Giải mã cuộc chạy đua của các cường quốc khai phá Mặt trăng:

Kỳ cuối: Chương trình khai phá Mặt trăng của Ấn Độ

07:47 | 03/12/2023

200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chương trình khai phá Mặt trăng của Ấn Độ được khởi đầu từ năm 1966, nhưng chỉ được phát triển mạnh mẽ sau Chiến tranh lạnh nhờ sự hợp tác với Nga - quốc gia đi đầu trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Đến nay, Ấn Độ không chỉ là cường quốc vũ trụ thứ tư đổ bộ thành công lên Mặt trăng mà còn mang lại cho các nước đang phát triển và mới nổi một mô hình khai phá Mặt trăng không cần đầu tư lớn nhưng mang lại hiệu quả cao.

Theo Scott Pace - Giám đốc Viện chính sách vũ trụ thuộc Đại học George Washington (Mỹ), Chương trình khám phá và chinh phục vũ trụ của Ấn Độ bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhưng ban đầu chỉ nhằm phát triển các ứng dụng thực tiễn như truyền thông qua vệ tinh, mà chưa quan tâm nhiều tới lĩnh vực khám phá Mặt trăng. Sau Chiến tranh lạnh, khi nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường và tự do hóa thương mại, định hướng chính sách của Ấn Độ đối với công cuộc khám phá vũ trụ chuyển hướng sang khai phá Mặt trăng để định vị mình là một cường quốc vũ trụ.

Chương trình khai phá Mặt trăng của Ấn Độ theo đuổi 2 mục đích chủ yếu là kinh tế và chính trị. Về mục đích kinh tế, cựu Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam đồng thời là nhà khoa học hàng đầu của nước này đã đưa ra sự đánh giá: “nguồn 3He (đồng vị Heli 3) trên Mặt trăng có thể cung cấp năng lượng lớn gấp hơn 10 lần năng lượng từ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch tiềm ẩn trên Trái đất”.

Một số nhà quan sát khác của Ấn Độ cũng đưa ra nhận xét tương tự: 1 tấn 3He có thể sản xuất được một lượng điện năng đủ để đáp ứng 80% nhu cầu của thành phố Tokyo trong vòng 1 năm. Trong khi đó, nguồn 3He trên Trái đất chỉ vào khoảng 100kg 3He tồn tại trong tự nhiên và khoảng 600kg dưới dạng sản phẩm phụ trong quá trình phân rã các đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga. Về mục đích chính trị, thành công trong chương trình khai phá Mặt trăng sẽ góp phần nâng cao vị thế của Ấn Độ là quốc gia đang vươn lên vị thế hàng đầu trong nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội và quân sự, trong đó nhiều ngành công nghệ cao của Nga do bị cắt giảm mạnh nguồn ngân sách buộc phải ký kết hợp đồng với nước ngoài để tồn tại. Ví dụ, Tổ hợp công nghiệp Uralvagonzavod của Nga đã ký kết hợp đồng lớn với Ấn Độ về việc cung cấp và lắp ráp xe tăng T-90 tại các nhà máy của đối tác. Theo cách thức tương tự, Tập đoàn công nghiệp Sukhoi thực hiện hợp đồng lớn cung cấp máy bay Su-30 cho Ấn Độ.

Trong những năm thập niên đầu thế kỷ XXI, khi các tỷ phú dầu mỏ kiếm được hàng chục tỷ USD và sở hữu các tòa nhà chọc trời ở Thủ đô Moscow hoàn toàn không quan tâm đến việc khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp, những nỗ lực thực hiện các dự án chung trong lĩnh vực vũ trụ đã giúp các trung tâm khoa học và công nghiệp của Nga tồn tại và phát triển. Theo hướng đó, Nga bắt đầu hợp tác với Ấn Độ để phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ khám phá và chinh phục vũ trụ. Trong bối cảnh đó, từ năm 2000, Chương trình khám phá Mặt trăng của Ấn Độ bắt đầu được đẩy mạnh với sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia Nga.

Theo Chương trình hợp tác Nga - Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, Nga chuyển giao công nghệ và đào tạo chuyên gia cho Ấn Độ. Tháng 11-2007, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và Tập đoàn vũ trụ Nga Roscosmos ký kết thỏa thuận cùng thực hiện Chương trình Mặt trăng. Theo thỏa thuận này, Nga giúp Ấn Độ thiết kế chế tạo trạm nghiên cứu tự động trên Mặt trăng và phương tiện phóng tương tự như tàu vũ trụ Liên hợp (Soyuz) của Nga. Sau khi được Nga chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm, Ấn Độ quyết định tự minh nghiên cứu, thiết kế chế tạo tàu vũ trụ riêng mang tên “Chandrayaan”.

