“Cuộc thập tự chinh” của Đức quốc xã và các nước châu Âu chống Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai

Kỳ cuối: Các giai đoạn của cuộc “thập tự chinh”

06:40 | 26/01/2024

501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quá trình quân đội một số nước châu Âu tham gia cùng với phát xít Đức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô những năm 1941 - 1945 diễn ra theo 3 giai đoạn.
Kỳ I: Liên minh giữa Đức Quốc xã và các nước châu ÂuKỳ I: Liên minh giữa Đức Quốc xã và các nước châu Âu
“Cuộc thập tự chinh” của Đức quốc xã và các nước châu Âu chống Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai - Kỳ cuối: Các giai đoạn của cuộc “thập tự chinh”
Một trận địa phòng không ở Moscow năm 1941_Ảnh: Sputnik

Giai đoạn I diễn ra chủ yếu trong năm 1941, đặc biệt là kể từ khi phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô ngày 22-6-1941. Trong giai đoạn này, sự tham gia của quân đội một số nước châu Âu trong hàng ngũ quân đội phát xít Đức chỉ mới dừng ở phạm vi và quy mô hạn chế. Lực lượng của quân đội các nước châu Âu là đồng minh của Đức, cũng như các lực lượng tình nguyện của họ, chỉ tham chiến trong các khu vực đóng vai trò thứ yếu.

Ngoại lệ duy nhất là Quân đoàn viễn chinh của Pháp cùng quân Đức tham chiến trong chiến dịch chiến lược ở ngoại ô Moscow vào tháng 11-1941. Trong chiến dịch này, lực lượng tình nguyện của Pháp hợp nhất thành một trung đoàn hoạt động trong đội hình của Sư đoàn bộ binh số 7 thuộc Tập đoàn quân dã chiến số 4 của Đức Quốc xã.

Đáng chú ý, các đồng minh thân cận nhất của Đức Quốc xã không hề được thông báo trước về quyết định của Adolf Hitler tấn công Liên Xô, chỉ biết sau khi cuộc tấn công đã xảy ra trên thực địa. Đại sứ Italia tại Berlin sau khi nhận được thông báo của Ngoại trưởng Đức Friedrich Ribbentrop rằng Đức bắt đầu tấn công Liên Xô, đã thốt lên kinh ngạc: “người Đức chỉ cho đồng minh then chốt Italia biết về sự việc đã rồi mà không hề báo trước!”.

Thủ tướng Italia Benito Mussolini cũng phẫn nộ không kém trước hành vi kỳ lạ này của đồng minh Đức trong Phe trục: “quyết định của Adolf Hitler tấn công Liên Xô là hành động thực sự điên rồ, ngu ngốc và hoàn toàn ngẫu hứng!”. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy chiến dịch tấn công chớp nhoáng nhằm đánh bại Liên Xô không diễn ra như dự kiến do gặp phải sự kháng cự quyết liệt của đối phương, ngày 30-6-1941, Adolf Hitler đề nghị Thủ tướng Italia Benito Mussolini điều lực lượng tới cùng tham chiến.

Trong tháng 8-1941, lực lượng viễn chinh của Italia với quân số 62.000 binh sĩ và sĩ quan gồm các binh chủng pháo binh, bộ binh cơ giới, công binh và hậu cần đã được điều động đến Mặt trận phía Đông. Riêng lực lượng không quân của Italia tham chiến cùng quân Đức được trang bị 83 máy bay chiến đấu, trinh sát và vận tải. Trong 2 tháng 9 và 10-1941, lực lượng của Italia tham chiến ở Ukraina cùng lực lượng của Tập đoàn quân phía Nam của phát xít Đức đã chiếm đóng khu vực Donbass.

Trong các trận giao tranh với các đơn vị của Hồng quân Liên Xô từ ngày 5-8-1941 đến ngày 30-7-1942, lực lượng tham chiến của Italia bị thiệt hại nặng nề, gần 10.000 binh sĩ thiệt mạng và mất tích. Theo báo cáo của các sĩ quan liên lạc, Đức có chức năng duy trì quan hệ với các đơn vị của Italia, trong khoảng thời gian đó, tổng số thiệt hại của toàn bộ lực lượng Italia tham chiến cùng quân Đức lên tới 20.000 người.

Quan điểm của Adolf Hitler về sự tham gia của các lực lượng đến từ các nước chư hầu châu Âu trên mặt trận Xô - Đức đã thay đổi căn bản sau thất bại thảm hại của quân đội Đức trong chiến dịch ở ngoại ô Moscow vào mùa Đông năm 1941 - 1942. Theo yêu cầu của Adolf Hitler, Thủ tướng Italia Benito Mussolini lập tức gia tăng đột biến lực lượng tham chiến cùng quân Đức trên mặt trận Xô - Đức. Theo đó, Italia thành lập lực lượng đặc biệt mang tên “Quân đội Italia ở Nga”.

Trong thành phần của đội quân này có Tập đoàn quân số 8 với quân số 229.000 người. Chiến dịch phản công của quân đội Liên Xô trong mùa đông năm 1942 - 1943 đã xóa sổ 6 sư đoàn Italia với quân số 48.000 binh sĩ và sĩ quan. Tàn dư còn sót lại của Tập đoàn quân số 8 Italia được điều về nước trong mùa xuân năm 1943.

Ngoài đồng minh then chốt Italia, một quốc gia chư hầu của Đức Quốc xã là Romania ngay từ tháng 11-1940 đã tích cực chuẩn bị tham chiến cùng quân Đức trong cuộc chiến chống Liên Xô. Trong chiến dịch Barbarossa của quân Đức chớp nhoáng tấn công Liên Xô từ ngày 22-6-1941 có sự tham gia của 12 sư đoàn Romania và 10 sư đoàn Đức với tổng quân số lên tới 600.000 người, tập trung trên biên giới Romania - Liên Xô. Từ đây, không quân Đức và Romania tiến hành các cuộc ném bom ồ ạt nhằm vào các mục tiêu quân sự, các thành phố và làng mạc của Liên Xô.

Giai đoạn II diễn ra trong chiến dịch hè - thu năm 1942. Đức Quốc xã cùng quân đội các nước đồng minh và chư hầu tiếp tục tập hợp lực lượng để chống lại Hồng quân Liên Xô trên Mặt trận phía Đông. Tranh thủ sự thụ động về quân sự của Mỹ và Anh trì hoãn mở Mặt trận thứ hai ở châu Âu, quân Đức quyết định tập trung toàn lực với toan tính sẽ đánh bại Hồng quân Liên Xô trong năm 1942 và giành chiến thắng cuối cùng. Đến tháng 7-1942, quân Đức đã tập trung được 182 sư đoàn, 4 lữ đoàn và 4 phi đoàn không quân trên Mặt trận phía Đông. Trong đó có 47 sư đoàn, 12 lữ đoàn của các nước chư hầu cùng tham chiến. Trong đó, lực lượng của Hungary tham chiến có Tập đoàn quân số 2 với quân số 205.000 người.

Mùa hè năm 1942 và mùa đông 1942 - 1943 trở thành thời kỳ Đức sử dụng quân đội đồng minh và các nước chư hầu quy mô lớn nhất trên Mặt trận phía Đông. Trong số tất cả các đồng minh của Đức Quốc xã, quân số của Romania là đông nhất. Tính đến ngày 1-8-1942, lực lượng của Romania trên Mặt trận phía Đông hơn nửa triệu quân, gồm 24.500 sĩ quan, 31.400 hạ sĩ quan và 654.000 binh sĩ; 52 phi đội không quân, 500 tàu vận tải và tàu chiến, 144 tàu chiến phòng không và phòng thủ bờ biển. Còn lực lượng của Italia tham chiến có Tập đoàn quân số 8, gồm 7 sư đoàn và 2 lữ đoàn.

Trong các trận giao tranh với Hồng quân Liên Xô, lực lượng của Romania chịu tổn thất nặng nề nhất: 80% về người và 75% phương tiện vật chất trên chiến trường ở miền Đông Ukraina. Từ tháng 4 đến tháng 7-1942, Tập đoàn quân số 2 của Hungary, bao gồm 9 sư đoàn và 1 lữ đoàn xe tăng, được điều động đến mặt trận Xô - Đức. Trước các đòn tấn công mạnh mẽ của Phương diện quân Voronezh và Phương diện quân Sông Đông của Hồng quân Liên Xô vào cuối năm 1942 và đầu năm 1943, Tập đoàn quân số 2 Hungary gần như bị xóa sổ hoàn toàn.

Trong giai đoạn III, đa số lực lượng các nước chư hầu của Đức ở châu Âu tham chiến chống Liên Xô đều bị tiêu diệt hoặc đầu hàng, chỉ còn một số ít tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức cho đến khi kết thúc chiến tranh, chịu tổn thất lớn về nhân lực, trang thiết bị và vũ khí.

Trong suốt thời gian tham chiến chống Liên Xô, tổn thất của Phần Lan vào khoảng 80.000 binh sĩ, sĩ quan và 2.377 bị bắt làm tù binh; tổn thất của Slovakia là 1.565 người chết, 5.200 bị bắt làm tù binh; tổn thất của Italia là 43.910 người chết, 48.957 tù binh; tổn thất của Romania là 245.388 người chết, 229.682 tù binh.

“Sư đoàn xanh” của Tây Ban Nha có 3.934 binh sĩ và sĩ quan thiệt mạng, 8.466 người bị thương, 326 người mất tích. Đến mùa thu năm 1943, “Sư đoàn xanh” của Tây Ban Nha và Trung đoàn Walloon số 373 của Bỉ ngừng tham chiến chống lại Hồng quân. Sau thất bại mùa đông 1942 - 1943, lực lượng của Romania, Italia và Hungary không còn hiện diện trên Mặt trận phía Đông.

Tính tổng cộng, có khoảng 1,8 triệu quân nhân các nước châu Âu như Pháp, Ba Lan, Ukraina, Phần Lan, Latvia, Litva..., hình thành 59 sư đoàn, 23 lữ đoàn và nhiều trung đoàn đã chiến đấu trong hàng ngũ đội quân của Đức Quốc xã trong cuộc chiến chống Liên Xô. Ngành công nghiệp của các quốc gia khác không trực tiếp tham chiến đã hỗ trợ đáng kể cho Đức Quốc xã về trang thiết bị vật chất - kỹ thuật, lương thực và thực phẩm.

Liệu với tất cả những gì quân đội phát xít Đức và các nước chư hầu của họ ở châu Âu từng phạm tội ác chiến tranh tàn khốc nhất trên lãnh thổ Liên Xô, còn Liên Xô phải gánh chịu những tổn thất khủng khiếp về vật chất và hy sinh gần 27 triệu sinh mạng trong cuộc chiến tranh đẫm máu để giải phóng châu Âu thoát khỏi thảm họa diệt chủng của phát xít Đức, các nước châu Âu từng là đồng minh và chư hầu của Đức Quốc xã có quyền lên tiếng cáo buộc người Nga phải chịu trách nhiệm đã cùng Đức Quốc xã gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai?

Liệu họ có quyền coi hành động chiến đấu của Liên Xô giải phóng lãnh thổ các nước châu Âu khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức và cứu người dân của họ thoát khỏi sự hủy diệt là “sự chiếm đóng của người Nga”? Liệu chính phủ nhiều nước châu Âu như Hungary, Romania hay Phần Lan đã hành động đúng khi truy phong các quân nhân của họ từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức và chết trận trong cuộc chiến chống Liên Xô là “những người anh hùng”?

Đứng trước những hành động xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, cựu Tổng thống Đức Richard von Weizsacker tuyên bố: “thật sai lầm khi đổ lỗi cho Liên Xô là quốc gia châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính Adolf Hitler đã khơi mào cuộc đại chiến này. Sự khởi đầu Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ mãi mãi gắn liền với nước Đức mà không liên quan gì tới Liên Xô”.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas khẳng định: “Những nỗ lực viết lại lịch sử theo cách đáng xấu hổ nhất trong thời gian qua đòi hỏi chúng tôi phải đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng, không thể thay đổi một sự thật lịch sử hiển nhiên là, chính nước Đức đã phát động Chiến tranh thế giới thứ hai bằng cuộc tấn công vào Ba Lan và cũng chính nước Đức phải chịu trách nhiệm về nạn diệt chủng người Do Thái.

Bất cứ ai gieo rắc sự hoài nghi về điều này và cố gắng buộc tội các dân tộc khác trong sự kiện này là cách hành xử sai trái đối với các nạn nhân của cuộc chiến. Họ đang lợi dụng lịch sử để chia rẽ châu Âu”.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Ngạc nhiên với thông điệp gửi phi công Đức Quốc xã của người Ireland

Ngạc nhiên với thông điệp gửi phi công Đức Quốc xã của người Ireland

Đám cháy rừng ở quận Wicklow, Ireland, tuần trước đã vô tình để lộ ra một dòng chữ lớn có từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Được xếp bằng đá trên mặt đất, dòng chữ này nhằm cảnh báo các máy bay ném bom của Đức đừng đánh vào đất nước này vì họ trung lập trong cuộc xung đột.