Luật Thủ đô 2024: Khơi “điểm nghẽn” cho giao thông đô thị

08:24 | 29/07/2024

60 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ tạo động lực giúp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững trong giai đoạn tới, Luật Thủ đô 2024 còn được kỳ vọng sẽ khơi “điểm nghẽn” về giao thông đô thị...

Theo đó, bên cạnh những vấn đề cơ bản trong định hướng chung phát triển nông nghiệp, nông thôn, Luật Thủ đô 2024 đã tập trung sửa đổi các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, là phát triển định hướng hình thành không gian đô thị xung quanh hệ thống giao thông công cộng hiện đại theo mô hình giao thông công cộng (TOD), lấy đường sắt đô thị làm hạt nhân trung tâm.

Luật Thủ đô 2024 đã tập trung sửa đổi các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô Hà Nội - Ảnh minh họa
Luật Thủ đô 2024 đã tập trung sửa đổi các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô Hà Nội - Ảnh minh họa

Cụ thể, khoản 2, 3, 4 Điều 31 Luật Thủ đô 2024 quy định, việc phát triển đô thị theo định hướng mô hình TOD được thực hiện như sau - Việc lập, quyết định, quản lý quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, quy hoạch tuyến giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác và khu vực TOD được áp dụng các quy định như:

Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, UBND Thành phố được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, các phương thức vận tải hành khách công cộng khác, phát triển đô thị trong khu vực TOD;

Trong khu vực TOD, UBND Thành phố được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô...

Theo chuyên gia, Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo nhiều nút thắt trong phát triển giao thông đô thị - Ảnh minh họa
Theo chuyên gia, Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo nhiều nút thắt trong phát triển giao thông đô thị - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Thành phố được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững và được áp dụng các quy định như:

HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập;

UBND Thành phố quyết định đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD, quyết định đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thành phần, quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Đặc biệt, trong khu vực TOD, Thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu sau đây để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng…

Nhìn nhận về các quy định đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc Luật cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng mô hình TOD không chỉ bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững, mà còn là “chìa khóa vàng”, mở cánh cửa vượt thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc trong phát triển đường sắt đô thị.

Theo ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo nhiều nút thắt trong phát triển giao thông đô thị.

Cụ thể, Luật Thủ đô đã cho phép Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Những quy định mới có nhiều khác biệt bởi trước đây, trong quá trình thực hiện có rất nhiều nội dung cần điều chỉnh phải triển khai các thủ tục, từ xin chủ trương đến lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh mất rất nhiều thời gian, qua nhiều cấp, từ địa phương, bộ ngành, đến Chính phủ.

Đặc biệt, Luật sửa đổi đã mở cơ chế, cho phép quá trình đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển theo định hướng TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.

Ông Phan Trường Thành cho rằng, trong nhiều năm qua mô hình TOD đang được nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như là một giải pháp căn cơ và dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông...

Được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới, song ở Việt Nam, TOD vẫn còn là một mô hình phát triển đô thị, giao thông công cộng tương đối mới mẻ, dù đã được đưa vào thí điểm. Các nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về TOD trong điều kiện đặc thù của Việt Nam nói chung, của TP. Hà Nội nói riêng còn rất ít ỏi, việc áp dụng mô hình TOD hiện nay còn một số khó khăn, tồn tại.

“Trước thực tế diễn ra, việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển TOD. Và những kỳ vọng là có cơ sở, bởi các nội dung liên quan đến TOD đã được đề cập trong quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được luật hóa. Cụ thể, Luật Thủ đô đã dành trọn 1 điều (Điều 31) để cụ thể hóa các định hướng triển khai mô hình TOD kèm theo các cơ chế chính sách cần thiết và bước đầu đã tháo gỡ được phần nào các vướng mắc cũ. Luật Thủ đô là cơ hội để chúng ta có thể sửa chữa, khắc phục những vấn đề chưa làm được...”, ông Thành bày tỏ.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, phát triển đô thị gắn kết với định hướng theo mô hình TOD mà Luật Thủ đô 2024 đã luật hóa bằng các quy định là một lựa chọn khả thi cho Hà Nội. Bởi, từ năm 2017, Hà Nội đã lập đồ án Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận theo mô hình TOD. Nhưng đồ án khi đó được giới phân tích đánh giá còn nhiều hạn chế, khi vai trò của giao thông đô thị chưa thực sự nổi bật.

Việc theo đuổi mô hình phát triển đô thị này không chỉ là cơ hội tốt để Thành phố cải tạo cảnh quan, tái cấu trúc đô thị dọc theo hành lang của các tuyến giao thông công cộng, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc