Vụ “Nữ dược sĩ được VTV vinh danh bị đuổi việc!”:

Kỳ 2: Sở Y tế Bình Phước “chống lưng” nhân viên sai phạm!

09:18 | 09/01/2014

2,678 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 3/1, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức họp báo nhằm thông báo một số tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Tại buổi họp, nhiều phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến ngành y tế, như: y đức, trình độ của y bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, cần phải đào tạo lại vì nhiều người dân Bình Phước sợ… vào bệnh viện tỉnh này!

>> Giám đốc Sở Y tế “chống lệnh” của Tỉnh ủy

UBKT tỉnh Bình Phước nói dược sĩ Oanh tố cáo có cơ sở

Đối với yêu cầu của UBKT Tỉnh ủy Bình Phước về việc phải kiểm điểm, kỷ luật tập thể, cá nhân tại phòng GĐYK liên quan những sai phạm mà dược sĩ Oanh tố cáo đúng, ông Thông tiếp tục viện dẫn vòng vo kết luận của Đảng ủy Sở Y tế, nhưng không đưa kết luận của UBKT Đảng ủy khối cơ quan Dân Chính Đảng đã thông báo với dược sĩ Kiều Oanh đã tố cáo đúng.

Lãnh đạo các Ban ngành của tỉnh Bình Phước họp báo nhằm thông báo một số tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ông Thông cũng không nhắc gì đến kết luận trong văn bản chỉ đạo của UBKT Tỉnh ủy Bình Phước là “bà Oanh tố cáo có đúng, có sai”, để từ đó ông Thông một mực cho rằng dược sĩ Oanh tố cáo sai sự thật nên những cán bộ, nhân viên bị tố cáo… chưa đến mức xử lý kỷ luật!

Không những “chống lệnh” của Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh Bình Phước để “triệt” người tố cáo và bao che trắng trợn cho vi những cán bộ sai phạm tại phòng GĐYK. Khi được hỏi vì sao bà Ngô Minh Chiến (SN 1976), nhân viên thanh tra Sở Y tế xài bằng giả, là một người đã có ý thức “gian dối với tổ chức” nhưng chỉ bị khiển trách… 3 tháng?

Có phải do ông Nguyễn Đồng Kính (anh ruột ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế - PV) đang làm thuê cho bà Chiến tại phòng khám đa khoa Tâm Đức nên ông Thông thiên vị?

Ông Thông cho rằng các cơ quan chức năng kết luận bà Chiến xài bằng giả là đúng và Sở Y tế đã lập Hội đồng kỷ luật, đưa ra hình thức khiển trách 3 tháng… là phù hợp vì bà Chiến thuộc dạng HĐLĐ. Việc anh ruột ông Thông làm thuê cho bà Chiến (người dùng bằng giả - PV) là có, nhưng ông Thông không bao che và giữa ông Thông với phòng khám của bà Chiến không liên quan gì (!?).

Bao che sai phạm của nhân viên “cùng hội, đồng thuyền” (!?)

Liên quan đến việc bà Chiến đi học tại chức lớp đại học Hành chính, theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 8/11/2007 Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh Bình Phước có ban hành Thông báo liên tịch số 518.  

Theo thông báo này, để được học lớp này đối tượng phải là cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng chưa có bằng đại học (kể cả cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể và cơ quan Nhà nước); Công chức làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện thuộc diện quy hoạch cán bộ, nhưng chưa có bằng đại học chuyên môn nghiệp vụ…

Văn bản xác định bằng tốt nghiệp THPT của bà Ngô Minh Chiến, thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Phước là giả.

Thế nhưng cho đến nay, bà Ngô Minh Chiến vẫn chưa là công chức và cũng không phải cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, tuy nhiên bà Chiến vẫn được Sở Y tế cử đi học lớp Đại học Hành chính tại chức khóa 2008 – 2012 bằng ngân sách Nhà nước! Và thời điểm năm 2008, người phụ trách công tác đào tạo của Sở Y tế là bà Đinh Thị Thu Hương, Phó phòng Tổ chức cán bộ!

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, khẳng định: “Với lý do bà Chiến dùng bằng giả nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng để từ đó Sở Y tế ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách là sai. Bởi vì một người chưa đủ tiêu chuẩn, nhưng lại tiến hành những công việc như thanh tra, kiểm tra thì hành vi đó không nhất thiết phải chờ gây hậu quả nghiêm trọng hay không để xử lý. Bản thân hành vi sử dụng bằng giả cũng đã có tính chất nghiêm trọng.

Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, nêu rõ: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm”, mà không cần quy định hành vi sử dụng giấy tờ giả đó phải gây hậu quả nghiêm trọng hay không”.

Qua cách hành xử như trên của ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước khiến dư luận không khỏi thắc mắc: "Phải chăng ông Thông đang phủ nhận công văn của UBKT Tỉnh ủy Bình Phước? Phải chăng Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng vẫn chưa đến được Sở Y tế tỉnh Bình Phước (!?)".

Phương Ngọc