Giải mã cuộc chạy đua của các cường quốc khai phá Mặt trăng

Kỳ IV: Chương trình khai phá Mặt trăng của Trung Quốc

08:24 | 22/11/2023

550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chương trình khám phá vũ trụ nói chung, khai phá Mặt trăng nói riêng của Trung Quốc được khởi đầu từ năm 1956 cùng với chương trình tương tự của Liên Xô và năm 1976 thành công trong việc phóng và thu hồi vệ tinh nhân tạo của Trái đất. Sau Chiến tranh lạnh, Trung Quốc đạt được bước phát triển đột phá kể từ khi hợp tác với Nga trong lĩnh vực khám phá Mặt trăng theo tinh thần Hiệp định Nga - Trung về thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện và hợp tác năm 2001.
Giải mã cuộc chạy đua của các cường quốc khai phá Mặt trăng - Kỳ IV: Chương trình khai phá Mặt trăng của Trung Quốc
Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-16 rời bệ phóng, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc, ngày 30/5/2023 Ảnh: THX

Chương trình khai phá Mặt trăng của Trung Quốc được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng (COSTIND) trực thuộc Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khởi xướng từ năm 1998, chính thức phê duyệt vào năm 2004 và được đặt tên là “Chương trình Hằng Nga”. Chương trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc gồm 4 giai đoạn. Trong đó, mỗi giai đoạn trước là bước chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Trong giai đoạn 1, Trung Quốc phóng 2 tàu vũ trụ Hằng Nga-1 và Hằng Nga-2 với nhiệm vụ khám phá Mặt trăng. Tàu vũ trụ Hằng Nga-1 được phóng lên quỹ đạo ngày 24/10/2007 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-3A từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương và đi vào quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 5/11/2007, mang theo khoang thu thập dữ liệu để xây dựng bản đồ địa hình 3 chiều về Mặt trăng nhằm chuẩn bị cho trạm vũ trụ đổ bộ lên hành tinh này của Trái đất trong tương lai.

Tàu vũ trụ Hằng Nga-1 truyền hình ảnh đầu tiên về Mặt trăng vào ngày 26/11/2007. Đến ngày 12/11/2008, Hằng Nga-1 thu được bản đồ 3 chiều hoàn chỉnh về toàn bộ bề mặt Mặt trăng trên cơ sở các dữ liệu thu thập được trong khoảng thời gian từ tháng 11/2007 đến tháng 7/2008. Nhiệm vụ của Hằng Nga-1 kết thúc vào ngày 1/3/2009.

Tàu vũ trụ Hằng Nga-2 được phóng lên quỹ đạo ngày 1/10/2010 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-3C với nhiệm vụ nghiên cứu điều kiện và chọn địa điểm thích hợp để đưa tàu vũ trụ Hằng Nga-3 hạ cánh mềm trên Mặt trăng. Nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 2/2012. Trên cơ sở kết quả thăm dò của tàu vũ trụ Hằng Nga-2, COSTIND xây dựng bản đồ địa hình bề mặt Mặt trăng với độ phân giải 7m.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, tháng 6/2011, Hằng Nga-2 được điều khiển di chuyển đến điểm Lagrange L2 trong hệ Trái đất - Mặt trăng. Từ điểm này trên quỹ đạo, ngày 15/4/ 2012, Hằng Nga-2 chụp được ảnh của tiểu hành tinh Tautatis với độ phân giải 10m.

Giai đoạn 2, đề ra nhiệm vụ đưa tàu vũ trụ Hằng Nga-3 và Hằng Nga-4 đổ bộ lên Mặt trăng. Tàu vũ trụ Hằng Nga-3 được phóng lên quỹ đạo vào ngày 2/12/2013 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-3C và hạ cánh xuống Mặt trăng vào ngày 14/12/2013. Đây là lần đầu tiên tàu vũ trụ hạ cánh mềm trên Mặt trăng kể từ năm 1976 - thời điểm trạm thăm dò Mặt trăng tự động Luna-24 của Liên Xô đổ bộ xuống bề mặt hành tinh này của Trái đất.

Với thành tựu này, Trung Quốc trở thành cường quốc thứ 3 sau Liên Xô và Mỹ thực hiện thành công cuộc đổ bộ nhẹ nhàng của trạm thăm dò tự động lên bề mặt Mặt trăng. Trạm tự động của Trung Quốc bao gồm thiết bị thăm dò Mặt trăng cố định và robot hành trình Yutu được lắp trạm ra-đa thăm dò đất bề mặt Mặt trăng và 2 máy quang phổ sử dụng bức xạ alpha và tia X để phân tích thành phần và cấu trúc của đất Mặt trăng ở độ sâu tới 100m.

