Giải mã cuộc chạy đua của các cường quốc khai phá Mặt trăng

Kỳ 3: Chương trình khám phá Mặt trăng của Mỹ

06:00 | 10/11/2023

170 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc chạy đua với Liên Xô/Nga chinh phục và khai phá Mặt trăng, Mỹ đã triển khai 2 chương trình đầy tham vọng và đã đạt được kết quả có ý nghĩa lịch sử. Đó là Chương trình Apollo và Chương trình Artemis.
Giải mã cuộc chạy đua của các cường quốc khai phá Mặt trăng - Kỳ 3: Chương trình khám phá Mặt trăng của Mỹ
Buzz Aldrin - một trong 2 phi hành gia của tàu Apollo 11 (Mỹ) - đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt trăng vào ngày 20-7-1969, đánh dấu mốc thắng lợi trong cuộc đua vào vũ trụ với Liên Xô_Ảnh: EPA

Thành tựu kiệt xuất của Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất Sputnik-1 (năm 1957), tàu vũ trụ có người lái đầu tiên trên thế giới do phi công Yuri Gagarin điều khiển (1961) và đặc biệt là tiến hành cuộc đổ bộ thành công trạm thăm dò tự động Lunakhod xuống bề mặt Mặt trăng (1970) đã thúc đẩy Mỹ lao vào cuộc chạy đua với Liên Xô khám phá và chinh phục vũ trụ với 2 chương trình đầy tham vọng là Apollo và Artemis.

Theo truyện thần thoại Hy Lạp, Apollo là thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật. Còn Artemis là tên của một nữ thần nổi bật nhất trong 3 nữ thần Mặt trăng, cùng với 2 nữ thần khác là Selene và Hecate.

Apollo là chương trình du hành vũ trụ có người lái của Mỹ do Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia (NASA) quản lý được thông qua vào năm 1961, với mục tiêu chạy đua với Liên Xô trong công cuộc đưa người điều khiển tàu vũ trụ đổ bộ xuống Mặt trăng. Trong bài phát biểu đi vào lịch sử ngày 12-9-1962, Tổng thống John F. Kennedy xác định mục tiêu Mỹ phải vượt trước Liên Xô trong công cuộc chinh phục vũ trụ nói chung, đổ bộ lên Mặt trăng nói riêng.

Trong quá trình thực hiện, Chương trình Apollo từng gặp phải không ít lần thất bại. Thất bại đầu tiên là vụ hỏa hoạn trên mặt đất tại tổ hợp tên lửa phóng trong quá trình thử nghiệm phóng tàu Apollo-1. Trong vụ hỏa hoạn này có 3 phi công vũ trụ thiệt mạng là V. Grissom, E. White và R. Chaffee.

Sau 7 lần thử nghiệm, ngày 22-12-1968, tàu vũ trụ Apollo-8 hoàn thành chuyến bay vòng quanh Mặt trăng và lần đầu tiên truyền về Trái đất hình ảnh bề mặt hành tinh duy nhất của Trái đất. Ngày 6-3-1969, tàu Apollo-9 do phi công vũ trụ David Scott điều khiển hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đưa trạm tự động đổ bộ để hoàn tất giai đoạn cuối cùng đưa con người đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng.

Ngày 20-7-1969 đi vào lịch sử khám phá vũ trụ với thành công đột phá của 2 phi công vũ trụ Mỹ Neil Armstrong và Buzz Aldrin điều khiển khoang đổ bộ Eagle trên tàu Apollo-11 để hạ cánh an toàn xuống vùng Tây Nam Mặt trăng. Như vậy, Neil Armstrong là người đặt những bước chân đầu tiên trên bề mặt Mặt trăng.

Bước tiếp sau anh là Buzz Aldrin. Khát vọng chinh phục Mặt trăng của con người đã trở thành sự thật với tuyên bố đi vào lịch sử của Neil Armstrong: “bước chân nhỏ này của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của loài người”.

Tiếp theo thành công của tàu Apollo-11, ngày 19-11-1969, Mỹ liên tiếp tiến hành cuộc phóng tàu vũ trụ Apollo-12 do phi công vũ trụ Richard Gordon điều khiển đổ bộ thành công xuống bề mặt Mặt trăng. Ngày 11-4-1970, tàu vũ trụ do 3 phi công điều khiển là James A. Lovell, John L. Jack Swigert và Fred W. Haise dự kiến đổ bộ xuống Mặt trăng được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy nhưng bất thành, do bình oxy phát nổ làm tê liệt hệ thống cung cấp năng lượng buộc phi hành đoàn phải cho tàu quay trở về Trái đất an toàn.

Ngày 12-12-1972, tàu vũ trụ Apollo-17 do phi công vũ trụ Mỹ Gene Cernane điều khiển là chuyến bay có người lái cuối cùng đổ bộ xuống Mặt trăng. Lần này, Gene Cernane cắm quốc kỳ Mỹ lên Mặt trăng để khẳng định vị thế số 1 của họ trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Như vậy, đến thời điểm năm 2023, Mỹ là quốc gia duy nhất thực hiện thành công các chuyến bay của tàu vũ trụ có người lái đưa người đổ bộ lên Mặt trăng theo Chương trình Apollo.

Để tiếp tục Chương trình Apollo, Mỹ phát triển một chương trình mới khám phá Mặt trăng mang tên Artemis được xây dựng trên cơ sở kế thừa thành công của Chương trình Apollo. Năm 2005, Tổng thống Mỹ G. W. Bush ký Đạo luật ủy quyền cho NASA tiếp tục các chương trình khám phá vũ trụ.

Năm 2009, Tổng thốngMỹ Barack Obama quyết định thành lập Ủy ban Augustine để xem xét một số mục tiêu của chương trình khám phá vũ trụ bao gồm hỗ trợ phát triển Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hợp tác với Nga; tiến hành các công trình nghiên cứu khám phá vũ trụ bên ngoài Trái đất bao gồm Mặt trăng, sao Hỏa và các vật thể vũ trụ khác; phát triển ngành công nghiệp vũ trụ phục vụ mục đích thương mại.

Ngày 15-4-2010, trong bài phát biểu tại Trung tâm vũ trụ Kennedy, Tổng thống Barack Obama thông báo kế hoạch khám phá vũ trụ của chính quyền giao cho NASA. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ phát triển và chế tạo tên lửa đẩy hạng nặng để phóng tàu vũ trụ vào năm 2015 với với mục đích đưa các phi công bay lên quỹ đạo sao Hỏa vào giữa những năm 30 của thế kỷ XXI.

Ngày 11-10-2010, Tổng thống Barack Obama ký ban hành Đạo luật ủy quyền cho NASA phát triển hệ thống phóng tàu vũ trụ (SLS) làm phương tiện thay thế tàu vũ trụ con thoi và tiếp tục phát triển các phương tiện thám hiểm vũ trụ có người lái bắt đầu từ năm 2016.

Ngày 30-6-2017, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp để tái lập Hội đồng Vũ trụ quốc gia do Phó Tổng thống Mike Pence làm Chủ tịch Hội đồng để duy trì và phát triển chương trình chế tạo tàu vũ trụ có người lái dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ngày 26-3-2019, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ đẩy nhanh chương trình đưa người trở lại Mặt trăng vào năm 2024.

Ngày 14-5-2019, Giám đốc NASA Jim Bridenstine tuyên bố chương trình khám phá vũ trụ mới được đặt tên gọi chính thức là Artemis. Ngày 13-10-2020, 8 cơ quan vũ trụ quốc gia của Australia, Anh, Italia, Canada, Luxembourg, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nhật Bản ký kết Hiệp định Artemis hợp tác với NASA. Về sau, nhiều quốc gia khác tham gia Hiệp định Artemis, gồm Argentina, Colombia, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Ukraina, Hàn Quốc, New Zealand, Brazil, Ba Lan, Mexico, Nigeria, Đức, Ấn Độ, Israel, Rwanda, Romania, Bahrain, Singapore, Pháp, Arab Saudi và Ecuador.

Theo kế hoạch ban đầu, Artemis là chương trình khám phá Mặt trăng do NASA điều hành có sự tham gia của 3 tổ chức đối tác khác là Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) nhằm mục tiêu lần đầu tiên đưa người trở lại Mặt trăng kể từ sứ mệnh Apollo-17 năm 1972.

Dự kiến, Chương trình Artemis sẽ đưa người lên Mặt trăng vào năm 2024, năm 2025, năm 2027 và sau đó là hằng năm sẽ đưa người lên Mặt trăng. Về lâu dài, Chương trình Artemis nhằm mục đích xây dựng căn cứ cố định trên Mặt trăng để khai thác tài nguyên trên hành tinh này của Trái đất, tạo tiền đề để hoàn thành các sứ mệnh đưa người lái đổ bộ lên sao Hỏa.

Chương trình Artemis gồm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 được khởi động vào năm 2022 với sứ mệnh phóng tàu vũ trụ Artemis-1 đưa người bay vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2014 phóng tàu vũ trụ Artemis-2 đưa 4 phi công bay vòng quanh Mặt trăng.

Giai đoạn 3 khởi đầu vào năm 2025 sẽ phóng tàu vũ trụ Artemis-3 đưa phi công đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng.

Giai đoạn 4 khởi đầu vào năm 2027 sẽ phóng tàu vũ trụ Artemis-4 đưa người lên Mặt trăng để khởi động các công trình xây dựng trạm cố định.

Giai đoạn 5 bắt đầu từ năm 2028 sẽ phóng tàu vũ trụ Artemis-5 đưa người lên thử nghiệm xe ô tô vận tải chạy trên bề mặt Mặt trăng. Giai đoạn 6 sẽ phóng tàu vũ trụ Artemis-6 mang theo trạm phát sóng Gateway mạng di động bố trí trên quỹ đạo Mặt trăng. NASA cho rằng, nội dung then chốt của kế hoạch đưa người định cư lâu dài trên Mặt trăng là xây dựng trạm Lunar Gateway (gọi tắt là Gateway) hoạt động trên quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2024.

Gateway là một tổ hợp công trình quốc tế được bố trí trên quỹ đạo Mặt trăng, đóng vai trò là trung tâm liên lạc, được vận hành chủ yếu bằng năng lượng Mặt trời. Thành phần của Gateway gồm nhiều phòng thí nghiệm khoa học và các “căn hộ” để dùng cho phi công và khách du lịch vũ trụ cư trú ngắn hạn, robot vàcác trạm tự động khác. Đây là một dự án hợp tác đa quốc gia có sự tham gia của 4 cơ quan hàng đầu là NASA, ESA, JAXA và CSA. Gateway dự kiến sẽ là trạm vũ trụ đầu tiên được bố trí trên quỹ đạo quay quanh Mặt trăng.

Tháng 3-2018, NASA thành lập Chương trình phóng tải trọng thương mại lên Mặt trăng (CLPS) với mục đích đưa các robot cỡ nhỏ và xe tự hành đổ bộ xuống khu vực cực Nam của Mặt trăng để chuẩn bị điều kiện cho con người hoạt động trên đó. Mục tiêu chính của chương trình này là tìm kiếm tài nguyên trên Mặt trăng, thử nghiệm tính khả thi sử dụng tài nguyên tại chỗ và tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học về Mặt trăng. Giai đoạn đầu tiên đưa tải trọng nhẹ nhất, khoảng 10kg, vào cuối năm 2021. Sau năm 2021 sẽ đưa tàu đổ bộ cỡ tải trọng từ 500kg đến 1.000kg lên Mặt trăng.

Với ưu thế vượt trội và là quốc gia đầu tiên đưa người đổ bộ lên Mặt trăng, chính quyền Mỹ có ý định tự “cấp sổ đỏ” cho mình để khẳng định chủ quyền đối với lãnh thổ và tài nguyên trên hành tinh này của Trái đất. Ngày 6-4-2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp về phát triển thương mại các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng và các thiên thể khác.

Sắc lệnh có một số nội dung đáng chú ý: Mỹ có quyền tiến hành các hoạt động thăm dò, sản xuất và sử dụng các nguồn tài nguyên trong vũ trụ vào mục đích thương mại; Mỹ độc quyền tài sản trong vũ trụ và không coi đó là một tài sản chung của toàn nhân loại; chính sách của Mỹ khuyến khích sự tham gia của các quốc gia trong việc khám phá và sử dụng tài nguyên trong vũ trụ phù hợp với luật hiện hành; Mỹ phản đối mọi nỗ lực của bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào coi Hiệp ước về hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác, gọi tắt là Hiệp ước Mặt trăng, là tập quán quốc tế. Như vậy, Mỹ đã phủ nhận giá trị của Hiệp ước Mặt trăng đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong tháng 12-1979.

Điều 1 của Hiệp ước Mặt trăng quy định các nguyên tắc hoạt động của các quốc gia trong việc thăm dò và khai thác sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác để phục vụ lợi ích của tất cả các quốc gia mà không phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế hay khoa học của họ. Kết quả thăm dò và khai thác này là tài sản của toàn nhân loại. Điều 2 của Hiệp ước Mặt trăng quy định, không gian vũ trụ bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác không thuộc quyền chiếm hữu của bất kỳ quốc gia.

Như vậy, Hiệp ước Mặt trăng xác định kết quá khám phá và sử dụng khoảng không vũ trụ và Mặt trăng là di sản chung của nhân loại, bao gồm không gian và tài nguyên không thể thuộc về một quốc gia duy nhất như đại dương, đáy biển, Nam Cực, khí quyển và môi trường nói chung. Một cách diễn giải và ứng xử khác với Hiệp ước Mặt trăng thể hiện tư duy phân biệt chủng tộc đối với các quốc gia và các dân tộc không có khả năng và quyền lực để chứng tỏ mình có quyền sử dụng những nguồn tài nguyên đó. Đáng chú ý là các quốc gia từng thực hiện thành công các chuyến bay vũ trụ có con người lái như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ chưa ký Hiệp ước này. Đến năm 2022, mới chỉ có 18 quốc gia ký kết Hiệp ước Mặt trăng.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Kỳ 1: Tiềm ẩn nguồn lực kinh tế và quân sự siêu đẳng

Kỳ 1: Tiềm ẩn nguồn lực kinh tế và quân sự siêu đẳng

Tiếp theo 2 cường quốc Mỹ, Liên Xô trước đây và Nga ngày nay từng đi đầu trong quá trình chinh phục, khám phá và khai thác Mặt trăng vào mục đích hòa bình và quân sự, Trung Quốc và Ấn Độ đã đưa tàu tự động đổ bộ lên Mặt trăng và gia nhập cuộc chạy đua chinh phục vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.

Kỳ 2: Chương trình khám phá Mặt trăng của Liên bang Nga

Kỳ 2: Chương trình khám phá Mặt trăng của Liên bang Nga

Sau khi Liên Xô tự tuyên bố giải thể, Liên bang Nga được kế thừa vị thế của quốc gia từng đi đầu trong công cuộc chinh phục và khám phá vũ trụ, cũng là quốc gia đầu tiên đưa trạm thăm dò tự động Lunakhod lên Mặt trăng. Sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng toàn diện từ sự sụp đổ Liên Xô, Nga bắt đầu thực hiện Chương trình tiếp tục khám phá Mặt trăng và nghiên cứu vũ trụ nói chung.