Tàu vũ trụ thăm dò Mặt trăng Chandrayaan-1 của Ấn Độ được phóng lên quỹ đạo ngày 22-10-2008 và hoạt động gần 1 năm. Nhiệm vụ của tàu vũ trụ Chandrayaan-1 là thử nghiệm công nghệ đưa trạm thăm dò tự động đổ bộ lên Mặt trăng. Tuy nhiên, Chandrayaan-1 bị mất liên lạc vào ngày 29-8-2009 do hệ thống bảo vệ chống lại bức xạ nhiệt bị hỏng. Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn coi nhiệm vụ của Chandrayaan-1 đã hoàn thành bởi đã gửi về Trái đất hơn 70.000 hình ảnh về bề mặt Mặt trăng và chứng tỏ trên Mặt trăng có thể có nước đá, magie, nhôm và các kim loại khác.

Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 thực chất là kết quả của một dự án chung Nga - Ấn Độ, được phóng lên quỹ đạo ngày 22-7-2019 và tiếp cận quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 20-8-2019. Cơ cấu của Chandrayaan-2 bao gồm 1 mô-đun quỹ đạo và mô-đun đổ bộ. Trong đó, mô-đun quỹ đạo hoạt động ít nhất 2 năm, bay quanh Mặt trăng ở khoảng cách khoảng 100km tính từ bề mặt, còn mô-đun đổ bộ sẽ hạ cánh mềm xuống vùng cực Nam của Mặt trăng và thực hiện chương trình khảo sát khoa học trong khoảng 14 ngày. Ngày 6-9-2019, cuộc diễn tập đổ bộ lên Mặt trăng của Chandrayaan-2 không thành công. Sau thất bại này, Ấn Độ tiếp tục rút kinh nghiệm để hoàn thiện công nghệ và chế tạo tàu vũ trụ Chandrayaan-3.

Ngày 4-7-2023, ISRO của Ấn Độ phóng tàu đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh. Trên đường tới Mặt trăng, Chandrayaan-3 thực hiện 5 lần cơ động để thay đổi quỹ đạo. Ngày 7-8-2023, Chandrayaan-3 đi vào quỹ đạo hình elip của Mặt trăng. Mười ngày sau, Chandrayaan-3 di chuyển tới quỹ đạo tròn của Mặt trăng ở độ cao 100km, tách khỏi mô-đun động cơ đẩy và khởi động trạm đổ bộ Vikram và robot thám hiểm Pragyan lên Mặt trăng.

Ngày 23-8-2023, Chandrayaan-3 đưa trạm khảo sát tự động Vikram và robot Pragyan đổ bộ xuống Mặt trăng. Sau khi hạ cánh, Vikram và Pragyan di chuyển hơn 100m trên bề mặt Mặt trăng, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như phân tích hóa học bề mặt Mặt trăng, lập bản đồ nhiệt mặt trên của lớp đất trên cùng và tiến hành các phép đo plasma. Các thiết bị phân tích của trạm Chandrayaan-3 phát hiện sự hiện diện của lưu huỳnh, sắt, oxy và nhiều nguyên tố khác trên Mặt trăng.

Kỳ cuối: Chương trình khai phá Mặt trăng của Ấn Độ
Hơn 70 quốc gia trên thế giới đang có các chương trình khám phá vũ trụ của riêng mình. Liên minh châu Phi thành lập cơ quan vũ trụ riêng trong năm 2023. Saudi Arabia triển khai chương trình đào tạo phi công vũ trụ trong tháng 9-2022. Thái Lan có chương trình khám phá vũ trụ theo hướng có thể tự chế tạo vệ tinh. Tàu thăm dò “Sứ mệnh sao Hỏa” của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có khả năng truyền dữ liệu về trạm điều khiển tên Trái đất.

Thành công của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành nước thứ tư trên thế giới đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng, sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc, và là quốc gia đầu tiên đặt chân tới cực Nam của Mặt trăng. Tại sao lại là cực Nam của Mặt trăng? Theo giả thuyết của các nhà khoa học, cực Nam của Mặt trăng là khu vực có nước đóng băng trên bề mặt có thể được sử dụng để biến thành khí hydro, oxy, chất đốt hoặc nước uống làm nguồn nguyên liệu vốn rất khó mang lên từ Trái đất.

