Lớp học "2 trong 1" trên núi Ngọc Linh

12:18 | 26/01/2020

290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giảng xong bài toán cho học sinh lớp 1, thầy Tuấn lật đật về cuối phòng tập đọc cho các cháu lớp 2.

"Cuộc đời là những chuyến đi", thầy Nguyễn Văn Tuấn, 38 tuổi, pha trò khi đang cố vượt qua con dốc dựng đứng để đến điểm trường Đăk Nai - nơi khó khăn nhất của huyện Đăk Glei (Kon Tum).

Nhà thầy Tuấn nằm trung tâm xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, bao quanh là núi cao và rừng già nên thời tiết quanh năm luôn mát mẻ, đặc biệt sáng sớm có sương mù và lạnh giá.

Điểm trường Đăk Nai nằm ở lưng chừng núi Ngọc Linh, cao trên 1.000 m. Ngôi trường bằng bêtông chỉ có một phòng học, rộng chừng 50 m2 mới được hoàn thành từ năm ngoái, làm nơi dạy học cho 10 em lớp 1 và hai học sinh lớp 2. Điều khác biệt là lớp học có một bục giảng nhưng hai bảng đen, treo ở đầu và cuối lớp, bàn giáo viên đặt giữa phòng. Học sinh hai lớp ngồi quay lưng lại với nhau.

lop hoc 2 trong 1 tren nui ngoc linh
Thầy Tuấn dạy cùng lúc hai lớp.

Trừ thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày thầy Tuấn phải thức dậy 5h, chuẩn bị giáo án, áo quần, thức ăn... rồi lầm lũi băng qua hai con suối, mất 45 phút leo núi đến điểm trường. Chưa kể những hôm mưa gió, bị trượt ngã nhiều phen, áo quần ướt sũng, lấm lem bùn đất. Nhưng suốt chín năm qua, người thầy có dáng người thô kệch vẫn nhiệt huyết, hăng say với nghề.

Hôm nay, một ngày đầu xuân, thầy Tuấn vừa đi vừa chạy cho kịp giờ, bởi thầy muốn đến lớp sớm hơn học trò của mình 15 phút để đợi chúng trước hiên. Khi đến nơi, trời lạnh nhưng áo thầy ướt đẫm, mồ hôi nhễ nhại.

Đúng 7h, lũ trẻ từ trong buôn rồng rắn ùa ra lớp, mặt người thầy rạng rỡ hẳn vì hôm nay học trò đến lớp đầy đủ, "đúng 12 cháu". Đó là những ngày thầy Tuấn cảm thấy hạnh phúc nhất do công sức của mình bỏ ra không hoang phí.

Thầy kể, nhiều hôm mưa gió, chúng không có áo mưa, giáo viên phải mang ô vào vào tận nhà đưa từng em ra lớp. Nhiều cháu áo quần phong phanh, ngồi học trong căn phòng bao quanh bằng tôn, gió lạnh luồn vách vào khiến da chúng thâm tím lại, hai hàm răng va vào nhau cầm cập vì rét.

May mắn hai năm nay, ngôi trường tạm bợ được thay thế bằng bêtông. "Chỉ cần đóng cửa lại là như ấm hẳn", thầy Tuấn vui vẻ nói và cho biết, dạy học trò tiểu học đã khó, nay dạy một lần hai lớp càng khổ hơn. Trong khi các cháu là trẻ người đồng bào Xê Đăng, nên việc tiếp thu bài chậm hơn rất nhiều học sinh miền xuôi.

lop hoc 2 trong 1 tren nui ngoc linh
Thầy Tuấn trở về nhà sau một ngày dạy học ở điểm trường Đăk Nai.

Có khi đang giảng bài Toán cho nhóm học sinh lớp một, nghe học trò lớp hai hỏi bài Tiếng Việt, phải vội vã chạy xuống chỉ và tập đọc cho chúng. "Cứ chạy lên chạy xuống trong phòng vậy, đôi khi cái bàn giáo viên chỉ dùng để nghỉ chân những giờ ra chơi hoặc ngồi soạn bài giảng cho buổi dạy chiều", thầy Tuấn nói.

Do đường đi lại khó khăn, buổi trưa thầy Tuấn phải ngủ, nghỉ tại trường để chuẩn bị cho buổi dạy chiều. Thỉnh thoảng phụ huynh các cháu cũng sang chơi và mời sang nhà ăn cơm trưa.

Làng Đăk Nai cách trường vài chục mét, nên thầy Tuấn đều biết và nhớ tên bố mẹ của tất cả học trò mình. Nếu hôm đó có em nào vắng, thầy liền gọi điện cho phụ huynh hỏi nguyên nhân cháu không đến lớp. "Trừ những trường hợp đau ốm, sau vài phút là cháu đó có mặt ở lớp", thầy Tuấn cho hay.

Anh Tuấn quê Hà Tĩnh, vào công tác ở huyện Đăk Glei từ năm 2011. Trong thời gian giảng dạy, anh quen và cưới vợ giáo viên cùng trường, cùng quê. Hiện vợ anh dạy lớp ghép (tám cháu lớp 1 và năm cháu lớp 2) ở làng Đăk Dít, cách trường khoảng 3 km, song con đường đã làm bêtông nên đỡ vất vả hơn chồng.

Tương tự thầy Tuấn, chị Bùi Thị Trắc, 30 tuổi, quê Hà Tĩnh hàng ngày phải dậy từ 5h30 để chuẩn bị bữa áo quần, cặp sách, cơm nước. Chị đi bộ hơn 4 km đường dốc để đến điểm trường làng Tu Dốp, dạy cho 10 đứa trẻ (năm cháu lớp 2 và năm cháu lớp 1).

lop hoc 2 trong 1 tren nui ngoc linh
Cô Trắc suốt 10 năm đi dạy ở các điểm trường xa xôi, nhưng chưa một lần than phiền.

Ngôi trường tạm bợ bằng tôn, nằm gần đỉnh núi. Mùa khô, cô Trắc mất khoảng 30 phút đi bộ đến trường. Còn mùa mưa, đến được điểm trường phải mất cả tiếng, vì phải lội qua đoạn đường nhão nhoét bùn đất. "Sợ nhất là sạt lở núi", cô Trắc rùng mình, nhớ lại. "Đôi lần khổ sở quá muốn quay về, nhưng nghĩ bọn trẻ mà thương, cứ phăng phăng tiến về phía trước".

Thầy Phan Quốc Lập, Hiệu phó trường Tiểu học Ngọc Linh cho biết, do những em lớp 1, lớp 2 đang còn nhỏ, nên nhà trường luôn bố trí các giáo viên ở cạnh buôn làng để các cháu tiện đến lớp. Từ lớp 3 trở lên, học sinh phải về điểm trường trung tâm xã Ngọc Linh học.

Cả trường hiện có chín điểm trường ở trên núi, nên mỗi năm các thầy cô phải thay nhau đảm nhận, lương mỗi tháng 5-6 triệu đồng mỗi người. "Hiện nay cơ bản trường lớp đã đảm bảo, tuy nhiên vấn đề đường sá đến các điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn vất vả, nhất là mùa mưa", thầy Lập cho hay.

Thầy Lê Hải Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei cho biết, năm học 2019 - 2020, toàn huyện có gần 13.000 học sinh, ở tất cả cấp học. Cả huyện hiện chỉ riêng xã Ngọc Linh phải dạy ghép do không đủ học sinh.

Theo VnExpress

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.