Lo cúm gia cầm, quản chặt nghề nuôi chim yến

18:00 | 22/05/2013

556 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với tốc độ phát triển nhanh của các cơ sở nuôi chim yến nhưng công tác quản lý hoàn toàn bị bỏ ngỏ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang tổ chức lấy ý kiến để xây dựng Thông tư quy định tạm thời về điều kiện nuôi chim yến.

Trong buổi họp lấy ý kiến tại khu vực phía Nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Hiện, Việt Nam có hơn 700 cơ sở nuôi chim yến, khoảng 1.500 nhà yến ở 16 tỉnh thành và đang có dấu hiệu tăng thêm. Chúng ta đang có những bước phát triển nhanh trong khai thác và dẫn dụ chim yến nhưng chưa được sự quan tâm, quản lý đúng mức. Khi xảy ra dịch bệnh trên chim yến ở Ninh Thuận mới đặt ra vấn đề về quản lý. Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng cơ sở pháp lý để kiểm soát, định hướng tổ chức nghề nuôi phát triển bền vững, hiệu quả, an toàn dịch bệnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng quy định quản lý phải trên cơ sở thừa nhận sự tồn tại của các cơ sở nuôi yến hiện hữu. Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An, sự quản lý rất cần thiết nhưng phải làm sao để không ngăn cản việc phát triển nghề nuôi chim yến, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi cũng như người làm công tác quản lý.

Nghề nuôi chim yến phải có quy hoạch cụ thể, xây dựng một cách khoa học. Nhà nuôi chim yến phải có thiết kế rõ ràng, có xử lý môi trường, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và cần quy định về khoảng cách so với nhà dân là bao nhiêu để người dân không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và vấn đề vệ sinh từ việc nuôi yến. Đồng thời, phải quy định điều kiện như thế nào thì có thể phát triển thành vùng nuôi chim yến, giúp các tỉnh dễ quy hoạch.

Nghề nuôi chim yến phát triển nhanh nhưng chưa có sự quản lý

 

Tuy nhiên, theo ông Võ Thái Lâm - Tổng giám đốc Công ty Yến Việt: Bên cạnh mục tiêu để dễ quản lý, việc quy hoạch phải chú ý đến hiệu quả kinh tế vì cùng một nơi có quá nhiều nhà nuôi chim yến thì sẽ khó có thể dụ được chim vào nhà, trong khi đầu tư vào một nhà nuôi rất tốn kém, nếu có quá ít chim yến đến thì không thu được hiệu quả kinh tế.

Về quản lý dịch bệnh, kinh nghiệm của các doanh nghiệp cho thấy, hầu như chim yến chỉ chết trong nhà, không có chim chết rơi ở ngoài khi bị dịch bệnh. Sự lây bệnh giữa đàn chim là do mật độ tổ quá lớn và đặc điểm của loài này là sinh sống theo từng cặp.

Để hướng tới một mô hình nuôi yến bền vững và xuất khẩu sản phẩm từ chim yến, bà Đỗ Tú Quân – Tổng giám đốc Công ty yến Cửu Long Phi cho rằng: Cần phải quy định về xác nhận của thú y cho cơ sở đủ điều kiện nuôi yến, quy định về giấy kiểm dịch và giấy phép xuất khẩu...

Sau các hội nghị đóng góp ý kiến, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư quy định tạm thời về việc nuôi chim yến. Đồng thời, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp để công tác quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Mai Phương 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc