Linh hoạt chính sách tiền tệ: Động lực cho tăng trưởng quý 2

08:11 | 06/05/2023

69 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trở ngại tăng trưởng kinh tế quý 2/2023 vẫn hiện diện và hàng loạt chính sách nới lỏng đã được ban hành, nhưng cần có sự vào cuộc đồng bộ để chủ trương đi vào cuộc sống một cách thực chất.

Còn trở ngại tăng trưởng kinh tế

Theo đánh giá của HSBC, sau kết quả GDP quý 1/2023 không mấy khả quan, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Đặc biệt, chúng ta chưa nhìn thấy “ánh sáng” trên mặt trận thương mại.

Linh hoạt chính sách tiền tệ: Động lực cho tăng trưởng quý 2
Hiện Việt Nam vẫn tiếp tục hứng chịu các thách thức thương mại ngày càng tăng

Bước vào quý 2/2023, dữ liệu cho thấy thương mại vẫn trên đà suy yếu, xuất khẩu các nhóm ngành nghề chính, bao gồm điện tử, dệt may và nội thất, đều giảm ở mức hai con số.

Du lịch quốc tế hồi phục là điểm sáng nhờ khách du lịch Trung Quốc trở lại, nhưng tốc độ phục hồi vẫn còn chậm. Đặc biệt, lạm phát trong tháng 4 giảm ở mức dưới 3% so với cùng kỳ, nhờ lạm phát lương thực giảm và giá năng lượng hạ nhiệt, dù các yếu tố bên cung vẫn cần được theo dõi chặt chẽ.

Hiện Việt Nam vẫn tiếp tục hứng chịu các thách thức thương mại ngày càng tăng. Xuất khẩu tháng 4 giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu giảm tới 13% so với cùng kỳ. Do đó, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại 1 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (Industrial production – IP) cũng phản ánh tình trạng tương tự, với IP sản xuất sụt giảm 14% so với cùng kỳ.

Là một quốc gia chịu tác động từ chu kỳ thương mại toàn cầu, những khó khăn ngoại cảnh đã giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Sau khi giảm 12% so với cùng kỳ trong quý 1/2023, xuất khẩu tiếp tục mức giảm hai con số, với chỉ số tháng 4 thấp hơn 11,7% so với cùng kỳ. Khó khăn này diễn ra trên diện rộng, với các ngành xuất khẩu chính như dệt may, giày dép, điện thoại thông minh và đồ nội thất gỗ đều sụt giảm đáng kể.

“Mặc dù ngành du lịch có hỗ trợ một phần, nhưng sự hồi phục của ngành vẫn còn chậm, và chưa đủ để bù đắp những thách thức trong năm nay. Do vậy, trở ngại tăng trưởng vẫn hiện diện thông qua sự tăng trưởng tín dụng cực kỳ chậm chạp. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15% và việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong tháng 3, tín dụng chỉ tăng khoảng 2% vào giữa tháng 4, đạt phân nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022, phản ánh những quan ngại tiếp diễn đối với những khó khăn về kinh tế”, chuyên gia tại HSBC nhận định.

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2022 sẽ vẫn ở mức thấp vì nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên các vấn đề chính như kinh tế thế giới vẫn đang giảm tốc; trong nước, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn “đóng băng”, tín dụng tăng trưởng thấp... Ngoài những yếu tố nêu trên, cần phải lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2023 còn phải so với nền tăng trưởng rất cao của GDP quý 2 năm ngoái.

Điểm sáng từ lạm phát thấp

Gần đây, các cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt các hỗ trợ chính sách, gồm có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, giảm 2% thuế VAT cho đến cuối năm 2023 và kế hoạch tái cấu trúc một số khoản vay. Cụ thể, đã xuất hiện một số dấu hiệu ban đầu về việc nới lỏng lập trường chính sách đối với ngành bất động sản, lĩnh vực đã đối mặt với khủng hoảng thanh khoản từ tháng 10/2022.

Linh hoạt chính sách tiền tệ: Động lực cho tăng trưởng quý 2
Dù nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất sau thời gian đứng ở mức cao nhưng do độ trễ về thời gian, dự đoán trong thời gian tới mới thực sự đi sâu và ngấm để giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhóm chuyên gia tại HSBC cũng phân tích, dù tăng trưởng có chậm lại, nhưng lạm phát đã tốt hơn, giúp các nhà hoạch định chính sách “dễ thở” hơn. Lạm phát toàn phần giảm 0,3% so với tháng trước, giúp lạm phát cùng kỳ năm dưới mức 3%, thấp hơn nhiều so với trần lạm phát 4,5% của NHNN.

Các nguyên nhân được cho là: Một, lạm phát thực phẩm tiếp tục giảm, nhờ giá thịt heo giảm 1,6% so với tháng trước (giá thịt heo tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát thực phẩm nói chung).

Hai là, giá năng lượng lại cho thấy những xu hướng trái chiều. Trong khi chi phí vận tải tăng nhẹ do giá dầu cao, các loại lạm phát năng lượng khác, như điện và gas lại giảm. Cho nên vẫn cần thận trọng với lạm phát phía nhóm cung.

Ba là, quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và tăng giá điện của EVN vẫn chưa cho thấy tác động cụ thể.

“Nhìn chung, Việt Nam tiếp tục đối mặt với các thách thức trong quý 2/2023 sau những kết quả kinh tế của quý 1 không mấy khả quan. Dù khả năng tăng trưởng suy giảm trong nửa đầu năm 2023, chúng tôi vẫn kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và làn sóng thương mại sẽ chuyển hướng trong nửa cuối năm, đưa tăng trưởng cả năm 2023 đạt mức 5,2%”, nhóm chuyên gia bày tỏ.

Linh hoạt chính sách tiền tệ

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 2 và các quý tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% mới khả thi.

Đến nay, dù nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất sau thời gian đứng ở mức cao nhưng do độ trễ về thời gian, dự đoán trong thời gian tới mới thực sự đi sâu và ngấm để giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, cụ thể: Thứ nhất, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt, phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ... Chính sách tỷ giá cần áp dụng để thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Thứ hai, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại, nhiều công trình được khởi công mới, từ đó tạo tăng trưởng tốt cho ngành xây dựng, giao thông vận tải gia tăng năng lực, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sản xuất.

Trong đó, các cấp các ngành và địa phương cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh, từ đó tạo hiệu quả về thu hút đầu tư.

Mới đây, NHNN đã ban hành liên tiếp 2 Thông tư 02 và Thông tư 03 về cơ cấu nợ và cho phép ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán. Hai Thông tư này được xem như “chìa khoá” khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp trong lúc cấp bách, đồng thời tháo gỡ thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vẫn cần có sự vào cuộc đồng bộ để chủ trương của Chính phủ, NHNN đi vào cuộc sống một cách thực chất. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần có hướng dẫn quy trình nội bộ rõ ràng trong hệ thống ngân hàng của mình.

Cùng với đó, chủ động đưa ra các tiêu chí, để xác định đối tượng hỗ trợ hoặc đầu tư, cho vay, cơ cấu lại nợ; chủ động đánh giá thực chất, bản chất các khoản vay và đầu tư, sẵn sàng nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; thường xuyên trao đổi, làm việc với khách khách hàng, nắm tình hình tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Cần phải sát sao trong quá trình kiểm tra nhằm bảo đảm các khoản cơ cấu lại nợ đó, đầu tư trái phiếu an toàn, hiệu qủa, đúng pháp luật.

Về phía các cơ quan quản lý, NHNN và Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Các quốc gia thận trọng với chính sách tiền tệ năm 2023Các quốc gia thận trọng với chính sách tiền tệ năm 2023
Thực hiện chính sách tiền tệ và quản lý ngoại tệ trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng nhanhThực hiện chính sách tiền tệ và quản lý ngoại tệ trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng nhanh