Khi xử lý nợ xấu được gỡ bớt vướng mắc, trao thêm quyền năng

Kỳ I: Khuôn khổ pháp lý mang tính lịch sử

12:45 | 30/08/2018

247 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một năm sau khi triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, ngành Ngân hàng đã thành công trong việc xử lý và bán đấu giá nhiều tài sản lớn tồn đọng nhiều năm, đặc biệt là các tài sản bảo đảm là bất động sản bao năm bị bỏ hoang, dãi nắng dầm mưa do vướng mắc về cơ chế, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.
ky i khuon kho phap ly mang tinh lich su“Chữa bệnh” cho tiền (Tiếp theo và hết)
ky i khuon kho phap ly mang tinh lich su“Chữa bệnh” cho tiền (Kỳ I)
ky i khuon kho phap ly mang tinh lich su
Ngành ngân hàng đã giải quyết được nhiều khoản nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản.

Tiêu biểu cho hiệu quả của Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 là việc VAMC xử lý thành công các tài sản đảm bảo “đắp chiếu” chờ... cơ chế trong nhiều năm. Riêng năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, VAMC đã xử lý được 48.017 tỷ đồng (gần bằng tổng giá trị xử lý nợ của cả 4 năm trước đó). Trong khi đó, Agribank cũng áp dụng quyền xử lý đối với các tài sản đảm bảo là bất động sản trên cả nước, xử lý được 60.105 tỷ đồng nợ xấu của 145.290 khách hàng... đều nhờ những tháo gỡ của các văn bản quy phạm nói trên.

Đó là một vài trong số rất nhiều kết quả có thể nhìn thấy được của ngành Ngân hàng sau một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình đi vào thực tiễn tuy chưa dài, nhưng những định hướng chính sách vĩ mô, giải pháp tháo gỡ trong hai văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Khung khổ pháp lý để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được Quốc hội, Chính phủ ban hành hiện nay có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của ngành ngân hàng. Thực tế cho thấy, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã mang lại niềm tin đối với ngành ngân hàng, người dân và doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu.

“Các khung khổ pháp lý ban hành hiện nay có ý nghĩa lịch sử của hoạt động ngân hàng, thể hiện tư duy, tầm nhìn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 trở thành công cụ quan trọng trong tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với thái độ chuyên nghiệp, bản lĩnh, tận tuỵ quyết định sự thành công của cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn vừa qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tới nền kinh tế trong nước.

Theo Phó Thủ tướng, khi triển khai Nghị quyết 42 và Luật các tổ chức tín dụng năm 2017, ngoài một số thuận lợi thì những khó khăn, phức tạp của bối cảnh kinh tế thế giới thời gian vừa qua cũng là những thách thức lớn. “Tuy nhiên, với cách thực hiện chỉ đạo của chúng ta rất quyết liệt nên một năm đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, căn bản tạo tiền đề cho thời gian tới tự tin bước tiếp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.

ky i khuon kho phap ly mang tinh lich su
Ảnh minh hoạ.

Còn theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, những kết quả đạt được trong thời gian qua đối với xử lý nợ xấu là rất tích cực. Nhìn lại quá trình từ khi triển khai xây dựng tới ban hành có thể thấy chúng ta hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong một thời gian ngắn. Trên cơ sở Nghị quyết 42 và Luật các TCTD, NHNN đã ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính minh bạch, tăng cường kiểm soát nội bộ, cải thiện môi trường kinh doanh cho hoạt động ngân hàng. Thống đốc cũng đánh cao sự phối hợp giữa ngành Ngân hàng với các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

NHNN đóng vai trò là đơn vị chỉ đạo, triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH17, đồng thời là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định: Đến nay, hầu hết các phương án cơ cấu lại của các TCTD đã được NHNN phê duyệt; kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; Năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; Tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD từng bước được cải thiện; Chất lượng tín dụng được nâng cao cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD; Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1058.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ví von: Các khuôn khổ pháp lý nói trên đã thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống ngân hàng, một liều thuốc hữu hiệu cho nợ xấu, khơi thông nguồn mạch máu cho ngành Ngân hàng, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội trong việc chung tay xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng.

Đồng thời, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh, nhờ công tác truyền thông tích cực, hiệu quả của NHNN, xã hội đã hiểu hơn về nợ xấu, đó là: Nợ xấu không chỉ phát sinh từ ngành ngân hàng, mà chủ yếu xuất phát từ thị trường, do tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phá sản, một số khách hàng bất hợp tác, thiếu thiện chí trong việc trả nợ ngân hàng. Do đó, giải quyết nợ xấu không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Ngân hàng, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp và của khách hàng.

Đồng tình với các nhận định nói trên, ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tạo tiền đề quan trọng thực hiện các chỉ tiêu về xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD mà Quốc hội giao.

Thoa Lê