"Làm giá" trứng gia cầm: Nợ người tiêu dùng một lời xin lỗi!
Ngày 18/1, Sở Công Thương và Sở Tài chính TP HCM họp báo công bố kết quả giải quyết vụ việc Công ty CP (Đồng Nai) và Emivest (Bình Dương) liên tục tăng giá trứng gia cầm trong thời gian qua, tạo nên cơ sốt ảo mặt hàng trứng, gây biến động thị trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chỉ từ ngày 9 – 11/1, giá trứng gia cầm đã bị đẩy lên 8.000 đồng/chục, tăng gần 40%. Theo đó, Công ty CP đã tăng giá bán trứng thêm 8.500 đồng/chục, Công ty Emivest cũng tăng giá khoảng 7.000 đồng/chục.
Thời điểm này, sức mua trên thị trường không tăng đáng kể nhưng sức mua tại các siêu thị và nơi cung cấp mặt hàng trứng gia cầm bình ổn giá, sức mua tăng đột biến. Điều này cho thấy có hiện tượng thu gom hàng bình ổn đem ra thị trường để bán lại với giá cao, khiến các siêu thị phải áp dụng biện pháp hạn chế lượng bán (1 khách hàng chỉ được mua tối đa 2 vỉ 10 trứng/ngày).
Việc tăng giá bất hợp lý của CP và Emivest thời gian qua đã gây xáo trộn thị trường trứng gia cầm
Trước tình hình thị trường trứng gia cầm trên địa bàn TP HCM bị xáo trộn, Sở Công Thương TP HCM đã làm việc gấp với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mặt hàng gia cầm lớn trong và ngoài Chương trình Bình ổn thị trường và hệ thống phân phối là các siêu thị lớn trên địa bàn để nắm lại tình hình sản xuất, cung ứng mặt hàng trứng gia cầm, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất tập trung, tăng cường cung ứng hàng vào hệ thống phân phối bình ổn thị trường.
Các siêu thị cũng chia sẻ khó khăn với nhà cung cấp bằng cách không nhận chiết khấu mặt hàng trứng gia cầm để giữ ổn định giá bán và không nhận mặt hàng trứng gia cầm của các doanh nghiệp tự ý tăng gia bán không hợp lý.
Ngoài ra, chiều 14/1 và 16/1, Đoàn công tác của các sở ngành TP HCM cùng Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã đến làm việc với Công ty CP và Công ty Emivest để làm rõ nguyên nhân tăng giá trứng gia cầm một cách đột biến.
Trong phần giải thích nguyên nhân tăng giá bán, cả 2 đơn vị đều viện lý do mất cân đối cung cầu. Tuy nhiên, qua số liệu và bằng chứng xác thực của Đoàn công tác về tình hình cung cầu vẫn ổn định, chi phí sản xuất, giá thức ăn gia súc, giá thu mua trứng của người nông dân không tăng… thì cả 2 doanh nghiệp đều đã thừa nhận việc nâng giá trứng gia cầm thời gian qua là sai trái, đồng thời cam kết thực hiện theo các yêu cầu của Đoàn công tác.
Đến ngày 18/1, Công ty CP, đã điều chỉnh giảm giá bán trứng xuống còn 21.000 đồng/chục, thấp hơn so với lúc tăng giá ban đầu là 500 đồng/chục. Riêng Công ty Emivest cam kết hạn chót 19/1 sẽ thực hiện giảm giá bán xuống bằng mức thường ngày và đến ngày 18/1, công ty này cũng đã giảm giá bán xuống còn 21.200 đồng/chục.
Mặc dù, Công ty CP đã giảm giá bán nhưng Hệ thống siêu thị Co.op Mart vẫn không nhận hàng của Công ty CP. Bà Bùi Thị Hạnh Thu – Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op cho rằng: Không có nguồn trứng gia cầm của Công ty CP, hệ thống siêu thị Co.op Mart vẫn đảm bảo nguồn trứng gia cầm đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Công ty CP nợ người tiêu dùng Việt Nam một lời xin lỗi. Co.op mart vẫn đang chờ động thái của CP trong việc đứng ra xin lỗi người tiêu dùng, trước khi xem xét việc tiếp tục nhập hàng của Công ty CP.
Hiện nay thị trường đã trở lại bình thường, cơn sốt trứng gia cầm đã nhanh chóng bị “dập tắt”. Tuy nhiên, sắp tới, Cục quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương sẽ có quyết định thanh tra Công ty CP và Emivest, để xác định mức độ vi phạm và xử lý theo đúng Luật Cạnh tranh.
Mai Phương
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng