Lãnh đạo các Sở GD&ĐT hiến kế cho Kỳ thi THPT Quốc gia

09:40 | 18/09/2018

287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng diễn ra vào hôm qua (17/9) tại Bộ GD&ĐT, nhiều lãnh đạo các sở GD&ĐT đã có mặt và đóng góp ý kiến.
lanh dao cac so gddt hien ke cho ky thi thpt quoc gia
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia

Xin giới thiệu ý kiến của 4 đại diện các sở GD&ĐT địa phương.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam: Cần làm phách cho bài thi trắc nghiệm

Nhìn lại kỳ thi THPTQG 2018, có thể nói, về khâu chuẩn bị thi đã được thực hiện rất đầy đủ, chu đáo, không chỉ ở cơ quan chủ quản là Bộ, Sở mà các cơ quan ban ngành phối hợp đều vào cuộc một cách đồng thuận. Đành rằng kì thi có một số vụ việc tiêu cực nhưng không vì thế mà phủ nhận sự thành công của kì thi và cái được của các địa phương, các tỉnh trong tổ chức một kì thi đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

lanh dao cac so gddt hien ke cho ky thi thpt quoc gia
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam

Quá trình tổ chức thi, không riêng Việt Nam đều có những sai sót. Cứ mỗi kì thi qua đi, chúng ta nên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Bởi nói đến thi cử, không ai có thể nói trước là không có sai sót, nhưng việc sai sót như thế nào, khác với việc tiêu cực trong thi cử. Tôi đề nghị, về mặt kĩ thuật, quy chế, quy định nên có bàn bạc kĩ lưỡng, có điều chỉnh sao cho kì thi diễn ra như mong muốn là nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Trong kì thi, khâu vô cùng quan trọng là đề thi. Theo tôi, đề thi như năm vừa qua đã là có cố gắng lớn, đảm bảo độ bảo mật, phân hóa để vừa xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở các trường ĐH tuyển sinh. Tất nhiên, chúng ta cũng cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề thi để làm sao sự phân hóa đề đạt như mong muốn.

Chúng ta nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy được mấy điều: Người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn; tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh; theo tôi, trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi.

Để kì thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, cần sự phối hợp một cách chặt chẽ của các cơ quan trong thanh tra, giám sát kì thi. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ một cách nghiêm túc giữa an ninh PA83, thanh tra thi của Bộ, thanh tra thi của địa phương và chúng ta làm công tâm, thì chắc chắn những hiện tượng tiêu cực sẽ không thể xảy ra.

Bộ nên chỉ đạo để các trường ĐH thấy rằng, việc các trường ĐH về địa phương, cùng địa phương tổ chức thi là trách nhiệm của các trường nữa. Tôi có cảm giác 2 năm vừa rồi, việc bố trí cán bộ làm công tác thi ở địa phương không được một số trường đại học, cao đẳng quan tâm đúng mức, nhiều trường không cử giảng viên mà cử nhân viên làm nhiệm vụ coi thi. Như vậy sẽ không đảm bảo tính nghiêm túc.

Bộ nên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài việc phân công cho các trường ĐH làm nhiệm vụ thanh tra ở địa phương, nhất thiết trong các đoàn thanh tra của địa phương, ít nhất phải có một người của Bộ. Chúng ta không phải không tin các thành viên của các trường ĐH, nhưng dẫu sao, các thành viên trong đoàn thanh tra kiểm tra thì rõ ràng khi tác nghiệp, thực hiện công vụ đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy với xã hội hơn.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Giám sát chặt chẽ khâu chấm thi

Tại Thanh Hóa, năm 2018 và những năm trước đây, tỉnh đều làm rất nghiêm túc ở tất cả các kì thi, đặc biệt kì thi THPT quốc gia để làm sao đánh giá thực chất việc dạy và học trong nhà trường và không chạy theo bệnh thành tích.

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo ngành là chúng tôi không lấy bệnh thành tích để gây áp lực với các nhà trường. Chính vì vậy, từ khâu chỉ đạo thi, tỉnh đã chỉ đạo rất nghiêm túc, có sự chỉ đạo chặt chẽ của các huyện, thị, thành phố cũng như các trường ĐH, đặc biệt là lực lượng PA83 tỉnh đã giúp ngành rất nhiều trong khâu chỉ đạo và triển khai các kì thi.

lanh dao cac so gddt hien ke cho ky thi thpt quoc gia
Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa

Sau mỗi kì thi, chúng tôi đều tổ chức họp, đánh giá, rút kinh nghiệm những gì đạt được và không đạt được của năm trước, đặc biệt những việc cần phê bình, rút kinh nghiệm đối với cán bộ làm thi để năm sau không mắc phải sai phạm trước.

Theo tôi, để có một kỳ thi tốt quan trọng nhất vẫn là chỉ đạo sát sao của người đứng đầu ngành GD địa phương - giám đốc Sở GD&ĐT. Mặc dù là phân công trách nhiệm cho các phó giám đốc ở các khâu, khâu coi thi, chấm thi, nhưng giám đốc Sở cũng phải là người chịu trách nhiệm, làm sao để nâng cao nhận thức cho tất cả các hiệu trưởng, những người làm thi của các cơ sở giáo dục cho đến cán bộ các phòng ban sở cho đến giáo viên. Để ai cũng nhận thức rằng, nếu như chỉ cần làm sai, tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến kết quả cả kì thi và dẫn đến hậu quả rất xấu với xã hội, đặc biệt với học sinh.

Tôi cho rằng, đến giai đoạn 2018-2020 chúng ta vẫn nên ổn định kì thi THPT quốc gia như hiện nay. Để hoàn thiện kỳ thi năm 2019, tôi đề xuất một số vấn đề như sau:

Trước hết là hoàn thiện khâu đề thi, bộ ngân hàng đề làm sao đánh giá được kiến thức và năng lực, trình độ của học sinh, tránh đòi hỏi cao quá hoặc dễ quá.

Về khâu coi thi, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, vẫn nên có sự phối hợp với các trường đại học, mỗi điểm thi nên có ít nhất có 3 trường, trong đó có trường đại học của trung ương, địa phương, trường THPT để giảng viên, giáo viên các trường khi làm nhiệm vụ coi thi có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, tránh chủ quan.

Khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách, để làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.

Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người. Nếu quy trình không xác định rõ nhận thức của người làm thi thì cũng sẽ nảy sinh tiêu cực. Nên điều quan trọng nhất là trước khi kì thi diễn ra, chúng ta phải quán triệt các quy định, quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao không có sự tiêu cực ở trong mỗi một khâu.

Tôi cho rằng, không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương. Vì trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ các quy định, quy chế, có thể lắp thêm camera giám sát ở các điểm chấm nhằm hạn chế bớt tiêu cực. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ, thanh tra Sở và PA83, đặc biệt là lực lượng công an có nghiệp vụ để phát hiện được các hành vi gian dối của cán bộ chấm thi.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng: Chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm tập trung

Với tư cách là giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, dưới góc nhìn của chúng tôi, kì thi THPT quốc gia 2018 có những thành công nhất định. Thứ nhất là công tác triển khai, công tác tổ chức, công tác tập huấn, thanh tra và các khâu của quá trình coi thi, chấm thi, giám sát khá bài bản. Nếu không có sự cố đáng tiếc do việc cố ý vi phạm của một số cá nhân thì chắc chắn kì thi vừa qua rất thành công.

Để năm 2019 được tốt hơn, theo chúng tôi, nên tiếp tục có một số kiến nghị với Bộ GD&ĐT.

lanh dao cac so gddt hien ke cho ky thi thpt quoc gia
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng

Trước hết tổng thể rà soát toàn bộ các thông tư hướng dẫn về công tác thi, trong đó có các quy trình, công tác nghiệp vụ, công tác kĩ thuật và các điểm yếu khác mà qua việc tổng rà soát chúng ta đã phát hiện ra.

Sở đề nghị Bộ ổn định thời gian thi. Khi ổn định tương đối thời gian thi từ 24-27/6 như năm vừa qua, các Sở trên cơ sở đó chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tổng kết năm học, ôn tập, kế hoạch thi thử, đồng thời thực hiện song hành với công tác tuyển sinh lớp 1, 6, 10 đầu cấp ở địa phương.

Thứ hai, về cấu trúc đề thi, đề thi năm nay khá ổn, chỉ chú ý thêm 2 môn là Ngoại ngữ và Lịch sử để làm sao có phổ điểm tương đối đẹp, đồng bộ như các bộ môn Toán, Lý, Sinh học…

Việc phối hợp giữa Sở và trường đại học cần gắn chặt hơn nữa; có thể thay đổi, không phải là trường đại học đứng trên địa bàn phối hợp với các sở địa phương mà có thể hoán đổi dưới nhiều hình thức khác nhau để luôn tạo sự mới mẻ, sự giám sát lẫn nhau được tốt hơn.

Đề nghị Bộ thay đổi điều kiện xét đặc cách với các em thí sinh chẳng may bị tai nạn về giao thông, hoặc đau ốm không mong muốn. Quy định hiện nay, các em được miễn giảm khi có điểm bài thi của tất cả các môn đã thi phải trên 5, nếu trước đây thì phù hợp, nhưng nay khi chúng ta vừa lấy điểm để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển đại học thì mức điểm trung bình chung của học sinh cả nước ở nhiều môn dưới 5 điểm. Nên chúng ta cần thay đổi, có thể môn điểm thi của thí sinh cộng với điểm học của các em chia 2; hoặc chúng ta so sánh với điểm trung bình chung của thí sinh cả nước sau khi chấm thi xong để ấn định điểm làm điều kiện để xét tuyển đặc cách với học sinh.

Việc các phiếu trả lời trắc nghiệm có thể không nhất thiết phải đưa tất cả các bộ môn tổ hợp vào một phiếu. Thực tiễn làm công tác thi, chúng tôi thấy phần này cũng gây nên phiền toái cho giám thị giám sát, đồng thời là kẽ hở cho thí sinh có thể sau thời gian thi hết môn các em lại hỏi các bạn có trình độ khá hơn, để vào môn thi thứ 2 các em lấy phiếu tổng hợp đó tiếp tục chỉnh sửa và không giám sát được. Như vậy, với mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác. Làm như vậy sẽ tạo thoải mái hơn cho giám thị và tạo nên tính nghiêm túc cho kì thi.

Về một số ý kiến cho rằng có nên chấm thi trắc nghiệm theo cụm, hoặc chấm chéo, tôi cho rằng đây hoàn toàn là vấn đề kĩ thuật và Bộ có thể chỉ đạo cho Sở làm vì chúng ta đã từng làm.

Chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm tập trung rất thuận lợi khi chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất, chúng ta chỉ hoán đổi các thành viên về mặt kĩ thuật xử lý bài thi chéo nhau và chúng ta yên tâm là kết quả chính xác. Thi trắc nghiệm bản thân nó là kết quả luôn chính xác, nếu không có sự can dự một cách có chủ ý của người làm công tác chấm thi.

Về tự luận, trước đây, một số năm chúng ta tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh thành. Nay đảm bảo khách quan tuyệt đối, Bộ trở lại việc tổ chức chấm chéo cũng không gây khó khăn gì. Vấn đề là chúng ta cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý.

Đối với đội ngũ thanh tra ủy quyền của Bộ, trong đó có thành viên từ trường đại học, theo tôi cần phải tiếp tục nâng cao về nghiệp vụ, đặc biệt là ý thức trách nhiệm. Chúng ta cần hiểu, kì thi này không phải là của Sở GD&ĐT mà đó là cuộc thi của ngành Giáo dục, hiểu như thế để có sự cộng đồng trách nhiệm và nếu như có lỗi xảy ra thì phải cộng đồng chịu trách nhiệm về lỗi đó.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long: Chú trọng lựa chọn người có tâm với nghề

Những đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh. Cách ra đề và hình thức thi đã làm chuyển biến mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong nhà trường, hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

lanh dao cac so gddt hien ke cho ky thi thpt quoc gia
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long

Thi THPT quốc gia không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục mà là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Vì thế việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và đây là trách nhiệm của các địa phương. Hiện nay, các trường ĐH, CĐ tự chủ trong xây dựng phương án tuyển sinh. Dựa trên các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giảng viên… các trường có thể chọn xét tuyển, hay tự tổ chức thi tuyển. Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh.

Do đó tôi đề nghị Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn do các tỉnh chủ trì với hình thức tổ chức thi hiện nay. Các đại học sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển nên phải có trách nhiệm tham gia để cùng địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, tôi xin đề xuất một số nội dung đối với công tác này cụ thể như sau:

Thứ nhất, Bộ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia; tập trung bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra đề thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.

Cần công bố sớm nội dung chương trình thi THPT Quốc gia năm 2019 ổn định như năm 2018 là có cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 nhưng cần xác định khối lượng chuẩn kiến thức lớp 11 để học sinh và giáo viên định hướng tốt hơn, giảm áp lực cho học sinh (học thêm, học trước chương trình...). Bởi lẽ, mục đích chính của kỳ thi là để xét tốt nghiệp, nếu không cân đối tốt 2 mục tiêu này và nếu quá chú trọng vào mục đích của kỳ thi để xét tuyển đại học kỳ thi vẫn sẽ gây nhiều áp lực đối với thí sinh và xã hội.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện quy trình chấm thi. Thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực, quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm và phương án phân công chấm thi theo nhóm tỉnh hoặc khu vực do Bộ GD&ĐT ban hành và được bảo mật cho đến thời điểm phù hợp mới công bố (thời điểm công bố trước thời điểm bàn giao bài thi về địa điểm chấm không nhiều).

Tổ chấm trắc nghiệm tiếp nhận đề thi từ các Hội đồng thi; cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm và lực lượng thanh tra, giám sát phải được cách li hoàn toàn với bên ngoài kể từ lúc tiếp nhận bài thi từ các Hội đồng thi (hoặc từ khi được tập trung; thời gian tập trung bao gồm thời gian tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi và thời gian chấm thi) đến khi công bố kết quả thi tạm thời (hoặc đến khi gửi dữ liệu xử lí bài thi gốc về Bộ GD&ĐT: CD2).

Các nội dung khác vẫn giữ ổn định như kì thi năm 2018 nhưng có cải tiến ở một số khâu còn hạn chế được phát hiện như: Cải tiến phần mềm chấm trắc nghiệm, quy định bộ phận nhập điểm và kiểm dò điểm sau khi nhập. Đối với bài thi tự luận thì đề nghị vẫn giao cho địa phương chấm thi nhưng thống nhất tổ chức đánh phách 1 vòng và cách li Ban làm phách hoàn toàn từ lúc làm nhiệm vụ đến lúc chấm xong bài thi cuối cùng (song song đó là tăng số lượng cán bộ chấm thi tự luận)

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở để có kỳ thi chất lượng.

Thứ tư, lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi phải là người có tinh thần trách nhiệm cao; được tập huấn đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ. Theo tôi cần đặc biệt quan tâm việc lựa chọn nhân sự nhất là liên quan đến các bước của quy trình chấm thi. Phải là người có tâm nghề nghiệp, luôn tâm huyết và tuân thủ những chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp, nhận thức đúng về giá trị lao động, có ý thức chấp hành pháp luật tốt và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt quan trọng là vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát để có giải pháp xử lý kịp thời.

lanh dao cac so gddt hien ke cho ky thi thpt quoc gia

Bộ GD&ĐT: “Sẽ duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020”

Sáng 17/9, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng với sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo, đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và giám đốc 63 Sở GD&ĐT.

lanh dao cac so gddt hien ke cho ky thi thpt quoc gia

Thi THPT quốc gia 2019: Sẽ không để địa phương tự chấm bài tại tỉnh mình

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra" được tổ chức sáng 13/9.

lanh dao cac so gddt hien ke cho ky thi thpt quoc gia

Bộ GD&ĐT: "Sách của GS Hồ Ngọc Đại được đánh giá chuẩn kiến thức, kỹ năng"

Trước những phản ứng trái chiều của dư luận về sách của GS Hồ Ngọc Đại, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã cung cấp với báo giới những thông tin cần thiết.

Huy An

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...