Do địa hình lồi lõm như những miệng như núi lửa ở khu vực này và luôn chìm trong bóng tối nên nước được giữ dưới dạng băng vĩnh cửu. Trong suốt 30 - 40 năm, các nhà khoa học vẫn nghĩ rằng trên Mặt trăng không có nước, căn cứ vào kết quả phân tích một số mẫu đất khô cằn do Chương trình Apollo của Mỹ mang về Trái đất. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi vào năm 2009, khi vệ tinh viễn thám và quan sát các hố Mặt trăng (LCROSS) do NASA vận hành đã phát hiện thấy nước đóng băng trên Mặt trăng có thể cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử hình thành hành tinh này của Trái đất.

Không giống như tàu đổ bộ Luna-25 của Nga, Vikram và Pragyan của Ấn Độ không được trang bị áo giáp bảo vệ để chống lại tác động của môi trường bên ngoài ở nhiệt độ cực thấp trên Mặt trăng. Do đó, một số thiết bị khoa học có thể bị hư hại. Vikram và Pragyan nằm lại mãi mãi với tư cách là “Đại sứ Mặt trăng” của Ấn Độ. Mặc dù vậy, sứ mệnh của Chandrayaan-3 vẫn được các phương tiện truyền thông ca ngợi là “kỳ tích khoa học vĩ đại nhất” của Ấn Độ. Chủ tịch ISRO cho biết, trong năm 2024, theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-4 với sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng vào các năm 2026 - 2028. Ấn Độ sẽ phóng tàu vũ trụ thăm dò sao Kim vào năm 2026.

Thành công này của Ấn Độ đánh dấu thắng lợi về “quyền lực mềm” của Thủ tướng Narendra Modi trong bối cảnh New Delhi chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-20 đầu tháng 9-2023. Khảo sát do cơ quan thăm dò dư luận xã hội Pew công bố ngày 29-8-2023 cho thấy, dư luận quốc tế về Ấn Độ nhìn chung tích cực và công chúng Ấn Độ là những người tự tin hơn cả về khả năng phát triển của đất nước.

Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sau khi trạm thăm dò Mặt trăng đổ bộ thành công: “thành tựu này là lời tuyên bố về một đất nước Ấn Độ hiện đại. Chúng tôi đã đưa ra cam kết trên Trái đất và hiện thực hóa nó trên Mặt trăng”. Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G-20 ngày 9-9-2023, Thủ tướng Narendra Modi sử dụng tên nước là “Bharat” thay cho tên gọi “India” để nhấn mạnh Ấn Độ đã bước sang trang sử mới, chia tay những di sản của chủ nghĩa thực dân từng áp đặt chế độ thống trị ở quốc gia này hàng thế kỷ.

Ấn Độ thực hiện sứ mệnh Mặt trăng với ngân sách tương đối eo hẹp, chỉ khoảng 74 triệu USD. Đây là bằng chứng cho thấy sứ mệnh khám phá vũ trụ và lợi thế về “quyền lực mềm” của Ấn Độ không đòi hỏi nguồn lực quá lớn. Trong khi đó, Chương trình Artemis của Mỹ nhằm mục tiêu đưa phi công vũ trụ trở lại Mặt trăng vào năm 2025 có thể chi tiêu khoảng 93 tỷ USD! Trong tương lai, Ấn Độ có thể trở thành đối tác ưu tiên của những quốc gia mong muốn vươn ra ngoài Trái đất nhưng có ngân sách eo hẹp.

Ấn Độ tận dụng các công nghệ sẵn có cho phù hợp với mục tiêu của họ. Ngoài ra, Ấn Độ có đội ngũ chuyên gia đông đảo được đào tạo trong nước, có trình độ cao nhưng nhận mức lương thấp hơn nhiều so với một số cường quốc khác. Ưu điểm này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp vũ trụ của nhiều nước. Thủ tướng Narendra Modi từng tuyên bố, với Chương trình Chandrayaan-3, Ấn Độ cung cấp cho thế giới một mô hình khám phá Mặt trăng để các nước có nền kinh tế mới nổi tham khảo.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Kỳ 1: Tiềm ẩn nguồn lực kinh tế và quân sự siêu đẳng Kỳ 1: Tiềm ẩn nguồn lực kinh tế và quân sự siêu đẳng
Kỳ 2: Chương trình khám phá Mặt trăng của Liên bang Nga Kỳ 2: Chương trình khám phá Mặt trăng của Liên bang Nga
Kỳ 3: Chương trình khám phá Mặt trăng của Mỹ Kỳ 3: Chương trình khám phá Mặt trăng của Mỹ