Kiến nghị tạm hoãn dự án tuyến xe buýt nhanh BRT tại TP HCM

15:25 | 24/11/2021

60 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dẫn chứng kinh nghiệm vận hành tuyến buýt BRT tại Hà Nội chưa đạt hiệu quả như mong đợi, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh cho rằng việc BRT tại thành phố cần thêm thời gian nghiên cứu để đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh gửi công văn đến UBND thành phố về việc rà soát một số nội dung dự án phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh. Trong đó có dự án xe buýt nhanh BRT dự kiến đầu năm 2022 khởi công tuyến số 1 dài 26km chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, có điểm đầu từ vòng xoay An Lạc đến cầu Rạch Chiếc. Tổng vốn đầu tư 143 triệu USD, trong đó, hơn 121,2 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Kiến nghị tạm hoãn dự án tuyến xe buýt nhanh BRT tại TP HCM
Phối cảnh tuyến BRT số 1 TP Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, qua rà soát, Sở GTVT TP cho biết còn tồn tại nhiều nội dung ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và đảm bảo tính hiệu quả của dự án khi đưa vào hoạt động chưa được đánh giá cụ thể trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, tới năm 2022 sản lượng khai thác của tuyến xe buýt nhanh dự kiến là 28.086 hành khách/ngày có nhiều khả năng sẽ không đảm bảo như tính toán. Nguyên nhân, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chưa hoàn thành, ảnh hưởng đến việc đi lại từ ga Rạch Chiếc về bến xe Chợ Lớn, An Lạc.

Mặt khác, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến giao thông công cộng, các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng song song với kiểm soát xe cá nhân chậm triển khai. Việc này làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án xe buýt nhanh khi đưa vào khai thác.

Ngoài ra, các gói thầu tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt thành phố, nghiên cứu quy hoạch lại toàn bộ các tuyến xe buýt và bổ sung các tuyến buýt gom cho tuyến buýt nhanh hiện cũng chưa hoàn thành. Bến xe Miền Tây đang trong giai đoạn lập quy hoạch, chưa xác định được thời điểm triển khai, còn bến xe Miền Đông mới đang khai thác giai đoạn 1 có sản lượng khách thấp vì chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Dẫn chứng kinh nghiệm vận hành tuyến buýt BRT tại Hà Nội, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình khai thác chưa thành công đã được chủ đầu tư dự án cùng tư vấn nghiên cứu, trong đó, có những yếu tố liên quan việc kết nối các bến xe lớn, ý thức người dân chưa cao...

Với các yếu tố trên, việc đầu tư tuyến buýt nhanh BRT khi chưa đảm bảo các yếu tố trên sẽ dẫn đến hiệu quả của dự án không được đảm bảo, không đạt được sản lượng như kỳ vọng. Do đó, theo Sở GTVT TP, cần thiết xem xét lại dự án xe buýt nhanh số 1 trong bối cảnh tình hình thực tế hiện nay.

Dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh số 1 của TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, với mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng (156 triệu USD), nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự án được điều chỉnh giảm xuống còn hơn 3.300 tỷ đồng (143,6 triệu USD).

Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ có tổng cộng 6 tuyến xe buýt nhanh. Bao gồm tuyến BRT số 1, tuyến BRT chạy trên đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (24 km); tuyến BRT chạy trên đường Vành đai 2 (từ An Sương - Bến xe Miền Tây dài 19 km); tuyến BRT khu vực Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (từ Kha Vạn Cân đến Công viên Hoàng Văn Thụ dài 14,5 km); tuyến BRT Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong (từ ngã tư Bốn Xã - Nguyễn Văn Linh dài 8,7 km) và tuyến BRT chạy trên đường Quang Trung dài 8,5 km.

M.C