Kinh tế Mỹ sẽ lụn bại nếu ông Trump làm tổng thống?

15:27 | 21/09/2016

578 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington chỉ ra rằng chính sách kinh tế của ứng cử viên Trump sẽ đưa nước Mỹ đến suy thoái. Phe ông Trump lập tức phản pháo.
kinh te my se lun bai neu ong trump lam tong thong
Ứng cử viên Donald Trump

Xuất phát từ chính sách kinh tế của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra khi tranh cử (đánh thuế nặng vào hàng hóa của Trung Quốc và Mexico), Viện Peterson đã tiến hành ba chương trình mô phỏng kinh tế bằng máy tính, để xem tác động như thế nào trong trường hợp hàng hóa của Trung Quốc bị đóng thuế 45% và 35% đối với hàng Mexico.

Mọi kết quả đưa ra đều cho thấy Trung Quốc và Mexico sẽ trả đũa bằng hàng rào thuế khóa đối với hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ.

Ngoài ra, hàng nhập khẩu cũng như xuất khẩu của Mỹ sẽ giảm hẳn đi, giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, giá cổ phiếu lao đao và việc đầu tư cũng tụt dốc, mà kết quả là tình trạng suy thoái kinh tế sẽ xảy đến trong vòng ba năm.

Dan DiMicco, cố vấn chính sách của ông Trump và cũng là cựu Tổng giám đốc của công ty thép Nucor Steel, bác bỏ báo cáo của Peterson Institute cho đây là một sự “tuyên truyền”.

Ông DiMicco nói, cựu Tổng thống Ronald Reagan từng đánh thuế cao đối với hàng hóa của Nhật và đã không tạo nên một cuộc chiến tranh kinh tế nào, thay vì vậy đã áp lực được Nhật phải định lại giá trị tiền tệ của họ.

Peter Navarro, một cố vấn khác của ông Trump và là kinh tế gia tại trường Đại học California ở Irvine (UCI), nói rằng thuế suất sẽ không bao giờ áp đặt đối với Trung Quốc và Mexico, vì rằng họ sẽ cải tổ vị trí mậu dịch của họ qua thương thảo với chính phủ ông Trump trước tiên, vì sợ rằng sẽ mất chỗ đứng tại thị trường của Mỹ.

Ông Navarro nói: “Điểm chung của chính sách mậu dịch của ông Trump được dùng như thước cân bằng của Mỹ”, làm sao để mọi quốc gia phải thay đổi chính sách mậu dịch của họ.

Nghiên cứu của Peterson Institute nhìn vào hai phản ứng khác đối với việc tăng thuế hàng hóa, tuy chưa là một cuộc chiến mậu dịch toàn diện.

Một mặt, Trung Quốc và Mexico không hoàn toàn trả đũa bằng cách đánh thuế cao đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Thay vì vậy họ hành động một cách có chọn lựa hơn.

Trung Quốc sẽ cấm các công ty quốc doanh mua sản phẩm của Mỹ, bán tháo hoặc đe dọa bán tháo hơn 1 ngàn tỉ USD trái phiếu của Mỹ mà họ đang sở hữu, và không còn mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đặc biệt là đậu nành, chưa kể các thứ khác.

Công ty Boeing và các cơ sở tiếp liệu của họ sẽ điêu đứng vì không còn bán được máy bay, mà kết quả là mất hơn 179.000 việc làm.

Giảm thương vụ về đậu nành sẽ ảnh hưởng lớn lao đối với những khu vực nông nghiệp ở Mississippi, Missouri, Tennessee và Arkansas.

Khả năng thứ ba có thể xảy ra là chính phủ Trump sẽ nhanh chóng rút lại quyết định áp đặt mức thuế cao sau năm đầu tiên của cuộc chiến mậu dịch vì gặp phải sự ta thán ở quốc nội.

Nghiên cứu cũng gọi các cơ xưởng sản xuất iPhone ở Trung Quốc là “vũ khí trả thù bí mật” của Trung Quốc.

Chỉ việc cắt nguồn tiếp liệu cho công ty Apple cũng đủ làm ngừng trệ việc sản xuất iPhone, các kệ hàng sẽ trống trơn, đưa giá của iPhone tăng vọt.

Trong khi đó, chính sách kinh tế của bà Hillary Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ, cũng rất tốn kém, mặc dù kém xa so với của ông Trump.

Theo Viện Peterson, bà Clinton sẽ ngăn chặn TPP, một thỏa ước mậu dịch giữa các nước ven bờ Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ, Nhật, và Việt Nam, mà bà đã từng đích thân chào hàng hồi còn làm ngoại trưởng.

Ông Trump cũng chống TPP, như nhiều ứng cử viên quốc hội trong cuộc bầu cử năm nay.

Tổng thống Barack Obama vận động cho thỏa ước mậu dịch này, mà theo Peterson Institute, sẽ bơm vào kinh tế Mỹ đến 130 tỉ USD, một ưu tiên và muốn Quốc hội thông qua trong phiên nhóm họp ngành lập pháp sau ngày bầu cử.

Những người chống TPP nói rằng hiệp ước này sẽ cướp mất nhiều việc làm của Mỹ, trong khi Peterson Institute thì cho là cái lợi của hiệp ước phần lớn sẽ vào tay những người thợ chuyên môn.

Ban vận động của bà Clinton không đưa ra lời bình luận nào.

Nh.Thạch

AP, AFP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc