Lại chuyện bản quyền

08:10 | 25/10/2011

580 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện vi phạm bản quyền đã hơn một lần ầm ĩ trong dư luận. Đã có những vụ khiếu kiện dài dài nhưng xem ra vẫn chưa đủ độ răn đe. Thế nên, mới đây một số trang web lại  ngang nhiên "qua mặt" chủ nhân của album Bộ đội  ca sĩ Thái Thùy Linh để tải những ca khúc của cô lên mạng, cho người sử dụng nghe, tải miễn phí.

Trớ trêu ở chỗ album Bộ đội của Thùy Linh, giọng hát nổi lên từ cuộc thi "Sao mai điểm hẹn” ra mắt tháng 1 và đầu tư số tiền lên tới 250 triệu đồng thế mà chỉ sau đó không lâu, các trang mạng đã khai thác, “đẩy” lên mạng để người sử dụng nghe, tải miễn phí một cách vô điều kiện. Thậm chí, lượng nghe, tải đã lên đến 700 trăm nghìn lượt. Trong khi tính tới tháng 6, ca sĩ Thái Thùy Linh chỉ bán được vẻn vẹn 300 bản. Có ý kiến cho rằng, vì album Bộ đội nghe ấn tượng quá do các ca khúc nhạc đỏ được phối lại theo phong cách rock nên tải lên mạng cũng là một cách quảng bá cho album. Tuy nhiên, đó chỉ là một cách biện minh vụng về bởi chủ nhân của nó đã lao tâm khổ tứ, đầu tư công – sức để cho ra đời đứa con tinh thần của mình. Việc giới thiệu, “tiếp thị” đến người nghe như thế nào phải do ca sĩ, nhân vật chính của album ấy quyết định chứ không phải người “ngoài cuộc”. Cho nên việc làm này của các trang web khác nào “ốc mò cò xơi”!

Để bảo vệ tác quyền của mình, nữ ca sĩ của "Sao Mai điểm hẹn” đã quyết định thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để kiện các trang web vi phạm bản quyền. Và cô là ca sĩ Sao Mai đầu tiên khiếu kiện đòi tác quyền trong lĩnh vực nhạc mạng. Trước đó, Mỹ Tâm – nữ ca sĩ với chất giọng trầm ấm, mượt mà nổi tiếng với những ca khúc “Nhé anh”, “Cây đàn sinh viên”, “Họa mi tóc nâu”… cũng đã kiện cáo các đơn vị viễn thông tự tiện bán nhạc của cô làm nhạc chuông, nhạc chờ và thành công khi đòi họ được được khoảng 1 tỉ đồng tiền tác quyền.

Album Bộ đội - Ca sĩ Thái Thùy Linh

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đơn khiếu kiện của Thùy Linh và nhận được sự ủy quyền của cô, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã 2 lần gửi công văn đến 8 trang web vi phạm nghiêm trọng nhất gồm: nhacso.net, nhacvui.vn, nhaccuatui, mp3.zing.vn, mp3.xalo.vn… Tuy nhiên, chỉ 5 trong số 8 trang web đó công nhận có sai phạm và đề nghị được bồi thường sau khi đã thương thuyết giữa đôi bên. 3 trang web còn lại là showbiz.xzone.vn, mp3zing.vn và yeucahat.com thì không có hồi âm gì. Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nếu tới đây 3 website này vẫn giữ thái độ im lặng họ sẽ đưa ra pháp luật. Mức bồi thường mà Thái Thùy Linh đưa ra sau khi tiếp nhận đề nghị được bồi thường của các trang web là 500 đồng/lượt. Tính ra với khoảng 700 nghìn lượt nghe và tải, Thái Thùy Linh có khả năng được đền bù 350 triệu đồng. Thế nhưng theo luật sư đại diện cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc khả năng tiền bồi thường có thể hơn thế bởi chưa cần tải, chỉ cần có người nghe trên trang là đã có thể tính tiền trang web, ngay cả khi người nghe được nghe, tải miễn phí. Với mức bồi thường này, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, không có ý kiến gì bởi không có luật hay chế tài nào quy định mức bồi thường, vì vậy đòi bao nhiêu hoàn toàn là do “chủ nhân” của album Bộ đội quyết định.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng cho biết thêm: Thái Thùy Linh không phải ca sĩ đầu tiên thông qua trung tâm dưới hình thức ủy quyền để đòi bảo vệ bản quyền mà nhiều nghệ sĩ trong đó nhạc sĩ đương nhiên là đối tượng được bảo vệ, có cả ca sĩ vì quyền lợi liên quan đến tác quyền của họ như quyền của người đồng sản xuất, của người biểu diễn bị vi phạm nghiêm trọng. Riêng với trường hợp của Thái Thùy Linh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tiếp nhận ngay sự ủy quyền bởi vụ việc này có sự vi phạm kép – tác quyền của nhạc sĩ và của người sản xuất, biểu diễn.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, luật quy định sai phạm này chỉ xử lý hành chính với mức phạt tối thiểu là 8 triệu đồng. Mà mức phạt ấy thì không đủ sức răn đe, ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm. Đại diện của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhấn mạnh: “Phải thay đổi chế tài thì may ra mới ngăn chặn được tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan”.

Trả lời Báo Năng lượng Mới, ca sĩ Thái Thùy Linh cho biết, để bảo vệ quyền lợi của mình đồng thời “mở đường” cho những ca sĩ khác trong việc chống lại hành vi vi phạm bản quyền, cô quyết tâm theo kiện đến cùng. Trước khi ra mắt "Bộ đội 2″, cô cũng sẽ nhờ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tư vấn, hỗ trợ để album phát hành một cách hiệu quả nhất mà không bị “ăn cắp” bản quyền.

Thực ra vụ khếu kiện của ca sĩ Thái Thùy Linh không biết có thắng lợi và đòi được khoản tiền bồi thường mong muốn như ca sĩ Mỹ Tâm đòi với các công ty viễn thông hay không. Nhưng rõ ràng nó đóng góp rất lớn vào việc xây dựng ý thức phải biết tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện nghiêm túc luật định về quyền tác giả, tác phẩm mà bấy lâu nay chúng ta đang lơ là, lãng quên một cách thiếu ý thức. Và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan không chỉ trong âm nhạc mà nhiều lĩnh vực khác nói chung hiện nay. Cũng từ vụ việc này cho thấy không nên chỉ có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mà cũng cần phải thành lập một tổ chức bảo vệ quyền lợi của người biểu diễn. Bởi trong vi phạm kép của các trang web như đã nêu trên, nếu không có sự vi phạm về tác quyền của nhạc sĩ, thì theo chức năng, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng khó sử dụng danh nghĩa của mình để bảo vệ quyền lợi của ca sĩ. Cho nên để hoạt động âm nhạc được chuyên nghiệp, cần phải thành lập những tổ chức bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

Hà – Anh