Khi xử lý nợ xấu được gỡ bớt vướng mắc, trao thêm quyền năng

Kỳ II: Xử lý nợ xấu đi vào thực chất và những con số biết nói

06:45 | 31/08/2018

246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đánh giá về những số liệu xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Xử lý nợ xấu đã thực chất hơn”.
Kỳ I: Khuôn khổ pháp lý mang tính lịch sử
“Chữa bệnh” cho tiền (Tiếp theo và hết)
“Chữa bệnh” cho tiền (Kỳ I)
Kỳ II: Xử lý nợ xấu đi vào thực chất và những con số biết nói
Từ ngày 15/8/2017 đến ngày 15/8/2018, Agribank đã xử lý được 60.105 tỷ đồng nợ xấu của 145.290 khách hàng.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 của ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho hay, hiện nay, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Cùng với đó, chất lượng tín dụng được cải thiện: Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%). Đến 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Nhờ được trao thêm nhiều quyền năng cho cả phía ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng như công an, tòa án, chính quyền địa phương, lũy kế đến hết 15/8/2018, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phối hợp với các TCTD xử lý nợ đạt 98.976 tỷ đồng/ 309,711 tỷ đồng đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 42, chỉ sau một năm, VAMC đã xử lý nợ tương đương tổng giá trị cả 4 năm trước đó. Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2018. Từ ngày 15/8/2017 đến ngày 15/8/2018, Agribank đã xử lý được 60.105 tỷ đồng nợ xấu của 145.290 khách hàng.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tính đến 31/7/2018, Techcombank cơ bản đã hoàn thành và vượt kế hoạch một số chỉ tiêu về tài chính so với kế hoạch năm 2018 đã đề ra, xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Đến hết ngày 14/8/2018, Techcombank đã xử lý được hàng ngàn tỷ đồng khi áp dụng các biện pháp xử lý nợ theo Nghị quyết 42, cụ thể, đã tiến hành 253 lượt xử lý tài sản bảo đảm là Bất động sản, 34 xe ô tô để chuyển bán đấu giá...

Ở các địa phương, tác động của Nghị quyết số 42, Quyết định 1058 cũng thể hiện rất rõ. Đơn cử, theo bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An, tại tỉnh này, từ 15/08/2017 đến 30/6/2018, hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD đã đạt được những kết quả tích cực, xử lý được 752 tỷ đồng các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Đánh giá về những số liệu xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Xử lý nợ xấu đã thực chất hơn”. Ông cũng khẳng định: Qua đó hệ thống ngân hàng đã được gia cố chắc chắn hơn.

Kỳ II: Xử lý nợ xấu đi vào thực chất và những con số biết nói
Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông: Có những khoản nhiều năm không xử lý được đồng nào, nay giải quyết được trên 90%

Để có được những con số nói trên là nhờ những tháo gỡ của Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hướng đến mục tiêu pháp điển hoá những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của (VAMC). Bên cạnh đó, Nghị quyết hướng tới xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, triệt để, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, đảm bảo các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phấn khởi với những kết quả ban đầu: “Có những khoản nhiều năm không xử lý được đồng nào, nay giải quyết được trên 90%”, ông Đông nói. Trước hết, thông qua Nghị quyết 42, quyền chủ nợ của VAMC, TCTD được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền xử lý tài sản; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ khi xử lý TSBĐ của khách hàng, bên bảo đảm, quan hệ của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế, “có vay phải có trả”. Qua đó, VAMC và các TCTD đã tự tin hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, nợ xấu được xử lý nhanh chóng, thực chất và hiệu quả hơn.

Ông Đông cho biết: “Kể từ khi có Nghị quyết 42, sự phối hợp giữa VAMC, các TCTD với các cấp các ngành, từ trung ương đến địa phương trong hoạt động xử lý nợ xấu có chiều hướng tích cực và hiệu quả hơn, đặc biệt trong công tác xử lý, chuyển nhượng tài sản bảo đảm (TSBĐ)”.

Nâng cao ý thức của khách hàng trong việc trả nợ, ý thức chấp hành pháp luật và thái độ hợp tác của khách hàng với VAMC, các TCTD trong việc xử lý TSBĐ cũng tích cực hơn nhờ Nghị quyết 42. Thực tế cho thấy, có nhiều khoản nợ trước đây khách hàng chây ỳ, không trả nợ, VAMC đã áp dụng các biện pháp xử lý theo khung khổ pháp lý mới, khách hàng đã có động thái hợp tác trả nợ.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đông, Nghị quyết 42 còn tạo động lực, khuyến khích các TCTD bán nợ xấu cho VAMC theo giá trị thị trường. Đối tượng và hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC cũng được mở rộng hơn, VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Điều đó chứng tỏ quy định cho phép các tổ chức, cá nhân được mua khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống, thu hút rộng rãi nguồn lực xã hội tham gia xử lý nợ xấu.

Không chỉ đối với VAMC, ngay từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các TCTD cũng đã được “cởi trói” nhiều vướng mắc và tận dụng các điều khoản của Nghị quyết để thực hiện xử lý nợ xấu hiệu quả. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã áp dụng nhiều quyền được trao trong Nghị quyết 42 như chuyển khoản nợ xấu đã bán bằng trái phiếu đặc biệt theo giá thị trường, xử lý tài sản là dự án bất động sản, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản, quyền có thủ tục rút gọn tại tòa... Cùng với quá trình xử lý nợ xấu, Agribank đã chủ động sử dụng các biện pháp điều chỉnh lãi suất, miễn giảm lãi suất...

Như vậy, có thể nói, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, sau một năm thực hiện, Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả bước đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD.

Thoa Lê