“Cuộc thập tự chinh” của Đức quốc xã và các nước châu Âu chống Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai

Kỳ I: Liên minh giữa Đức Quốc xã và các nước châu Âu

06:30 | 25/01/2024

585 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh Mỹ đứng đầu liên minh các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) tập hợp nỗ lực tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện chống Nga, tâm điểm là cuộc chiến tranh ở Ukraina, báo giới tiếp tục công bố các tài liệu đã được Bộ Quốc phòng Nga giải mật về liên minh của Đức Quốc xã và các nước châu Âu tiến hành “cuộc thập tự chinh” chống Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Lịch sử dường như đang được lặp lại.
“Cuộc thập tự chinh” của Đức quốc xã và các nước châu Âu chống Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai - Kỳ I: Liên minh giữa Đức Quốc xã và các nước châu Âu
Lễ kỷ niệm 80 năm ngày nổ ra Thế chiến II ở thành phố Wielun, Ba Lan, ngày 1-9-1939_Ảnh: Reuters

Ngày 19-9-2019, nhân tưởng niệm 80 năm nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai (1-9-1939), theo đề xuất của các nghị sĩ Ba Lan, Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết “Về tầm quan trọng của việc bảo tồn ký ức lịch sử vì tương lai của châu Âu”, trong đó khẳng định Liên Xô cùng với nước Đức Quốc xã phải cùng chịu trách nhiệm gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Kết quả, có 535 nghị sĩ bỏ phiếu thuận, 66 bỏ phiếu chống và 52 bỏ phiếu trắng.

Các nghị sĩ Ba Lan đề xuất dự thảo nghị quyết này bởi chính quyền Warsaw đang đi đầu trong cuộc chiến tranh nhận thức để áp đặt lên cộng đồng thế giới một giả thuyết cho rằng việc Liên Xô và Đức Quốc xã ký kết Hiệp ước Xô - Đức không tấn công nhau vào ngày 23-8-1939, thường được gọi là Hiệp ước Molotov - Ribbentrop, đã châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ hai.

Một chi tiết đặc biệt quan trọng cần lưu ý trong nghị quyết này là tuyệt nhiên không đề cập đến chính sách hữu hảo của Đức Quốc xã trong quan hệ với các nước Tây Âu, trước hết là Pháp và Anh, nhằm chuyển hướng mũi tấn công xâm lược chủ yếu của Hitler nhằm vào Liên Xô. Đỉnh cao của chính sách hữu hảo này của Đức Quốc xã với các nước Tây Âu là Hiệp ước Munich được ký kết ngày 29-9-1938 giữa 4 nước Đức, Italia, Pháp và Anh.

Theo Hiệp ước Munich, lãnh thổ của Tiệp Khắc đã bị Hitler “xé nát” thành từng mảnh và bị phân chia giữa Đức Quốc xã, Ba Lan và Hungary. Đáng chú ý là chính đại diện của Đức, Ba Lan, Hungary và nhiều nước khác trong Nghị viện châu Âu đã phớt lờ một thực tế lịch sử rất quan trọng là Hiệp ước Munich đã được ký kết vào ngày 29-9-1938, nghĩa là gần 1 năm trước khi Liên Xô và Đức ký Hiệp ước Xô - Đức không tấn công nhau vào ngày 23-8-1939, khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết cáo buộc Liên Xô “cấu kết” với Đức Quốc xã gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai.

Các tài liệu đã được giải mật của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy rõ tình hình chính trị - quân sự ở châu Âu trước khi Đức Quốc xã và Liên Xô ký kết Hiệp ước không tấn công nhau. Vào thời điểm đó, chính các nước Tây Âu đã ký kết các thỏa thuận hòa bình với nước Đức, buộc Moscow phải quyết định ký kết Hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Berlin để tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược không thể tránh khỏi.

Chính J. Stalin - nhà lãnh đạo tối cao của chính quyền Xô Viết - đã nhận thấy âm mưu của Đức Quốc xã cấu kết với các nước châu Âu để hình thành liên minh chống Liên Xô. Hiện nay, giới lãnh đạo Mỹ và nhiều nước châu Âu thông qua các nhà sử học và viết hồi ký tiến hành chiến dịch “lật sử” để bóp méo và xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. Với cáo buộc phi lý “Liên Xô xâm lược châu Âu”, giới lãnh đạo Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đang dựng lên câu chuyện hoang đường “nguy cơ xâm lược từ Nga” để tiếp tục mở rộng NATO.

Không khó để nhận ra một trong những mục tiêu của Nghị viện châu Âu khi thông qua Nghị quyết “Về tầm quan trọng của việc bảo tồn ký ức lịch sử vì tương lai của châu Âu” là nỗ lực “minh oan” và xóa bỏ tội ác của chính quyền nhiều nước châu Âu từng câu kết với Đức Quốc xã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô trong những năm 1941 - 1945 và đã phạm tội ác chống lại loài người trong thời gian họ chiếm đóng một phần lãnh thổ Liên bang Xô Viết.

Chính sách “lật sử” này của Nghị viện châu Âu còn là nỗ lực hồi sinh chủ nghĩa phát xít từng thể hiện trong 2 cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong năm 2022 và năm 2023 để thông qua dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất về việc chống phục hồi chủ nghĩa phát xít. Trong đó, có 50 quốc gia, chủ yếu là Mỹ, Canada, Ukraina và các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu bỏ phiếu chống, bởi chính họ đang ủng hộ toàn diện cho chính quyền Kiev tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga đến người Ukraina cuối cùng.

Theo các tài liệu đã được Bộ Quốc phòng Nga giải mật, ngoài Đức Quốc xã còn có 5 quốc gia châu Âu khác đang có quan hệ ngoại giao với Moscow nhưng đã sát cánh cùng quân Đức trực tiếp tiến hành chiến tranh với Liên Xô từ tháng 6-1941. Đó là, Hungary, Italia, Romania, Slovakia và Phần Lan. Ngoài ra, cái gọi là “Nhà nước Croatia độc lập” cũng tuyên bố tham chiến cùng Hitler chống Liên Xô.

Tổng tham mưu trưởng lục quân Đức, tướng F. Halder, từng viết trong nhật ký vào ngày 30-6-1941 rằng, trong cuộc trò chuyện với ông ta, Hitler đã thảo luận về việc thành lập “liên minh Đức với các nước châu Âu khác để tiến hành cuộc thập tự chinh chung chống Liên Xô”.

Giới lãnh đạo Đức Quốc xã đã tiến hành phân loại công dân các nước châu Âu thành 2 nhóm khi họ tham gia “cuộc thập tự chinh” chống Liên Xô. Nhóm thứ nhất bao gồm các quân nhân thuộc quân đội các đồng minh của Đức từng ký kết Hiệp ước chống quốc tế Cộng sản vào ngày 25-11-1936, gồm Italia và Nhật Bản.

Công dân của những nước này từng phục vụ cùng lực lượng Đức ở Mặt trận phía Đông và được gọi là “đồng minh”. Nhóm công dân nước ngoài thứ hai được gọi là “tình nguyện viên” đến từ các quốc gia vào thời điểm đó hạn chế những hoạt động tham gia cuộc chiến chống Liên Xô, hoặc giữ thái độ trung lập. Công dân các quốc gia bị quân Đức chiếm đóng gia nhập hàng ngũ quân đội Đức cũng thuộc nhóm này và tham gia cuộc chiến chống Liên Xô một cách tự nguyện.

Hitler từng đánh giá sự tham gia của các đội quân tình nguyện của các nước châu Âu: “tôi coi đây là một hành động chính trị quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả khía cạnh quân sự của vấn đề. Cần phải xúc tiến thành lập các đội quân tương tự cùng chính phủ các nước gần gũi về mặt tư tưởng với chúng ta như Italia, Tây Ban Nha và Croatia”.

Quân đội của các quốc gia chư hầu của Đức như Slovakia và Croatia đã gửi lực lượng đông đảo đến tham chiến cùng quân Đức chống lại Hồng quân Liên Xô. Riêng Slovakia đã điều động hơn 42.000 binh sĩ và sĩ quan tham gia chiến đấu cùng quân Đức trên mặt trận Xô - Đức. Lực lượng của Slovakia được biên chế thành 2,5 sư đoàn, các trung đoàn pháo, pháo chống tăng và phòng không độc lập, 1 tiểu đoàn xe tăng và trung đoàn không quân.

Lực lượng của Croatia tham chiến cùng quân Đức chống Liên Xô được biên chế thành 3 quân đoàn bộ binh, không quân và hải quân. Ngoài ra, với lực lượng tham gia của Croatia, Đức Quốc xã đã thành lập thêm 5 sư đoàn trực thuộc quyền chỉ huy của quân đội Đức (Wehrmacht) và lực lượng cảnh vệ SS (Schutzstaffel) thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Hitler.

Các quân nhân đến từ Tây Ban Nha thuộc chế độ độc tài Phranco tham chiến cùng quân Đức trên mặt trận Xô - Đức được biên chế thành sư đoàn bộ binh mang tên “Sư đoàn xanh” và phi đội không quân El Salvador.

Nhiều nước Tây Âu tuy không chính thức tuyên chiến với Liên Xô, nhưng vẫn cử lực lượng quân sự đến tham chiến cùng quân Đức và các đồng minh của họ chống lại Hồng quân Liên Xô. Tính tổng cộng, lực lượng 15 nước châu Âu tham chiến cùng quân Đức chống Liên Xô có quân số lên tới hơn 1,8 triệu người, được biên chế thành 59 sư đoàn, 23 lữ đoàn, một số quân đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn độc lập.

Số lượng đáng kể các đơn này được đặt tên theo địa danh của các quốc gia hoặc liên minh các quốc gia như Wallonia, Galicia, Bohemia và Moravia, Viking, Denmark, Gembez, Langemark, Nordland, Charlemagne... Trong đó, Galicia là tên gọi của sư đoàn bao gồm các lực lượng dân tộc cực đoan của Ukraina chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức.

Đáng chú ý là lực lượng của Hitler cấu kết với lực lượng đến từ các nước chư hầu của Đức Quốc xã chính là thủ phạm chính gây ra tội ác diệt chủng đối với người Nga trong chiến dịch phong tỏa và bao vây thành phố Leningrad của Liên Xô. Theo thống kế, số người Nga bị sát hại trong chiến dịch phong tỏa thành phố Leningrad lớn hơn nhiều so với số binh sĩ Mỹ và Anh chết trận trong toàn bộ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sư đoàn số 250 (“Sư đoàn xanh”) của Tây Ban Nha từng sát cánh cùng quân Đức chiến đấu ở ngoại ô thành phố Kolpino và Pushkin. Chính tại nơi đây, Sư đoàn bộ binh cơ giới SS số 11 mang tên Nordland bao gồm chủ yếu là quân tình nguyện Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển đã bị Hồng quân Liên Xô đánh bại. Quân đoàn Flanders gồm các lực lượng đến từ Bỉ và quân đoàn Netherlands của Hà Lan tham gia chiến dịch bao vây thành phố Leningrad với vai trò là một phần của lực lượng SS khét tiếng tàn ác của Hitler.

Các tiểu đoàn số 5 và số 13 của Litva, các đơn vị của quân đoàn SS của Latvia và Estonia cùng nhiều đơn vị của quân đội các nước chư hầu của Đức Quốc xã trực tiếp tham gia chiến dịch tàn sát mang tính chất diệt chủng trên các vùng lãnh thổ của Liên Xô bị chiếm đóng tạm thời. Các cỗ pháo lớn do Pháp và Tiệp Khắc chế tạo liên tục bắn phá thành phố Leningrad trong suốt thời gian thành phố này bị phong tỏa và bao vây.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Joseph Mengele - Bác sỹ 'thần chết' khét tiếng

Joseph Mengele - Bác sỹ 'thần chết' khét tiếng

Joseph Mengele là một bác sĩ khét tiếng tàn bạo của Đức Quốc xã. Y đã sát hại khoảng 40.000 nạn nhân vô tội bằng những hình thức tàn bạo như xả hơi độc, đánh đập, phẫu thuật và bất cứ cách gì làm thỏa mãn những công trình nghiên cứu tàn ác của mình. Rất lâu sau cái chết của y, người con trai duy nhất của y mới dám lên tiếng về tội ác của cha mình.