“Làn gió mới” cho hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ

09:06 | 10/09/2023

175 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam lần này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào công nghệ và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực của Việt Nam.

Theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10/9/2023 đến ngày 11/9/2023.

“Làn gió mới” cho hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ | Quốc tế
Kim ngạch thương mại Việt – Mỹ trong các năm qua. Nguồn: TCHQ

Trục chính thương mại, đầu tư

Tròn 10 năm từ khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, hai nước đã tập trung vào 9 lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, môi trường và sức khỏe, vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng - an ninh, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, văn hóa, du lịch và thể thao.

Trong đó, điểm sáng nhất là thương mại và đầu tư. Trong vòng 1 thập kỷ qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt- Mỹ đã tăng hơn 4,2 lần từ 29 tỷ USD lên 123 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam.

Nhu cầu lớn và thị hiếu tiêu dùng phong phú mở ra rất nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam hiện diện tại thị trường Mỹ. Cùng với đó, số lượng kiều bào tại Mỹ là nền tảng vững chắc làm cầu nối giúp doanh nghiệp Việt từng bước giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

“Làn gió mới” cho hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ | Quốc tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện tại, tất cả nhóm hàng hóa chủ đạo do Việt Nam sản xuất đều có mặt tại Mỹ, điển hình như: dệt may, gỗ, nông thủy sản, giày dép, máy vi tính, linh kiện điện tử,… Dù độ phủ hàng hóa Việt Nam tại Mỹ khá rộng nhưng thiếu chiều sâu, ít lĩnh vực mới. Đây chính là dư địa để cộng đồng kinh tế hai nước tiếp tục làm sâu sắc thêm.

Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế đến tháng 6 năm nay, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,73 tỷ USD với hơn 1.200 dự án, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Giáo sư Carlyle Alan Thayer - Học viện Quốc phòng Australia cho rằng: “Thương mại và đầu tư vẫn là cốt lõi của mối quan hệ song phương Việt- Mỹ. Mỹ muốn tìm chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn và linh hoạt từ Việt Nam, trong khi Việt Nam tìm kiếm nguồn đầu tư lớn hơn và tiếp cận thị trường Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động”.

“Làn gió mới” cho hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ | Quốc tế
5 nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất năm 2022. Nguồn: TCHQ

Kỳ vọng gì trong tương lai?

Sau đại dịch COVID-19, Việt Nam là điểm đến của nhiều quan chức hàng đầu Mỹ, đây là một biểu hiện sinh động của Mỹ trong chiến lược dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng đối tác tại Đông Nam Á. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen xác định: “Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.

Điều này được chứng minh từ các khoản đầu tư rất lớn của Intel, Cargill, Coca-Cola… tại Việt Nam. Đặc biệt sau khi Mỹ và một số nước châu Âu “siết” đầu tư công nghệ bán dẫn vào Trung Quốc, cú “bẻ lái” này có thể mang đến cho Việt một vị trí đặc quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ và đối tác.

Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực an ninh mạng, kinh tế số, dư liệu lớn,... đây là tiềm năng để tiếp tục mở rộng quan hệ song phương Việt- Mỹ. Meta, Alphabet, Amazon hoàn toàn có thể mở máy chủ khu vực tại Việt Nam, nếu “cú hích” này thành công sẽ mang đến cho Việt Nam vị thế hoàn toàn khác tại châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Mỹ là quốc gia khởi xướng cam kết COP26, Việt Nam là thành viên tích cực cùng hàng trăm quốc gia ký cam kết giảm phát thải về 0 đến năm 2050. Sự tương thích về quan điểm chống biến đổi khí hậu là điều kiện để các tập đoàn năng lượng tái tạo Mỹ tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam để cùng đạt được mục tiêu chung.

Ngoài ra, Việt Nam trải qua nhiều biến cố lịch sử phức tạp để lại “vết thương” chưa lành về mặt xã hội, con người, môi trường. Do vậy, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã, đang và sẽ là nhà tài trợ lớn cho Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, làm sạch môi trường, xây dựng cơ sở vật chất dân sinh.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước liên tục tăng với tốc độ khoảng 20% cho thấy dư địa hợp tác và tính bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế là rất lớn. Việt Nam mong muốn tiếp cận thị trường rộng lớn của Mỹ, cả về nguồn vốn, khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý… Trong khi các doanh nghiệp Mỹ muốn tiếp cận thị trường Việt Nam và mong muốn có những cải cách sâu rộng hơn để môi trường hợp tác kinh doanh đầu tư tại Việt Nam hấp dẫn hơn. Đây là điểm mà hai bên có thể tham vấn để tìm giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Việt Nam và Mỹ dự kiến ký nhiều thỏa thuận, hợp đồng trị giá hàng tỷ USD

Việt Nam và Mỹ dự kiến ký nhiều thỏa thuận, hợp đồng trị giá hàng tỷ USD

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai bên dự kiến ký kết nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế quan trọng có thể trị giá hàng tỷ USD.