Lớp học trên mây

07:30 | 23/01/2020

605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tiếng ê a tập đọc của lũ trẻ ở trường như loang ra cùng mây, trong vắt giữa lưng chừng núi. Khi bạn bè chọn phố thị làm điểm dừng chân thì hai cô giáo trẻ gửi tuổi thanh xuân của mình cho điểm trường nằm giữa mây trắng mang cái tên rất đẹp: Phong Lan.     

Nơi hai cô giáo trẻ gửi tuổi xuân cách thị trấn Tắk Pổ của huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) chừng 10 cây số. Nhưng đó là khoảng cách tính bằng... đường chim bay, bởi cách duy nhất để đến được nơi đây là băng bộ qua rừng, qua suối, thi thoảng mới nhìn thấy được vài nóc nhà nhỏ trên sườn núi, bao quanh là những thửa ruộng bậc thang bé tí của người bản địa.

lop hoc tren may
Các em học sinh xếp hàng về nhà sau khi tan học

Nơi này bốn mùa mây trắng. Mùa rét, mây có lúc sà vào tận lớp học. Ở dưới hàng cau vươn cao, điểm trường chỉ có 2 phòng nhỏ vách ván, lợp tôn và 34 đứa trẻ người Cadong nép mình bên nhau để ấm hơn trong giá lạnh mùa đông. Nhiều đứa trẻ đến lớp bằng chân trần, mũi vắt chưa sạch, mặt lem luốc, duy chỉ có đôi mắt là trong veo, sáng như tình yêu với con chữ của chúng. Điểm trường Phong Lan ở Tắk Pổ là một trong nhiều điểm trường của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, thuộc huyện Nam Trà My. Phong Lan nằm trên dãy Ngọc Linh, nơi có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, vốn là “đỉnh trời” của miền Trung.

Điểm trường Phong Lan chỉ có hai cô giáo trẻ là Trà Thị Thu (sinh năm 1994) và Riah Uối (sinh năm 1996). Khi các bạn cùng trang lứa chọn cho mình nhiều công việc khác ở dưới xuôi, ở nơi thị thành, thì Thu và Uối lại ngược núi đến với “lớp học trong mây”. Mới đây, hình ảnh lễ khai giảng năm học mới tại điểm trường Phong Lan được đăng tải trên mạng xã hội và nhiều tờ báo lớn, đơn sơ mà đẹp đến nao lòng, một lễ khai giảng không bóng bay, không cờ trống, chỉ duy nhất một lãnh đạo là... trưởng nóc cùng lũ trẻ. Không đủ ghế, nhiều đứa trẻ phải ngồi bệt dưới nền đất...

lop hoc tren may
Lớp mẫu giáo ở điểm trường Phong Lan

Rất nhiều người biết đến Phong Lan, hai cô giáo và lũ trẻ sau sự kiện ấy. Chuông điện thoại reo nhiều hơn, những lời động viên ngập tràn trên facebook cá nhân của hai cô giáo trẻ. Lãnh đạo huyện cũng đã lặn lội đến tận nơi, động viên hai cô giáo trẻ. Nhưng lắng lại sau những quan tâm đó, hai cô giáo và lũ trẻ quay trở lại với nhịp sinh hoạt thường ngày, giản dị, bình yên và ăm ắp tiếng cười con trẻ, bên mái trường đẹp như cổ tích. Chúng tôi vào lớp học. Lớp tiểu học chỉ có 6 bộ bàn ghế đơn sơ chia cho 2 độ tuổi, vài quyển sách, một bóng đèn, một chiếc quạt treo trên trần. Bên cạnh là lớp mầm non, thi thoảng lại vang lên tiếng dỗ dành của cô giáo…

lop hoc tren may
Cô giáo Trà Thị Thu trong một giờ dạy

Trà Thị Thu kể, 5 năm trước, khi đang làm công nhân trong một nhà máy, chị gái hỏi: “Có muốn lên núi để đi dạy học không?”. Nước mắt cô gái đã chảy, khi ước mơ làm cô giáo được sống lại. Tốt nghiệp sư phạm, Thu không xin được việc đúng ngành nghề, cô đi làm công nhân. “Dù lúc đó em chưa lường được hết sẽ cực khổ như bây giờ, nhưng em quyết định đi. Hai mươi tuổi, em khăn gói một mình lên đây, cách nhà hơn một trăm cây số. Ở cùng với em là Uối. Những hôm đầu cũng ráng mạnh mẽ, nhưng cuối cùng thì cũng... khóc thật. Khóc vì phải xa gia đình, vì buồn, vì đôi lúc thấy cô đơn. Nơi này hẻo lánh quá. Nhưng rồi em cũng quen dần, nhờ lũ trẻ con rất đáng yêu, nhờ những người dân ở đây tình cảm, thân thiện như trong gia đình”, Thu nói.

Riah Uối, cô giáo trẻ ở cùng Thu tâm sự, ở nơi này, trẻ đến trường đã là một niềm vui lớn. Những người dân Cadong ở đây đa phần đều còn khốn khó. Họ sống tự túc với con gà, con lợn, những ruộng lúa nhỏ, hiếm hoi lắm mới có người ra khỏi làng để mua sắm thực phẩm. Cả trường chỉ có một chiếc xích đu, lũ trẻ, đôi khi có cả cô giáo của chúng, bày trò chơi đùa ở khoảng sân, hay trên con đường mòn dẫn đến lớp. Dưới xa kia là thảm mây trắng vắt ngang sườn núi. Không có tiền đóng góp xây dựng như dưới xuôi, bà con tự san đất, đốn tre làm hàng rào, trồng hoa quanh trường cho lũ trẻ. Lớp học được dựng lên bằng chính bàn tay của bà con Cadong. “Kêu gọi bà con ủng hộ cho trường, ai cũng vui vẻ, còn nhiệt tình dựng giúp các cô giáo nữa. Bà con đốn tre, chặt cây dựng hàng rào, cô giáo cần gì, mọi người đều sẵn lòng giúp. Chính nhờ tấm lòng của bà con, tình yêu với lũ trẻ mà tụi em không nghĩ nhiều đến những vất vả, vì mỗi ngày ở trường đều là một ngày vui”, Uối nói.

Bữa cơm của hai cô giáo, có khi là rau củ người dân biếu tặng, có khi lại là thực phẩm khô mang về từ những lần hiếm hoi ra thị trấn. Nước uống lấy từ con suối gần làng, củi không bao giờ thiếu... Lớp học trở thành ngôi nhà thứ hai của hai cô giáo trẻ. Ngoài giờ lên lớp, phần lớn thời gian còn lại, hai cô giáo tự làm đồ trang trí, dụng cụ học tập, vệ sinh lớp học. Có những buổi tối cả hai cô phải đi vào làng để vận động học sinh, thuyết phục bố mẹ đưa các con đến trường. Uối dạy lớp mầm non, Thu dạy lớp ghép hai trình độ lớp 1 và 2. Buổi sáng dạy chính, buổi chiều dạy phụ đạo thêm cho các em. Vất vả, thiếu thốn thành quen, hai cô giáo trẻ quên đi những so đo, tự chăm sóc nhau, kể cả những lúc ốm đau. “Cái khổ của mình thực ra còn ít hơn cái khổ của bà con, của mấy đứa trẻ. Nếu có một mong ước, tụi em chỉ mong sao có con đường rộng rãi, để bà con bớt khổ hơn”, Thu tâm sự.

5 năm gắn bó với núi và mây, cô Thu đã quen với đời giáo viên cắm bản, quen luôn cả những phong tục, tập quán của người Cadong ở Ngọc Linh. Câu chuyện về lễ khai giảng đã kết nối nhiều tấm lòng hảo tâm đến với điểm trường Phong Lan. Nhiều cá nhân, tổ chức mong muốn được góp sức giúp đỡ cô và trò. Song, hai cô giáo chỉ nhận số phần quà đủ cho lũ học trò. “Còn rất nhiều điểm trường khác, nơi mà đồng nghiệp tụi em, học trò ở vùng cao khó khăn hơn, vất vả hơn nhiều. Ở Nam Trà My vẫn còn nhiều lớp học lợp lá, nhiều nơi học sinh đến lớp không có bàn ghế, thậm chí không đủ quần áo ấm. Mong rằng các tấm lòng hảo tâm không quản ngại đường xá xa xôi, cách trở, quan tâm nhiều hơn đến các em, các bạn đồng nghiệp của tụi em”, Uối tâm sự. Cô giáo trẻ này nói thêm, nếu được chọn, cô sẽ vẫn ở lại nơi này, nơi đã mang lại cho hai cô giáo quá nhiều tình yêu thương từ đồng bào trong nóc, từ lũ trẻ người Cadong, nơi hai cô giáo viết lên ước mơ, lý tưởng của cuộc đời mình.

Ở vùng cao, lấy gì để đếm đo những nhọc nhằn của người gieo chữ ngoài những buồn vui với lũ học trò? Tuổi thơ chân đất đầu trần lăn lê bờ bãi, những ngày đến trường là những ngày hạnh phúc nhất của lũ trẻ. Ở đó, chúng có một gia đình khác, trong vòng tay yêu thương của hai cô giáo trẻ, những người lặng lẽ cõng con chữ lên non cao giữa những ngày gian khó, viết lên câu chuyện cổ tích “lớp học trên mây” ở Tắk Pổ.

Hà Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps