Kon Pne – Niềm vui ngày trở lại

07:00 | 15/06/2016

846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xã Kon Pne là một xã vùng sâu, cách trung tâm huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) khoảng 90km về phía Tây Bắc. Trước đây, đời sống kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở kỹ thuật ở nơi đây vô cùng khó khăn, lạc hậu… Đến năm 2004, Kon Pne là xã duy nhất của tỉnh Gia Lai chưa có đường đến trung tâm xã. Kon Pne được ví như là "ốc đảo" của Tây Nguyên. Ngày ấy, việc sử dụng điện vẫn là thứ quá xa xỉ với người dân Kon Pne.
kon pne niem vui ngay tro lai
Trung tâm xã Kon Pne.

Niềm vui của "ngày hội toàn dân"

Làm thế nào để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân xã vùng sâu Kon Pne là điều trăn trở của cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kbang nói chung và của cấp ủy Đảng, chính quyền xã Kon Pne nói riêng. Đây cũng là mối quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai; sự trăn trở vào cuộc của các ban, ngành tỉnh Gia Lai.

Để tạo sức bật cho sự phát triển ở nơi đây thì không cách nào khác là điện - đường - trường - trạm phải đi trước một bước. Trong đó, phát triển hệ thống điện để phục vụ sản xuất và đời sống người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh và huyện trong việc đầu tư xây dựng góp phần làm nên sự đổi thay của Kon Pne. Và, điều đó đã được minh chứng sau 11 năm đầu tư xây dựng lưới điện tại xã Kon Pne; bộ mặt kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã có những chuyển biến tích cực…

Là người làm trong ngành điện ở Gia Lai, chúng tôi còn nhớ như in cái dấu ấn của sự kiện trọng đại nơi địa phương nơi đây, đó là ngày tổ chức Lễ đóng điện đưa vào sử dụng tại xã Kon Pne với không khí vui tươi, hồ hởi như một ngày hội thật sự của mọi người dân. Ngày 30/4/2005, PC Gia Lai tổ chức lễ đóng điện cho xã Kon Pne, một xã dân tộc Ba Na đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Tổng kinh phí đầu tư là 5,7 tỉ đồng trích từ nguồn vốn của Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung) với quy mô công trình gồm: 28,4 km đường dây trung áp kéo từ xã Đăk Rông vào xã Kon Pne, 1,6 km đường dây hạ thế nối đến 3 trạm biến áp và kéo đường dây điện đến tận nhà cho 620 hộ dân tộc Ba Na.

Anh Ngô Văn Toàn – Phó Giám đốc Điện lực Kbang, người chứng kiện sự kiện đóng điện nhớ lại: Hôm đóng điện ông Trần Cao Hớn – Nguyên giám đốc Điện lực Gia Lai (nay là PC Gia Lai) là người được đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh – Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai giao đóng áp – tô - mát cho xã cuối cùng của tỉnh có điện lưới quốc gia, đưa 100% số xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai được sử dụng điện. Đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của đồng chí lãnh đạo Điện lực Gia Lai mà còn là niềm tự hào của tất cả cán bộ, công nhân viên ngành điện Gia Lai về sự ghi nhận của lãnh đạo tỉnh vì những nỗ lực đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng chính hành động cụ thể này.

Kon Pne - đổi thay ngày trở lại

Trong chuyến công tác cùng Đài PT-TH Gia Lai lần này về xã Kon Pne, đường sá ở nơi đây giờ đi lại dễ hơn, điện đã tới từng nhà; những đổi thay bộ mặt kinh tế - xã hội đang hiện hữu trong cuộc sống của từng người dân. Nhưng ít ai biết rằng, hơn 10 năm về trước điện đối với người dân là một niềm mơ ước.

Đi cùng xe với chúng tôi, anh Ngô Văn Toàn – Phó Giám đốc Điện lực Kbang kể, cách đây hơn 11 năm, mảnh đất này vẫn được coi là một “ốc đảo” đầy khó khăn, cách trở. Ngày đó, từ trung tâm huyện vào xã có khi phải đi mất cả ngày đường, trong đó, có đoạn phải đi bộ hoàn toàn. Ấy vậy mà vẫn quãng đường ấy, sau hơn 11 năm, chúng tôi chỉ mất suýt soát 2 giờ ngồi ô tô đã có mặt ở trung tâm xã Kon Pne.

Đặt chân đến trung tâm xã, đập vào mắt là hệ thống điện-đường-trường-trạm được xây dựng khá khang trang. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngôi trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở mới được thành lập, nơi 350 con em của 369 hộ dân trong xã đang ngày ngày học tập.

Cùng với sự đổi thay nhanh chóng về bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân Kon Pne cũng đã được nâng lên một cách rõ rệt. Theo Phó Chủ tịch xã Lê Văn Dũng, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt hơn 4 triệu đồng/năm nhưng đến năm 2015, con số này đã đạt hơn 11,5 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, trên 80% số hộ trong xã đã được xem truyền hình, nhiều hộ đã xây dựng được nhà ở khang trang, kiên cố. Có được điều này, ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước còn là nhờ vào sự nỗ lực của ngành điện Gia Lai trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định để phát triển kinh tế của địa phương.

Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà khang trang vừa được xây xong với kinh phí trên 100 triệu đồng của gia đình anh Đinh Khiu – làng Kon Ktonh, anh Khiu cho biết: “Người dân xã Kon Pne không bao giờ quên ơn Đảng, Nhà nước và ngành điện đã quan tâm kéo điện đến tận nhà. Có điện, tôi và người dân nơi đây mua được ti vi, đầu đĩa, nồi cơm điện, quạt điện, máy bơm nước... về dùng nên không khí trong thôn thay đổi hẳn, người dân đã biết sử dụng điện để bơm nước tưới cây, phát triển chăn nuôi; con em trong thôn có điều kiện học hành tốt hơn. Ðặc biệt, kể từ khi có điện người dân xem ti vi và đã biết tự làm giàu".

Với những gì chúng tôi được chứng kiến ở Kon Pne - xã cuối cùng của tỉnh Gia Lai được đóng điện, bộ mặt kinh tế - xã hội ở nơi đây đã và đang từng bước thay đổi; đời sống kinh tế và văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có nhiều tiến bộ. Trong lòng chúng tôi tràn ngập niềm vui khi ngắm những ngôi nhà khang trang, những công trình xã hội được mọc lên - niềm vui của những người thợ điện đã góp phần làm cho cuộc sống nơi đây “thay da, đổi thịt”.

Một trong những số liệu nói lên sự phát triển kinh tế - xã hội là mức độ tiêu thụ điện của người dân đã tăng lên rõ rệt sau 11 năm đưa hệ thống điện vào sử dụng. Theo số liệu thống kê, doanh thu tiền điện tại xã Kon Pne năm 2005 chỉ đạt 3 triệu đồng/tháng, đến tháng 5/2016 con số này lên trên 50 triệu đồng/tháng, tăng gần 20 lần sau 11 năm đóng điện.

Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne Trương Văn Tư nhận định: “Điện làm “đòn bẩy” để các dịch vụ khác phát triển, đưa đời sống văn hóa, tinh thần của bà con tăng lên”.

Công Hiền (EVNCPC)

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps