Luật Điện lực sửa đổi: Tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh ra sao

08:25 | 29/08/2023

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Góp ý cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) thay thế cho các Luật hiện hành mà không phải là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (lần thứ 4) như đề nghị của Bộ Công Thương… Theo đó, góp ý cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động của các chính sách đến môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Luật Điện lực (sửa đổi): Tác động thế nào đến môi trường đầu tư kinh doanh?
Luật Điện lực sửa đổi được xây dựng đảm bảo minh bạch về chính sách, công bằng thị trường, hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: MH

Phản hồi cho ý kiến này, Bộ Công Thương cho biết, đối với tất cả các chính sách được đề xuất trong hồ sơ, tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đã tiến hành đánh giá tác động đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các chính sách liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư như Chính sách 1 và Chính sách 3.

“Ví dụ: tại phương án 2 Chính sách 1 đã đánh giá tác động kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo đó, nhà đầu tư có điều kiện để tham gia vào thị trường Việt Nam sâu rộng hơn, có cơ hội tham gia đầu tư công trình điện, có thể thu được lợi ích kinh tế từ gia nhập thị trường…” - Bộ Công Thương dẫn chứng.

Cụ thể Chính sách 1 về Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước (phương án 1 là giữ nguyên chính sách hiện hành; Phương án 2 : Quy định quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tác động về mặt xã hội, đối với Nhà nước, cơ bản đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện quy hoạch phát triển điện lực nhằm thực hiện được mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, môi trường pháp lý được minh bạch, rõ ràng hơn, giúp cho cơ quan quản lý và nhà đầu tư, doanh nghiệp có cơ sở để triển khai các dự án điện lực; đảm bảo được tính thống nhất, không chồng chéo trong quy định pháp luật; cơ bản bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức tham gia vào hoạt động điện lực.

Trong khi đó, đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước và khách hàng sử dụng điện, nhà đầu tư trong nước được cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích đầu tư công trình điện. Thu được lợi ích từ việc được tạo môi trường đầu tư thuận lợi để tăng doanh thu và có lợi nhuận hợp lý. Nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện để tham gia vào thị trường Việt Nam sâu rộng hơn, có cơ hội tham gia đầu tư công trình điện, có thể thu được lợi ích kinh tế từ gia nhập thị trường.

Đối với khách hàng và người sử dụng điện, được cấp điện an toàn cho sản xuất - kinh doanh, gián tiếp trả chi phí đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ vận hành hệ thống điện (qua giá điện).

Chính sách mới cũng tạo môi trường pháp lý minh bạch, khuyến khích đầu tư phát triển dự án điện lực. Thu được lợi ích từ việc được tạo môi trường đầu tư thuận lợi để tăng doanh thu và có lợi nhuận hợp lý...

Đối với Chính sách 3: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường (phương án 1: Giữ nguyên chính sách hiện tại và Phương án 2: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường).

Đánh giá tác động đối với phương án 2 về mặt kinh tế, đại diện Cục Điều tiết Điện lực- Bộ Công Thương, cho biết: Đối với nhà nước, phương án này phát sinh chi phí của ngân sách nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật. Đảm bảo tính thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Ngược lại, đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước không phát sinh thêm chi phí, trong khi dó doanh nghiệp hoạt động điện lực có môi trường bình đẳng, không phân biệt đối xử, công khai, minh bạch hơn.

Luật Điện lực (sửa đổi): Tác động thế nào đến môi trường đầu tư kinh doanh?
Doanh nghiệp hoạt động điện lực lĩnh vực vận hành hệ thống điện và thị trường điện sẽ có cơ chế ký kết hợp đồng dịch vụ điều độ hệ thống điện qua đó tăng nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ảnh:MH

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp hoạt động điện lực lĩnh vực vận hành hệ thống điện và thị trường điện sẽ có cơ chế ký kết hợp đồng dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện đối với đơn vị bán buôn điện và đơn vị bán lẻ điện từ đó có nguồn thu, nguồn lực tài chính thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao”- đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Đặc biệt, đối với người dân ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia khi thực hiện phương án này sẽ được hưởng giá điện vừa đáp ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đảm bảo an ninh quốc gia tại các khu vực biên giới, hải đảo và chính sách an sinh xã hội cho khu vực khó khăn, kinh tế thấp vừa phù hợp với quy định tại khoản 1a Điều 4 Luật Điện lực về chính sách phát triển điện lực.

Đánh giá tác động về mặt xã hội, nếu thực hiện phương án 2 của Chính sách 3, cơ quan quản lý nhà nước về điện lực có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện tách bạch độc lập các hoạt động mang tính độc quyền tự nhiên (điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện, phân phối điện) với các khâu mang tính cạnh tranh (kinh doanh mua, bán điện) hướng tới thị trường điện vận hành công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử; đồng thời đảm bảo được hiệu quả quản lý khi không phải xử lý những nội dung vượt ra ngoài phạm vi điều tiết điện.

Ngoài ra, Chính phủ đảm bảo được tính thống nhất trong điều hành nền kinh tế vĩ mô; Đảm bảo giá điện dần phản ánh đúng chi phí cung cấp điện tới các đối tượng sử dụng điện. Đặc biệt, chính sách này khuyến khích nhà đầu tư trong nước tham gia vào lĩnh vực bán lẻ điện khi quy định về thị trường điện bán lẻ đã được thực hiện đầy đủ (đơn vị phân phối điện đã tách bạch với hoạt động kinh doanh bán lẻ điện). Đồng thời, tạo được lòng tin đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường điện vận hành công khai, minh bạch…

Liên quan đến ý kiến đề nghị Bộ Công Thương có Báo cáo chính thức việc tổng kết thi hành Luật Điện lực, Bộ Công Thương cho hay, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã được trình Chính phủ 3 lần. Trong các hồ sơ trình, Bộ Công Thương đã có đầy đủ báo cáo chính thức về việc tổng kết thi hành Luật Điện lực.

Lập giá điện, điều chỉnh giá điện cần có một cơ chế và tiêu chí rõ ràngLập giá điện, điều chỉnh giá điện cần có một cơ chế và tiêu chí rõ ràng
Luật Điện lực từng bước đi vào cuộc sốngLuật Điện lực từng bước đi vào cuộc sống
Đóng góp Luật Điện lực: Đóng góp Luật Điện lực: "Nóng" thủy điện và phát điện cạnh tranh!

Theo Báo Công Thương