Tàu vũ trụ Hằng Nga-4 được phóng lên quỹ đạo ngày 7/12/2018 để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Hằng Nga-3, đồng thời đưa lên bề mặt phía sau Mặt trăng 1 trạm thăm dò cố định và một robot thám hiểm. Ngày 3/1/2019, Hằng Nga-4 đổ bộ thành công xuống miệng hố núi lửa được đặt tên là “hố Von Karman” trên bề mặt vùng tối của Mặt trăng và chụp được bức ảnh cận cảnh đầu tiên trên thế giới về khu vực ẩn chứa nhiều bí ẩn này. Dựa vào kết quả quan sát thăm dò trước đây, các nhà khoa học Trung Quốc nhận thấy có rất nhiều miệng núi lửa được hình thành do tác động của thiên thạch vào vùng tối của Mặt trăng.

Tuy nhiên, sau cuộc đổ bộ thành công của Hằng Nga-4, họ phát hiện thấy ngoài hố Von Karman còn có rất nhiều kim loại ở vùng tối của Mặt trăng. Trong đó, một số kim loại có thể đã bị bỏ lại bởi những tàu vũ trụ thăm dò Mặt trăng không thể hạ cánh mềm, thậm chí có những kim loại chưa từng được phát hiện trên Trái đất. Đặc biệt, Hằng Nga-4 phát hiện bên dưới hố Von Karman có 1 mỏ kim loại khổng lồ nằm ở độ sâu tới 290km với trữ lượng ước tính lên tới 22 triệu tấn.

Đứng trước phát hiện này của Hằng Nga-4, một câu hỏi được đặt ra là vì sao trên Mặt trăng lại có nhiều kim loại đến thế? Các nhà khoa học cho rằng, rất có thể mỏ kim loại khổng lồ này hình thành từ một vụ va chạm của thiên thạch với Trái đất. Còn những kim loại chưa từng được biết đến trên Trái đất do Hằng Nga-4 phát hiện ở vùng tối của Mặt trăng đưa các nhà khoa học quay trở lại với lời cảnh báo của nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking rằng tồn tại nền văn minh ngoài Trái đất.

Không loại trừ khả năng, những kim loại loại trên Mặt trăng là “di sản” của các nền văn minh ngoài Trái đất để lại. Stephen Hawking từng khuyên loài người không nên tìm kiếm và tiếp xúc với nền văn minh ngoài Trái đất, bởi điều này có thể gây ra thảm hoạ đối với loài người. Ngày 11/1/2019, sứ mệnh Hằng Nga-4 kết thúc thành công.

Giai đoạn 3 với nhiệm vụ thu thập đất trên Mặt trăng và đưa về Trái đất. Trong giai đoạn này, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Hằng Nga-5 lên quỹ đạo để đưa trạm tự động đổ bộ xuống Mặt trăng có chức năng thu thập các mẫu đất và đưa trở về Trái đất.

Ngày 23/11/2020, tàu vũ trụ Hằng Nga-5 được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-5 và đưa trạm tự động đổ bộ xuống Mặt trăng để thu thập 2kg đất và chuyển về Trái đất vào ngày 16/12/2020. Sau khi tiến hành phân tích đất Mặt trăng, Cơ quan Vũ trụ quốc gia và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc thông báo, họ đã phát hiện ra một loại khoáng chất chưa từng được biết đến trên Trái đất, được đặt tên là Changesite-Y.

Như vậy, Trung Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới phát hiện ra một loại khoáng sản mới trên Mặt trăng. Theo kế hoạch,Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ Hằng Nga-6 để thu thập đất ở Cực Nam của Mặt trăng vào năm 2023.

Giai đoạn 4 từ năm 2023 sẽ triển khai toàn diện Chương trình thám hiểm Mặt trăng. Trong đó, nhiệm vụ của Hằng Nga-6 là thu thập khoảng 2kg mẫu vật từ vùng tối của Mặt trăng và đưa trở về Trái đất.

Sứ mệnh của Hằng Nga-7 là hạ cánh xuống Cực Nam của Mặt trăng và tiến hành các cuộc khảo sát chi tiết để khám phá dấu vết của nước. Còn Hằng Nga-8 dự kiến được phóng vào khoảng năm 2028, cùng với Hằng Nga-7 sẽ hoàn thành việc xây dựng cấu trúc cơ bản của Trạm quốc tế nghiên cứu Mặt trăng (ILRS) hợp tác với Nga gồm trạm quỹ đạo, tàu đổ bộ, tàu thăm dò Mặt trăng và nhiều thiết bị khám phá khoa học khác.

Một trong những nội dung rất quan trọng trong chương trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc là hợp tác với Nga theo Hiệp định đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện không giới hạn Nga - Trung. Theo đó, trong tháng 3/2021, Nga và Trung Quốc ký Biên bản ghi nhớ liên chính phủ về hợp tác xây dựng Trạm khoa học quốc tế khám phá Mặt trăng.

Ngày 16/6/2021, Nga và Trung Quốc công bố lộ trình xây dựng căn cứ chung trên Mặt trăng. Ngày 25/11/2022, 2 nước ký kết chương trình hợp tác phát triển trong hoạt động khám phá vũ trụ giữa Tập đoàn vũ trụ Roscosmos của Nga và Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) trong giai đoạn 2023-2027. Cùng ngày, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Nga và Trung Quốc về hợp tác xây dựng Trạm quốc tế nghiên cứu khoa học về Mặt trăng.

Ngày 16/6/2021, tại Hội nghị quốc tế về nghiên cứu vũ trụ GLEX-2021, đại diện Roscosmos và CNSA giới thiệu kế hoạch chi tiết về việc thành lập Trạm quốc tế nghiên cứu khoa học về Mặt trăng để nghiên cứu không gian giữa Trái đất và Mặt trăng, cấu trúc bên trong của Mặt trăng, tính chất địa hình và hình thái bề mặt Mặt trăng, tiến hành các thí nghiệm y học và sinh học, quan sát thiên văn từ bề mặt Mặt trăng. Ngoài Trung Quốc và Nga, cơ quan vũ trụ của châu Âu, Thái Lan, Saudi Arabia và UAE cũng có thể tham gia.

Kế hoạch xây dựng Trạm quốc tế nghiên cứu khoa học về Mặt trăng sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (2021-2025), phóng các trạm tự động của Trung Quốc Hằng Nga-6 và Hằng Nga-7 và các trạm tự động của Nga Luna-25, Luna-27 lên Mặt trăng để phát triển công nghệ hạ cánh mềm trên Mặt trăng với độ chính xác cao và chọn địa điểm xây dựng căn cứ trên Mặt trăng.

Giai đoạn 2 dự kiến trong các năm 2026-2035, bao gồm nhiều phân đoạn. Trong phân đoạn 1, tàu vũ trụ Hằng Nga-8 của Trung Quốc và Luna-28 của Nga sẽ được đổ bộ lên Mặt trăng với nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ, đưa các mẫu đất trên Mặt trăng về Trái đất và vận chuyển hàng hóa lên Mặt trăng.

Trong phân đoạn 2, các cấu kiện của trạm tự động sẽ được chuyển lên Mặt trăng gồm Trạm quốc tế nghiên cứu Mặt trăng (ILRS-1) bao gồm mô-đun điều hành, hệ thống cung cấp năng lượng và viễn thông, trạm nghiên cứu ILRS-2, trạm xử lý tài nguyên Mặt trăng ILRS-3, trạm thí nghiệm sinh học, thu thập và đưa đất Mặt trăng về Trái đất ILRS-4, trạm quan sát thiên văn và Trái đất ILRS-5.

Giai đoạn 3 sẽ được triển khai sau năm 2036, đưa các phi công vũ trụ đổ bộ lên Mặt trăng cùng nhiều robot và thiết bị nghiên cứu tự động, trong đó có các trạm quan sát thiên văn để nghiên cứu các hành tinh khác nhau trong hệ Mặt trời.

Trạm quốc tế nghiên cứu khoa học về Mặt trăng được thiết kế để hợp tác với các cơ quan vũ trụ của các quốc gia khác. Một mặt, để thu hút đầu tư của bên thứ hai thực hiện dự án, mặt khác, đây là cơ hội để Trung Quốc hợp tác với Hiệp hội Vũ trụ châu Âu (ESA) và các cơ quan vũ trụ của các nước Phương Tây khác.

Trong tương lai, các công ty thương mại cũng có thể tham gia dự án Trạm quốc tế nghiên cứu khoa học về Mặt trăng để xây dựng dự án quốc tế rộng khắp nhằm tạo ra bước đột phá trong công cuộc khám phá vũ trụ nói chung và khai phá Mặt trăng nói riêng theo Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Theo đó, Trung Quốc sẽ xây dựng “con đường tơ lụa trên vũ trụ”.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Kỳ III: Giành giật trên Mặt Trăng - hậu quả khôn lườngKỳ III: Giành giật trên Mặt Trăng - hậu quả khôn lường