IS - Vì đâu nên nỗi:

Kỳ IV: Nhận định của giới chuyên môn

08:32 | 11/09/2014

985 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo ông Hisham al-Hashimi, cố vấn cho các cơ quan tình báo Iraq, IS không phải bỗng nhiên xuất hiện và chúng có khoảng 100.000 tay súng, với khoảng 20.000-50.000 người nước ngoài.

>> Kỳ III: Bỏ qua những cảnh báo

Thành phần của IS gồm các tay súng tới từ nhiều chủng tộc, có gốc Trung Đông, châu Âu, Chechnya, Anh, Bắc Mỹ. Và trong hàng ngũ IS pha tạp nhiều phần tử khủng bố, các nhóm đánh thuê đến từ khắp nơi trên thế giới, qua con đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Iraq bắt được chiến binh nghi là người Trung Quốc

Giáo sư Peter Neumann, thuộc trường Đại học London ước tính, khoảng 80% chiến binh phương Tây ở Syria đã gia nhập ISIS, nay là IS. Nhà phân tích Mohammad Zandy cho rằng, không nghi ngờ về việc nếu ISIS thành công ở Iraq, mục tiêu tiếp theo của họ sẽ là các nước phương Tây.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, mặc dù Mỹ rất đau lòng về vụ nhà báo James Foley bị sát hại, nhưng Washington sẽ không cung cấp tiền chuộc cho IS để giải thoát con tin. Theo cựu Giám đốc CIA Michael Hayden, các vụ không kích của Mỹ ở Syria sẽ loại IS ra khỏi cuộc chiến, nhưng việc IS tấn công phương Tây chỉ là vấn đề thời gian bởi IS có tham vọng và công cụ để thực hiện tham vọng đó. Còn theo ông Michael Morell, cựu Phó giám đốc CIA, video chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley tung lên mạng ngày 20-8 được coi là cuộc tấn công đầu tiên của IS nhằm vào nước Mỹ. Và công nghệ hiện đại đã giúp IS tuyên chiến với Mỹ một cách ngoạn mục khi tung nhiều bức ảnh chụp qua điện thoại thông minh chứng tỏ họ đã có mặt ở Mỹ và sẵn sàng hành động

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers cho rằng, IS đã hoạt động 2 năm mà không gặp trở ngại quan trọng nào và đó là lý do nhiều người Anh và châu Âu, kể cả Mỹ, gia nhập IS. Ngày 31-8, ông Mike Rogers cảnh báo, hàng trăm công dân Mỹ có thể đã tiếp xúc với các phần tử thánh chiến IS ở Syria, đồng thời quan ngại về những nỗ lực nhằm duy trì sự theo dõi đối với những người Mỹ có liên hệ với tổ chức này. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng lo ngại về việc khoảng 500 công dân Anh và vài trăm người Canada được cho là đã đến Syria.

Tên sát thủ áo đen được cho là rapper người Anh Jihadi John (trái) khó bảo toàn tính mạng sau những hành động man rợ của mình

Có báo cáo tiết lộ, chỉ tính riêng trong năm 2013, ISIS (nay là IS) đã thực hiện gần 10.000 hoạt động ở Iraq, 1.000 vụ ám sát, gài 4.000 thiết bị nổ tự tạo và giải thoát hàng trăm tù nhân. Nhiều người coi IS là “con rơi" của Osama bin Laden, nhưng sự tàn bạo của IS từng khiến trùm khủng bố quốc tế phải khiếp đảm. Nhiều người nói rằng, nếu Al-Qaeda dùng máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại New York ngày 11-9-2001 để tuyên chiến với Mỹ, thì hành động man rợ của IS không những tuyên chiến với Mỹ, mà còn nhằm kích động các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan trên thế giới.

Nhận định của nhà nghiên cứu Yasir Qahir, thuộc Viện nghiên cứu Đạo Hồi tại Mumbai, Ấn Độ đang gây tranh cãi khi cho rằng, IS là kết quả của chính sách chia rẽ Hồi giáo do Mỹ tiến hành tại Iraq 30 năm qua. Và khoảng 770 binh sĩ Iraq dòng Shiite bị những người thuộc dòng Sunni của IS sát hại trong tháng 6, có thể gây ra một cuộc trả thù quy mô lớn của người Shiite nhằm vào người Sunni, như đã từng làm suốt 1400 năm qua.  

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhận định, IS đang biến vùng đất nằm dưới quyền kiểm soát ở Iraq và Syria thành bệ phóng cho những cuộc tấn công các nước phương Tây. Tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin Cơ quan An ninh Anh cho biết, khoảng 500 chiến binh IS gốc Anh đã trở về nước và đây là mối lo của Thủ tướng Cameron và Cơ quan Tình báo nội địa Anh. Giới chuyên môn cho rằng, vấn đề của London hiện nay là tình trạng ngày càng có nhiều công dân Anh tới Trung Đông tham gia thánh chiến. Thủ tướng David Cameron tuyên bố, sẽ dẹp bỏ Hồi giáo cực đoan cả trong và ngoài nước. Theo nhận định của giới tình báo phương Tây, IS đang trở thành mối đe dọa an ninh trực tiếp đối với Mỹ và châu Âu.

Ngày 2-9, tổ chức Ân xá quốc tế công bố bằng chứng cho thấy, IS đang thanh trừng sắc tộc nhằm tiêu diệt các tộc người thiểu số ở Iraq, tiêu diệt tất cả dấu vết của những ai không phải người Arabic và người Hồi giáo không thuộc dòng Sunni. Nhưng cho tới nay, Thủ tướng được đề cử của Iraq là Haider al-Abadi vẫn chưa thành lập được một chính quyền thống nhất bởi 3 phái chính trị Shiite, Sunni và người Kurd tiếp tục tranh giành ảnh hưởng trong chính phủ mới. 

Theo giới truyền thông, Mặt trận Al Nusrah và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là 2 tổ chức riêng biệt dù có chung một hệ tư tưởng. IS được hợp thành và nhận được sự hậu thuẫn của nhiều nhóm phiến quân khủng bố Arab Sunni khác nhau, trong đó có các tổ chức tiền thân là Al-Qaeda ở Iraq, Hội đồng Mujahideen Shura và Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, cùng các nhóm nổi dậy khác như Jeish al-Taiifa al-Mansoura, Jaysh al-Fatiheen, Jund al-Sahaba và Katbiyan Ansar Al-Tawhid wal Sunnah, cũng như một số bộ lạc Iraq theo dòng Hồi giáo Sunni.

(Còn tiếp)

Quốc Tuấn - Khắc Dũng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc