Vụ “Nữ dược sĩ được VTV vinh danh bị đuổi việc!”:

Kỳ 1: Giám đốc Sở Y tế “chống lệnh” của Tỉnh ủy!

07:00 | 07/01/2014

3,746 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu thu hồi quyết định sa thải do Trưởng phòng Giám định y khoa ký ban hành trái luật, nhưng ông Giám đốc Sở Y tế khẳng định không cần thu hồi.

>> Nữ dược sĩ được VTV vinh danh bị sa thải là… sai!

Phớt lờ chỉ đạo của tỉnh!

Liên quan đến vụ việc nữ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh (SN 1983, ngụ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), nguyên nhân viên Phòng Giám định y khoa (GĐYK) tỉnh, bị ông Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng GĐYK - người bị cô Oanh tố cáo tiêu cực – ra quyết định sa thải trái pháp luật, ngày 3/12/2013, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bình Phước có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở Y tế thu hồi quyết định sa thải nữ dược sĩ Oanh và tiến hành làm lại quy trình xử lý vụ việc đối với dược sĩ Oanh theo quy định.

Đồng thời, phải tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân tại phòng GĐYK liên quan những sai phạm mà dược sĩ Oanh tố cáo đúng, đảm bảo công tâm, khách quan, đúng người đúng việc, tránh oan sai.

Dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh.

UBKT Tỉnh ủy Bình Phước, khẳng định: “Theo quy định 45-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương: không để người bị tố cáo chủ trì, giải quyết tố cáo liên quan đến bản thân… Vì vậy trong trường hợp này ông Đoàn Đức Loát – Trưởng phòng GĐYK là người bị tố cáo lại là người chủ trì xử lý kỷ luật (sa thải) người tố cáo – bà Trần Thị Kiều Oanh là sai quy định.

Sau khi phân tích Điều 126 Bộ Luật Lao động năm 2012, UBKT Tỉnh ủy cũng khẳng định ông Loát ra quyết định sa thải nữ dược sĩ Oanh là trái thẩm quyền và nội dung xử lý kỷ luật. Hơn nữa, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc cho thấy việc tố cáo của bà Oanh đối với một số cán bộ ngành y tế có nội dung tố đúng, tố sai.

Thực hiện chỉ đạo nêu trên, ngày 11/12/2013, UBND tỉnh Bình Phước gửi văn bản cho Sở Y tế với yêu cầu phải nghiên cứu và chủ động triển khai thực hiện đúng và đủ các nội dung kiến nghị của UBKT Tỉnh ủy.

Thế nhưng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế vẫn cho rằng dược sĩ Oanh là người lao động theo dạng hợp đồng lao động (HĐLĐ), do trưởng phòng GĐYK ký và đây là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra ông Thông còn viện dẫn một số lý do như: dược sĩ vi phạm quy tắc ứng xử, tố cáo sai…, nên ông trưởng phòng GĐYK ra quyết định sa thải là phù hợp! Nếu dược sĩ Oanh không đồng ý thì… kiện ra tòa, còn Sở Y tế sẽ không chỉ đạo hoặc thu hồi quyết định do ông trưởng phòng GĐYK đã ban hành trái luật!

Luật sư khẳng định trái luật!

Tuy nhiên đây chỉ là cách lập luận theo kiểu đánh lừa dư luận. Vì vào tháng 10/2008, chính ông Nguyễn Đồng Thông - khi còn làm Phó Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định “Hợp đồng viên chức y tế” với dược sĩ Oanh, với nội dung chị Oanh nhận nhiệm vụ tại Phòng GĐYK.

Tiếp đó ngày 5/10/2009, Giám đốc Sở Y tế là bà Trần Thị Kim Sang ký “Hợp đồng tiếp viên chức” với bà Oanh, thời hạn 1 năm từ ngày 2/10/2009. Đến ngày 5/1/2011, cũng chính ông Thông tiếp tục ký “Hợp đồng tiếp viên chức” (đây là hợp đồng lần thứ ba - PV) với dược sĩ Oanh, thời hạn một năm kể từ ngày 2/10/2010.

Chưa kể sau khi bị đuổi việc vô cớ lần thứ nhất, dược sĩ Oanh khiếu nại thì ngày ngày 22/11/2011, ông Thông ký công văn khẳng định việc chấm dứt HĐLĐ với bà Oanh phải do Giám đốc Sở Y tế quyết định chứ không phải do ông Loát!

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết: “Hợp đồng tiếp viên chức lần thứ ba do ông Nguyễn Đồng Thông, lúc đó là Phó Giám đốc Sở Y tế (đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Phước - PV) ký cho bà Oanh vào ngày 5/1/2011, với thời hạn một năm (tính từ ngày 2/10/2010) tức HĐLĐ của bà Oanh hết hạn vào ngày 1/10/2011”.

Theo quy định tại khoản 2, điều 27 Bộ Luật lao động năm 1994 được sửa đổi, bổ sung năm 2002, quy định: Khi HĐLĐ xác định thời hạn đã hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong vòng 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới. Nếu không ký kết HĐLĐ mới, đương nhiên hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Luật sư Hậu cho biết thêm: “Như vậy ông Thông cho rằng đến ngày 19/10/2012, ông Loát ký HĐLĐ với bà Oanh để từ đó cho rằng ông Loát là người sử dụng lao động, còn bà Oanh là người lao động lại càng sai!”.

“Vì kể từ ngày 1/11/2011 tức sau 30 ngày HĐLĐ của bà Oanh hết hạn nhưng Sở Y tế không đả động gì, trong khi bà Oanh vẫn làm việc thì HĐLĐ của bà Oanh đương nhiên trở thành không xác định thời hạn. Lúc này phòng GĐYK chỉ là địa điểm bà Oanh làm việc, còn Sở Y tế tỉnh Bình Phước mới là người sử dụng lao động. Do đó, ông Loát không có thẩm quyền xử lý kỷ luật bà Oanh, mà thẩm quyền thuộc về Giám đốc Sở Y tế. Với lý do cho rằng bà Oanh tố cáo sai sự thật để kỷ luật bằng cách sa thải lại càng sai”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định.

(Còn tiếp)

Phương Ngọc