Miệt mài xoa dịu nỗi đau da cam

18:46 | 01/07/2013

1,495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Còn khỏe ngày nào, tôi vẫn sẽ cố gắng giúp đỡ cho những nạn nhân bị ảnh hưởng, di chứng của chất độc da cam ngày ấy. Nỗi đau này còn lớn lắm, nó đâu của riêng ai, tôi cũng chỉ mong xoa dịu một phần nhỏ sự mất mát ấy”. Đó là tâm sự của lương y Nguyễn Văn Thiệu ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Từ nhiều năm nay, ông đã tình nguyện khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhiều người là nạn nhân chất độc da cam.

Y đức và cứu người

Vượt hơn trăm cây số, chúng tôi mới đặt chân đến thôn An Phú huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Ngay ngoài cổng nhà lương y Nguyễn Văn Thiệu đã có tấm biển ghi rõ lịch khám bệnh, tặng thuốc miễn phí của nạn nhân chất độc da cam.

Mới đầu giờ sáng bệnh nhân đã đến kín sân. Trong số các bệnh nhân, người ta bắt gặp không ít người xanh xao cùng những bước đi khó nhọc, còn có một số bệnh nhân đi lại rất khó khăn, cả thân người quắt queo cứ đổ nhào ra trước, phải có hai người dìu mới đi vào được phòng khám. Theo biển báo đặt ngoài cổng, ngày hôm nay có kết hợp khám, cấp thuốc miễn phí cho những người thuộc diện bị chất độc da cam. Hỏi chuyện người đàn ông tên Vinh (56 tuổi), tôi được biết ông từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường. Khi đất nước thống nhất, ông về quê lập gia đình, nhưng sinh ra 3 đứa con đều bị nhiễm chất độc da cam. Biết lương y Thiệu khám, cấp thuốc miễn phí ông lặn lội lên xin thuốc. 

Lương y Nguyễn Văn Thiệu đang bốc thuốc cho các nạn nhân chất độc da cam

Cùng đi khám như ông Vinh, ông Đỗ Quang Diễn (60 tuổi) người xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ, Thái Bình nói: “Tôi được lương y Nguyễn Văn Thiệu khám và bốc thuốc chữa bệnh hơn 1 năm nay, hiện sức khỏe đã được cải thiện đáng kể. Tôi là nạn nhân bị chất độc da cam trong thời gian 14 năm chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, chất độc da cam đã hành hạ tôi nhiều năm với căn bệnh dạ dày và bệnh ngoài da, nhưng khi được đến khám và chữa bệnh tại đây sức khỏe tôi đã tốt lên rất nhiều, chúng tôi coi lương y Nguyễn Văn Thiệu như một ân nhân”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình 7 đời gia truyền thuốc đông y, ngay từ nhỏ, ông Thiệu đã làm quen với các vị thuốc gia truyền. Năm 1960, ông theo học Trung cấp Đông y ở Hải Dương và được cấp giấy phép hành nghề rồi lập nghiệp tại đây. Tưởng sẽ gắn bó lâu dài ở đất khách quê người, nhưng năm 1982 bố mất, ông chuyển cả cơ nghiệp về quê.

Ông Thiệu cho biết: “Về quê tôi tiếp tục theo học lớp y sĩ, được Sở Y tế Thái Bình cấp chứng chỉ hành nghề. Nhờ tham khảo sách về y thuật, tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong nghề thuốc. Người làm nghề đông y khi khám bệnh phải dựa vào 4 yếu tố: nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch. Nếu biết tổng hợp cả 4 yếu tố thì sẽ biết được bệnh mà bốc thuốc đúng cho bệnh nhân. Nói đến y đức là chữa bệnh cứu người, thì phải không trừ một trường hợp nào, nhất là bệnh nhân nghèo. Tôi đã đi và chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh bởi di chứng của chất độc da cam trong chiến tranh. Có những gia đình có 3 con thì đứa nằm một chỗ, đứa ngớ ngẩn, đứa dị dạng rất thương tâm. Về nhà, tôi cứ trăn trở với suy nghĩ mình phải làm gì để góp phần vơi đi nỗi đau, nỗi bất hạnh ấy”.

Nghĩ là làm, năm 2007, lương y Nguyễn Văn Thiệu đứng ra nhận đỡ đầu cho Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện Quỳnh Phụ và dành trọn “ngày thứ bảy nhân ái” để khám và tặng thuốc cho các nạn nhân da cam của huyện. Sau này, có điều kiện đi qua những làng quê khác, ông thấy còn quá nhiều người cần đến sự chia sẻ của cộng đồng để vơi đi nỗi đau. Thế nên, ông xin giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở tất cả các huyện trong tỉnh. Và giờ không còn riêng “ngày thứ bảy nhân ái” nữa mà ông dành tất cả các ngày trong tuần, mỗi ngày sẽ nhận khám cho 10 bệnh nhân bị nhiễm chất độc da cam.

Mỗi năm chi hàng tỉ đồng cho nạn nhân da cam

Mỗi huyện sẽ có một ngày cố định trong tuần và xoay vòng từng xã, mỗi xã 5 bệnh nhân sẽ được ông khám và phát miễn phí 5 thang thuốc. Hết 5 thang thuốc, nếu ai có nhu cầu tiếp tục điều trị, ông sẽ giảm cho 1/3 tiền thuốc. Nếu ai có hoàn cảnh khó khăn, ông sẵn sàng không lấy tiền. Ông bảo: “Tôi muốn bệnh nhân của mình biết là họ được quan tâm, yêu thương. Đó cũng là liều thuốc tinh thần quý giá giúp họ vượt qua những cơn đau”.

Mỗi ngày, ông Thiệu khám và cấp thuốc miễn phí cho ít nhất từ 6 đến 7 bệnh nhân bị nhiễm chất độc da cam, do huyện giới thiệu lên. Bệnh nhân của 8 huyện Thái Bình đều được ông thăm khám, cấp thuốc miễn phí. Không những khám bệnh miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Thái Bình mà ông còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện khác, hằng tháng ông cùng vợ dành thời gian xuống các gia đình có nạn nhân chất độc da cam để tặng quà và bốc thuốc chữa bệnh cho họ, những người không có điều kiện đến phòng khám của ông để chữa bệnh. Hằng tuần, Hội Nạn nhân chất độc da cam các huyện của Thái Bình gửi danh sách các gia đình đến để ông khám chữa bệnh miễn phí. 

Nói về nghĩa cử của lương y Nguyễn Văn Thiệu, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình cho biết: “Chúng tôi rất khâm phục tấm lòng nhân đạo của lương y Thiệu. Nhờ có ông mà hàng nghìn bệnh nhân da cam thoát khỏi nỗi đau dằn vặt. Bằng những đóng góp to lớn đó, lương y Thiệu đã vinh dự được nhận rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước”.

Nhìn bảng ghi lịch khám cho các nạn nhân chất độc da cam của ông, thấy chỉ trừ thứ 2, còn thì kín cả tuần. Sáng thứ ba: Tiền Hải, chiều thứ ba: Vũ Thư. Sáng thứ tư: Kiến Xương, chiều thứ tư: TP Thái Bình. Sáng thứ năm: Thái Thụy. Sáng thứ sáu: Đông Hưng. Ngày thứ bảy: Quỳnh Phụ và ngày Chủ nhật: Hưng Hà. Mỗi huyện, mỗi lần ông khám cho 5 người, bình quân mỗi tuần khám cho 40 người. Mỗi năm (52 tuần), trên hai ngàn người được ông khám bệnh miễn phí. Mỗi người, sau khi khám, được cấp miễn phí 5 thang thuốc (mỗi thang trị giá 50 ngàn đồng). Như vậy, mỗi năm, giá trị số thuốc mà ông cấp miễn phí cho những nạn nhân chất độc da cam lên tới hàng tỉ đồng.

Ngoài việc khám, cấp thuốc miễn phí cho những nạn nhân chất độc da cam, lương y Nguyễn Văn Thiệu còn dành cho các nạn nhân chất độc da cam nhiều tình cảm khác. Mỗi năm, cứ đến tháng 12 âm lịch là ông lại dành 400 suất quà (mỗi suất 60.000 đồng) tặng cho các cháu là con em các nạn nhân và trợ cấp thường xuyên cho 2 cháu bị di chứng chất độc da cam ở xã Đồng Tiến (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), bởi bố mẹ các cháu đều đã mất.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Thái Bình cho biết: "Thái Bình là tỉnh có đối tượng bị phơi nhiễm chất độc hóa học đông nhất cả nước với hơn 34.000 người; trong đó hơn 6.400 người đã chết, 19.600 người đang được hưởng chế độ trợ cấp… hơn 90% sống trong đói khổ, bệnh tật. Theo đó, cùng với việc bắt tay vào xây dựng tổ chức cơ sở hội, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ Quỹ "Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam" của tỉnh và có các hình thức hỗ trợ khác giúp nạn nhân vượt qua khó khăn, phục hồi chức năng".


Phúc An