Lại bàn về mấy từ CÁI

08:33 | 04/02/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Nhân chuyện từ “cái” trên hai số Năng lượng Mới gần đây, tôi mạn phép hỏi cho triệt để: Chữ “cái” mà ông giảng là “mẹ” (?) có liên quan đến chữ “cái” trong “chó cái, bò cái, v.v…” hay không? Có phải đó cũng là chữ “cái” trong tôn hiệu của “Bố Cái Đại Vương”? Trong danh ngữ “con cái” thì “cái” có phải là “mẹ”? Và trong câu tục ngữ “Vợ cái con cột” thì “cái” nghĩa là gì? Xin trân trọng cảm ơn ông. Nguyễn Hữu Phước (Bà Chiểu, TP HCM)

Học giả An Chi: Qua câu hỏi, có vẻ như như ông cũng chưa tin rằng, chữ “cái” từng có nghĩa là “mẹ”? Thực ra, đây là một cái nghĩa chính xác mà nó đã có trong quá khứ nhưng vì nghĩa đó nay không còn được dùng nữa nên nó mới được gọi là từ cổ. Từ điển từ cổ của Vương Lộc (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001) và Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện (NXB Văn hóa thông tin, 2001) đều có ghi nhận từ này với nghĩa đã nói. Quyển trước cho thí dụ:

- Nàng lui về nuôi cái cùng con (Nguyễn Công Trứ - Gánh gạo nuôi chồng).

- Tháng ba ngái mọc, cái con tìm về (Ca dao).

- Con dại cái mang (Tục ngữ).

Quyển sau cho thí dụ lấy trong Quốc âm thi tập của Nguyên Trãi:

- Ủ ấp cùng ta làm cái con.

Cứ như trên thì hiển nhiên “cái” là một từ cổ, có nghĩa là “mẹ”. Nhưng chúng tôi thì cho rằng, cái từ cổ này tuyệt nhiên không liên quan gì đến chữ “cái” trong “Bố Cái Đại Vương” cả; đơn giản là vì, theo chúng tôi thì, ở đây, “cái” chẳng những không có nghĩa là “mẹ”, mà cũng chẳng phải là một từ Nôm (vẫn mặc nhiên được cho là “thuần Việt”). Nguyễn Tài Cẩn đã có một bài viết có vẻ như rất chặt chẽ, trong đó ông đã phải tận dụng kiến thức uyên bác của mình để bào chữa rằng, ở đây Nôm (“Bố Cái”) vẫn có thể đi chung với Hán (“Đại Vương”) có lẽ là vì ông mặc nhận rằng, trong Hán ngữ thì hai từ “bố” [布] và “cái” [蓋] không đi chung với nhau để tạo thành tổ hợp “bố cái” [布蓋]. Nhiều người khác có vẻ như cũng mặc nhận điều này. Còn chúng tôi thì cho rằng, chính vì hai từ này vẫn đi chung với nhau một cách đẹp đôi trong quá khứ nên ta mới thấy chúng có mặt và đối nhau chan chan chát trong thành ngữ “bố thiên cái địa” [布天蓋地], mà Hán Đại thành ngữ đại từ điển (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, in lần thứ 2, Thượng Hải, 1997) giảng là “hình dung số lượng cực đa, tán bố diện cực quảng”, nghĩa là “tả số lượng cực nhiều, phân bố trên một diện cực rộng” (đến mức “rải đầy trời”, “che khắp đất”). Và theo chúng tôi thì “bố cái” [布蓋] là một từ tổ nếu không phải đồng nguyên thì cũng là đồng nghĩa với “phú cái” [覆蓋]. Cái nghĩa gốc đó là “che đậy”, “phủ lên” (“phủ” chính là điệp thức [doublet] của “phú” [覆]) còn ngày nay thì nó đã bị thu hẹp để gần như trở thành một thuật ngữ nông nghiệp. Ngữ cảnh và điều kiện ngữ nghĩa như thế này khiến ta liên tưởng đến thành ngữ “thiên phú địa tải” [天覆地載] là “trời che đất chở” (do đó mà tiếng Việt mới có từ tổ “che chở”) và từ tổ “cái thế” [蓋世] trong thành ngữ “cái thế anh hùng” [蓋世嬰雄]. Với sự quấn quýt về ngữ nghĩa như thế này, ta có thể hiểu “bố cái” là “che trùm” và “Bố Cái Đại Vương” là “Vị vua lớn che chở cho thần dân của mình”, đúng với tâm thức và sự tôn vinh của nhân dân.

Vậy thì, với chúng tôi, “cái” trong “Bố Cái Đại Vương” là một hình vị Hán Việt, có nghĩa là “che, trùm”, chứ không có nghĩa là “mẹ”, cũng chẳng phải một từ Nôm. Mà trong “con cái” thì nó cũng chẳng có nghĩa là mẹ, đơn giản là vì trong các danh ngữ đẳng lập chỉ vai vế trong gia đình thì từ chỉ thế hệ trên luôn luôn đứng trước từ chỉ thế hệ dưới hoặc người sinh sau: ông cháu, bà cháu, cha con, mẹ con, chú cháu, cô cháu, anh em, chị em, v.v... Vậy “cái” ở đây là cái gì? Trên Kiến thức Ngày nay số 391 (20-6-2001), chúng tôi đã trả lời ngắn gọn:

“Trong “con cái” thì “con” là con trai và “cái” là con gái. Vậy “con cái” là một ngữ danh từ đẳng lập đồng nghĩa và tương tự về cấu trúc với ngữ danh từ “tử nữ” (tử: con trai, nữ: con gái) của tiếng Hán. “Con” vốn có nghĩa là... con, nghĩa là cả con trai lẫn con gái, nhưng hẳn là sau đó phải có một thời từ này dùng để đặc chỉ con trai (giống như “tử” vốn cũng có nghĩa là con (trai hoặc gái) lại được dùng để chỉ riêng con trai) do quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai rằng có, mười gái rằng không) chăng? Còn “cái” thì, xét về lịch sử, chẳng qua chỉ là một điệp thức (doublet) của “gái” mà thôi”.

Chỉ có ở thí dụ “Tháng ba ngái mọc, cái con tìm về” trong Từ điển từ cổ thì “cái” mới thực sự có nghĩa là mẹ và ở đây, “cái con” mới chính là mẹ con, hoàn toàn đứng với tập quán ngôn ngữ ứng dụng cho các danh ngữ đẳng lập chỉ vai vế trong gia đình, như đã nói trên kia. Còn chữ “cái” là “mẹ” có liên quan đến chữ “cái” trong “chó cái, bò cái, v.v…” hay không thì trên Kiến thức Ngày nay số 197 (10-1-1996), chúng tôi đã trả lời ngắn gọn:

“Cái”, tính từ, đối nghĩa với “đực” và đồng nghĩa với “mái”, là do danh từ “cái” (= mẹ) chuyển nghĩa mà thành. Sự chuyển nghĩa này của danh từ “cái” cũng giống hệt như của danh từ “mẫu” [母] là mẹ trong tiếng Hán mà Từ Hải đã ghi nhận: “Cầm thú chi tẫn giả diệc viết mẫu” [禽獸之牝者亦曰母] (Con cái [hoặc mái] của loài cầm thú cũng gọi là “mẫu”).

Vậy trong tiếng Việt, “cái” là mẹ còn có nghĩa đối với “đực” thì cũng cùng một cái lý như trên. Nhưng còn “cái” trong “Vợ cái con cột” thì là cái gì? Từ điển thành ngữ - tục ngữ - ca dao Việt Nam của Việt Chương (NXB Đồng Nai, 1995) đã giảng:

“Vợ con chẳng khác nào dàn cột chính trong một căn nhà, nên người chồng có trách nhiệm với gia đình phải thương yêu, đùm bọc, che chở hết lòng hết dạ. Người nào mà phụ rẫy vợ con là người táng tận lương tâm, bị người đời lên án”.

Qua lời giảng, ta có thể thấy được rằng, tác giả đã mặc nhiên hiểu “cái” ở đây có nghĩa là “chính” và đã đem nó đối với “cột” mà giảng “vợ cái con cột” thành “dàn cột chính trong một căn nhà”. Đây là một lời giảng khó chấp nhận vì “cái” là tính từ nên không thể đối với “cột” là danh từ. Truyền thống tiểu đối trong thành ngữ bốn tiếng rất chặt chẽ, có thể là chỗ dựa chắc chắn để ta phủ nhận lời giảng này. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (NXB Văn hóa, Hà Nội, 1989) cũng chẳng tiến bộ gì hơn khi giảng “vợ cái con cột” là “vợ con chính thức”. Việt-Nam tự-điển của Khai Trí Tiến Đức cũng hiểu thành ngữ này trên cơ sở cái nghĩa “chỉ một vật to lớn hơn những vật đồng-loại, hay là cốt-thiết hơn cả”. Thì cũng chỉ là xử lý trên cơ sở đem tính từ (“cái” = chính) mà đối với danh từ (“cột”). Chúng tôi cho rằng, mọi lời giảng xuất phát từ chỗ xem “cột” là danh từ đều đi đến chỗ bế tắc vì, ở đây, “cột” là một động từ. “Con cột” chẳng qua là “con trói buộc (người cha)”. Nhưng “vợ cái” là gì? Chúng tôi đã nhiều lần chứng minh mối quan hệ ngữ âm lịch sử giữa CAI và GIỚI:

- “cai” trong “cai nghiện”, “cai sữa”, v.v..., là âm xưa của chữ “giới”

[戒] là… cai;

- “cái” trong “lạ nước lạ cái” là âm xưa của “giới” [界] là vùng đất giới hạn trong một lằn ranh nhất định;

- “cái” trong “cột cái”, “đường cái”, “sông cái”, v.v…, là âm xưa của chữ “giới” [介] là to, lớn;

- “cái” trong “cái ghẻ” là âm xưa của chữ “giới” [疥] là… ghẻ;

- “cải” trong “cải bẹ xanh”, “rau cải”, v.v…, là âm xưa của chữ “giới”

[芥], nghĩa là… cải.

- “cải” trong “của cải” là âm xưa của chữ “giới” [械], có nghĩa là đồ dùng.

Còn ở đây thì “cái” là âm xưa của chữ “giới” [戒] là khuyên răn. “Vợ cái, con cột” chẳng qua là vợ thì khuyên răn chồng trong những trường hợp quan trọng, còn con thì trói buộc người đàn ông vào trách nhiệm làm cha. Cho nên để xứng đáng với vai trò của bậc trượng phu thì người đàn ông phải biết nghe lời góp ý của vợ trong những trường hợp đặc biệt quan trọng đối với sự an nguy, điều lợi hại, v.v… của gia đình, trong đó có bầy con (xin nhớ rằng, ngày xưa giàu nghèo đều khoái con đàn cháu đống chứ không chỉ “đẻ một đứa” như bên Tàu gần đây). Cấu trúc cú pháp của câu “Vợ cái, con cột” cũng cùng kiểu “D1 - Đ1 // D2 - Đ2” (D = danh từ, Đ = động từ), y hệt câu “Vợ bìu con díu”, trong đó “bìu” và “díu” (đây chính là chữ “díu” trong “dắt díu”) đều là những động từ. Nếu có ai đó cho rằng, ở đây “bìu” là danh từ mà giảng rằng “vợ bìu” là bà vợ có bướu thì… hết chuyện!

A.C