và những chi tiết hư cấu không hợp lý.

Một lần tôi in được bút ký ở báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật khen tôi và bảo: “Chú thấy mày có tư chất của một thằng nhà văn viết báo, bởi bài của mày nhiều chi tiết lắm, mà chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn đấy cháu ạ”. Rồi ông mời tôi đi uống cà phê nhưng bố tôi lườm và bảo: “Nó trẻ con đừng cho uống cà phê sớm hư người đấy!”. Khổ thật, năm đấy tôi đã 25 tuổi rồi.

Khi tôi ở trong quân ngũ đóng quân bên Lào, gửi truyện ngắn đầu tay về báo Văn nghệ, ông bố tôi là nhà văn Hoài An ở tổ Văn không thèm đọc một truyện nào mà đưa hết cho cô Nguyễn Thị Ngọc Tú đọc rồi bảo: “Cô xem nếu nó có khả năng viết văn được thì hẵng bảo nó viết, còn nếu không đi mà làm nghề khác”.

Rồi tôi cũng in được những truyện ngắn đầu tay ở báo Văn nghệ và nhận được một giải thưởng cuộc thi truyện ngắn ở báo Văn nghệ năm 1985. Nói chuyện về cuộc thi này thì vừa vui vừa buồn.

Tôi nhớ một hôm bố tôi về và bảo rằng: “Hôm nay tao vừa đọc một truyện ngắn dự thi. Truyện hay quá, thế nào giải lần này truyện của nó cũng được giải Nhất”. Tôi hỏi ông truyện của ai thì ông bảo “của tác giả Thùy Linh nào đấy”.

Các nhà văn công an tại Đại hội VI Hội Nhà văn Việt Nam
Các nhà văn công an tại Đại hội VI Hội Nhà văn Việt Nam

Hôm sau đến báo Công an Nhân dân thì phóng viên Trần Nguyệt Tuệ kể với tôi rằng: “Em mới gửi truyện dự thi Mặt trời bé con đến báo Văn nghệ”. Đến lúc này tôi mới biết chị dùng bút danh Thùy Linh. Quả nhiên năm đó tổng kết chị được giải A, còn tôi được giải C với truyện ngắn Bão muộn. Và đây cũng là lần đầu tiên lực lượng Công an nhân dân giành được giải thưởng ở một cuộc thi danh giá của báo Văn nghệ. Chúng tôi được giải thưởng, ông Hữu Ước - lúc ấy là phó ban thời sự báo CAND vui mừng lắm. Ông đề nghị với trên khen thưởng cho chúng tôi. Nhưng ít hôm sau thì thấy được trả lời rằng, truyện của chúng tôi có viết gì cho lực lượng công an đâu mà khen thưởng.

Ngày ấy, in được một truyện ngắn ở báo Văn nghệ thì thật là danh giá mà được giải thưởng truyện ngắn hay giải thưởng thơ thì càng danh giá hơn. Bởi lẽ lãnh đạo báo Văn nghệ hồi ấy cũng như Hội Nhà văn đều là những nhà văn danh tiếng mà thế hệ chúng tôi luôn luôn coi đó là những cây đại thụ, những quả núi lớn. Được các nhà văn nói một câu: “Cái truyện của mày viết được đấy!” thì có khi về sung sướng đến mất ăn mất ngủ. Được ngồi nghe các nhà văn nói chuyện đó là một niềm hạnh phúc.

Không có chuyện Không có chuyện "lợi ích nhóm"
Hội Nhà văn nên kiện Nxb Giáo dục Hội Nhà văn nên kiện Nxb Giáo dục

Cũng phải nói thêm rằng, thời bao cấp đặc biệt trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, nhà văn được Nhà nước chăm lo đặc biệt. Được cấp nhà riêng để sáng tác cho yên tĩnh dù là căn phòng có khi chỉ hơn chục mét vuông; được tăng tiêu chuẩn thuốc lá; và được xã hội tôn vinh, nể trọng.

“Vật đổi sao dời, thời thế đã đổi thay, số lượng các nhà văn Việt Nam bây giờ đông như quân Nguyên” nhưng nền văn học của nước nhà thì xem ra không tương xứng với số lượng nhà văn. Bây giờ ai muốn viết sách cũng được, miễn là có tiền, còn nhiều nhà xuất bản thì ai có tiền đến thuê xuất bản cũng nhận tất. Rồi khi có được vài ba quyển sách thì cũng bắt đầu làm đơn xin vào Hội Nhà văn và nếu xin không được thì dùng tiền vận động hoặc thậm chí ngoạc mồm ra chửi.

Ngày xưa có được cái danh xưng nhà văn thật là khó khăn nhưng bây giờ xem ra cái danh xưng đấy mất thiêng rồi và chúng tôi đành bảo nhau: Mình là nhà văn bây giờ nhưng mất chữ “v” (nhà ăn).

Cuộc sống của nhà văn chân chính bây giờ ngày một khó khăn, sách in ra bán không được, hay nói một cách thẳng thắn là bị các nhà xuất bản bóc lột một cách dã man. Rồi những chuyện thị phi ở giới văn chương ngày một nhiều.

Nay lại thấy ồn ào chuyện người này xin ra khỏi hội, mai lại thấy ồn ào chuyện nhóm này nhóm khác thành lập câu lạc bộ nọ, câu lạc bộ kia... Rồi thấy rằng chính quyền sợ hãi, lúng túng với việc một số nhà văn ly khai khỏi hội.

Ô hay, chuyện có gì mà phải ầm ĩ lên thế nhỉ! Hội Nhà văn là hội chính trị xã hội tự nguyện, là khi ai có tác phẩm xứng đáng về mặt văn chương và có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của hội thì làm đơn xin vào. Còn ai không thích bằng bất kể lý do gì thì ra. Chỉ có điều, khi đã làm đơn xin vào với đủ mọi lời thề thốt, hứa hẹn tử tế thì nay xin ra cũng nên có một lá đơn cho đàng hoàng. Đằng này cứ nghênh ngang tuyên bố trên facebook, blog thế nọ thế kia. Xem ra thật chẳng hay chút nào! Còn việc lập Hội nếu họ lập mà đúng tôn chỉ mục đích pháp luật thì đồng ý, còn nếu sai trái thì các cơ quan chức năng phải xử lý. Đó cũng là chuyện bình thường.

Chẳng nên coi rằng có dăm ba nhà văn, chục nhà văn hoặc trăm nhà văn ra khỏi là tai họa gì gì đó cho Hội Nhà văn Việt Nam hay nền văn học nước nhà. Đã là nhà văn thì phải sống bằng tác phẩm, còn khi không có tác phẩm thì sống cũng như chết, bàn làm gì cho nhiều.

Chỉ có điều, bây giờ chúng ta đang sống trong thời buổi kim tiền. Đồng tiền có sức mạnh ghê gớm và nó quyết định nhiều điều mà trước đây ta không nghĩ tới, trong đó có cả văn chương.

Làm thế nào để một nhà văn sống được bằng tác phẩm của mình đó mới thật sự là một bài toán khó, không dễ giải trong thời buổi hiện nay. Mà một khi nhà văn không còn sống được bằng tác phẩm của mình hoặc không có nguồn tài chính đủ nuôi thân mình, dành thời gian viết nên những tác phẩm theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của một tác phẩm văn học thì việc sản sinh ra những tác phẩm văn chương tạp nham, lá cải, rẻ tiền và sinh ra những loại nhà văn viết không sạch câu thì đó là chuyện đương nhiên.

Trong “rừng văn”, những cây đại thụ tỏa bóng mát ngày một ít đi, ngày một vắng và bây giờ có cảm giác rằng “rừng văn” bây giờ chỉ còn là một cánh rừng thưa, còi cọc và cây lẫn cỏ dại chen nhau mà sống.

Chính vì thế nhà văn mất thiêng, Hội Nhà văn mất thiêng có lẽ cũng là chuyện bình thường.

Nguyễn Như Phong

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.