Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản: Mẫu mực và triển vọng

07:00 | 24/09/2013

1,215 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài, không khó để nhận ra, ASEAN đang dần trở thành điểm đến ưu tiên của Nhật Bản. Bởi vậy, với vị trí là đối tác chiến lược, Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi phương thức đón đầu để dòng vốn khổng lồ cũng như công nghệ hiện đại từ Nhật Bản nhanh chóng “thấm” vào nền kinh tế đang cần ngoại lực tác động.

Bài học từ Nhật Bản

Việt Nam là quốc gia được Nhật Bản tài trợ ODA lớn nhất trong tất cả các nước song phương cung cấp ODA. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, khi hết tháng 8/2013, trên 2.000 dự án còn hiệu lực với tổng số tiền đầu tư lên tới trên 33 tỉ USD. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba của chúng ta và hiện tại các nguồn vốn và dự án từ quốc gia này đổ vào Việt Nam vẫn đang không ngừng tăng lên.

Nhờ không phải đầu tư cho quốc phòng trong một thời gian dài, Nhật Bản yên tâm phát triển khoa học - công nghệ trước khi đưa nền kinh tế nước này lên tốp của thế giới. Quốc gia Đông Á đang sở hữu ngành công nghiệp điện tử - dân dụng lớn nhất thế giới, có nền công nghiệp ôtô đứng thứ 3 và thường được xếp hạng trong số các quốc gia tiên tiến nhất, dẫn đầu về bằng sáng chế toàn cầu. Trong khoảng một thập niên trở lại đây, vì phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản tập trung chủ yếu vào công nghệ cao và độ chính xác hàng hóa, chẳng hạn như thiết bị quang học, thiết bị hỗ trợ hành trình vận tải và sản xuất người máy. Trong số tổng sản phẩm quốc nội lên tới 5.500 tỉ USD, sản phẩm công nghệ cao chiếm trên dưới 70%. 

Lắp ráp ôtô tự động tại Nhà máy Mazda

Trong Chiến lược tập trung phát triển vượt bậc các ngành công nghiệp ưu tiên của nước ta vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các ngành điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô được Việt Nam tập trung xây dựng thành những ngành công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế. Chiến lược công nghiệp hóa không thể bỏ qua cái tên Nhật Bản.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, rất nhiều quan hệ hợp tác điển hình trong lĩnh vực này có thể kể đến hợp tác giữa Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam (AGI) và Viện Nghiên cứu hóa - lý (RIKEN) trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam (VAST) với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ; Viện Địa lý với Trung tâm Khoa học và Công nghệ biển Nhật Bản (JAMSTEC) về địa chấn học; hợp tác giữa Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam với Viện Khoa học Vật liệu Nhật Bản (NIMS)...

Ở góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thừa nhận, hiện Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, phải tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững. Tuy vậy, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, việc kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài (đặc biệt là Nhật Bản), các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng công nghệ của bạn bằng hình thức đối tác chiến lược.

Từ hơn 20 năm nay, Việt Nam vẫn tích cực đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo hướng co gọn, tập trung hơn vào lĩnh vực cốt lõi. Quan điểm của Chính phủ là chỉ giữ lại mô hình công ty 100% vốn trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hạ tầng. Còn lại, tùy theo mức độ giảm bớt phần Nhà nước nắm giữ từ 75%, 65% và dưới 65% cổ phần hóa. Đây là nội dung quan trọng nhất, đây cũng là cơ hội cho đầu tư nước ngoài trong quá trình tái cấu trúc.

Thứ nhất, quá trình sắp xếp đẩy mạnh quá trình giảm vốn đây là cơ sở để các nhà đầu tư quan tâm. Thứ hai, quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu khuyến khích thực hiện phương thức Nhật Bản với cơ chế Nhà nước không bơm tiền, mà sử dụng các công cụ tài chính trung gian để xử lý nợ xấu theo hướng làm sao mục tiêu gắn với tái cấu trúc, thêm nhà đầu tư mới, thêm thành phần kinh tế, tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp.

Thị trường đầy hứa hẹn

Trao đổi bên lề Hội thảo mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) Đỗ Xuân Đức cho biết, thị trường Nhật Bản hoàn toàn không cao nếu chúng ta… tinh tế một chút. Người Nhật thực dụng, chấp nhận mạo hiểm và đặc biệt kỷ luật, vì thế khi tiếp xúc doanh nghiệp Nhật Bản lần đầu tiên, doanh nhân Việt Nam nên chú ý những thói quen tưởng chừng rất nhỏ như trao danh thiếp, giới thiệu catalogue và chân thành khi giao thương.

Cũng theo ông Đức, người Nhật đặc biệt cảm tình với Việt Nam, với hàng hóa made in Vietnam. “Đó là lợi thế rất lớn mà không phải hàng hóa quốc tịch nào cũng có được khi đến với đảo quốc này. Nhật Bản đã nâng quan hệ với chúng ta lên một bước tiến mới, trong bối cảnh rất nhiều quốc gia muốn bắt tay với họ trong lúc kinh tế toàn cầu suy thoái. Tất nhiên, họ đến với chúng ta với tư thế cường quốc, nguồn vốn từ Nhật Bản dồi dào, kể cả sức mua lẫn cơ hội đầu tư, tái đầu tư. Nhưng tôi có thể khẳng định, Nhật Bản là người bạn lớn, chung thủy (với điều kiện nguồn cung đầy đủ và đảm bảo chất lượng) và chúng ta phải giữ chặt tấm thịnh tình này”, ông Đức chia sẻ.

Bà Lê Hoàng Oanh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản - ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam đã được tạo sân chơi khá đầy đủ cả về cơ hội lẫn hành lang pháp lý. “Trong bối cảnh dòng tiền bị hạn chế như hiện tại, việc khơi thông thị trường mới là vô cùng khó khăn. Vậy chi bằng chúng ta rà soát lại những bạn hàng lớn, củng cố niềm tin và làm cho thật chất lượng những thị trường truyền thống đó”, bà Oanh cũng đưa ra lời khuyên đối các doanh nghiệp.

Hiện nay khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường này là những tiêu chuẩn khắt khe, mang tính đặc thù kỹ thuật về công - nông nghiệp. Hàng hóa các nước phải đạt được hai tiêu chuẩn này mới được phép lưu thông tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối ở Nhật Bản cũng khá phức tạp; chi phí về xúc tiến thương mại, điều tra thị trường của các doanh nghiệp khi thâm nhập vào thị trường này thật sự cao…

“Các doanh nghiệp Nhật Bản rất có thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam, bản thân tôi thích, đồng nghiệp và đồng bào tôi thích. Thêm nữa, an ninh, chính trị quốc gia các bạn ổn định, văn hóa, tôn giáo tương đồng. Điều cuối cùng mà doanh nhân Nhật Bản tìm thấy lợi ích ở đây, đó là lợi thế lao động rẻ, công nhân ưu tú, cầu thị. Tôi kỳ vọng vào tương lai của thị trường, với quy mô kinh tế thị trường hoàn thiện hơn theo đúng thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng lo lắng về sự thiếu hụt nguồn nhân lực quản lý người bản địa ở cấp trung và cấp cao. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, giải pháp, chính sách thường xuyên thay đổi, thiếu kết hợp giữa các bộ, ngành với địa phương… dẫn tới việc mở rộng đầu tư gặp nhiều khó khăn. Tôi nghe tiến trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã lâu, nhưng vấn đề thời điểm nào và kế hoạch ra sao, lúc nào thì hoàn thành thì chưa có câu trả lời. Thời gian tham gia TPP cũng như những FTA có mặt cả Nhật Bản lẫn Việt Nam đã tới gần, liệu Việt Nam có dồn được niềm tin chiến lược để đón đầu thời điểm đó không?” - ông SATO MOTONOBU - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.


Lê Tùng