Kiến nghị giữ nguyên mức hoàn thuế GTGT

21:46 | 28/05/2013

818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 28/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, còn 4 nhóm vấn đề tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung. Trong đó, bức xúc nhất là đối tượng miễn thuế, cơ chế hoàn thuế, việc khấu trừ thuế và chính sách giảm thuế nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp cũng như thị trường BĐS.

Xung quanh số lượng đối tượng được miễn thuế GTGT, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hòa bình Nguyễn Thanh Hải cho rằng, thuế GTGT thực chất nhắm vào người tiêu dùng. Bởi vậy, nếu số đối tượng được miễn thuế được mở rộng, điều đó sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp hoàn toàn mất đi tính cạnh tranh.

“Nếu chúng ta quy định về đối tượng không chịu thuế lên tới 25, tức là liên quan tới 25 nhóm hàng hóa và dịch vụ là nhiều. Chưa kể điều này phần nào còn không phù hợp với chiến lược cải cách thuế 2011-2020 do Chính phủ phê duyệt. Luật Thuế GTGT đánh trên người mua chứ không phải người bán, vì thế phạm vi miễn thuế rộng càng không có lợi cho DN, mất đi tính cạnh tranh và khó khấu trừ thuế.” 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, bà Nguyễn Thanh Hải.

 

Liên quan đến nội dung đối tượng không chịu thuế, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Đoàn ĐBQH Thái Bình) góp ý, nếu doanh nghiệp vay vốn lẫn nhau thì chúng ta có nên đánh thuế những hoạt động trên vì trên thực tế nó chưa tạo ra “GTGT” như cái tên của loại thuế.

Về cơ chế hoàn thuế GTGT (khoản 7 Điều 1), Dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Xung quanh con số trên cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị quy định cần chặt chẽ hơn về điều kiện được hoàn thuế nhằm góp phần khắc phục tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật, gây thất thu cho NSNN.

“Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức tiền thuế tối thiểu với mức nâng khá lớn (gấp 2,5 lần) sẽ gia tăng khó khăn về vốn cho doanh nghiệp do chậm được hoàn thuế. Do đó, đề nghị giữ như hiện hành hoặc quy định mức tiền thuế tối thiểu được hoàn thấp hơn so với mức Chính phủ trình” - đại biểu Lê Minh Hiền phát biểu.

 

 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình)

 

Về ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế (khoản 4, khoản 5 Điều 1), Dự thảo luật bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Theo đó, áp dụng phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên (trừ hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT) và bổ sung quy định về cách xác định GTGT theo phương pháp tính trực tiếp.

Đa số ý kiến thảo luận tại Hội trường chiều nay đều tán thành với quy định của Dự thảo luật và cho rằng, việc quy định cụ thể ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ là phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của Việt Nam, tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong hành thu.

Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, cần xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương án đề xuất của Chính phủ vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm thì số lượng các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp tính trực tiếp là khá lớn.

Mặt khác, chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý, áp dụng thuế GTGT vì ở nước ta, thuế GTGT đã được áp dụng trong khoảng thời gian khá dài song các đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đáp ứng mục tiêu “tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế” đề ra trong Chiến lược cải cách thuế.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH tỉnh Thái Bình

 

Về chủ trương giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở (khoản 2 Điều 2), ý kiến của các đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang), Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) tán thành với quy định: Giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Trước chủ trương giảm thuế, Đại biểu Trần Văn Huynh cho rằng, việc giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, trao đổi với PetroTimes bên ngoài hành lang Quốc hội, Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) khẳng định, việc giảm thuế GTGT đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoàn toàn có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc; làm tăng mật độ dân cư, ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2. Do vậy, cần cân nhắc toàn diện trước khi ban hành chính sách này.

Với thời hạn giảm thuế, một Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội bật mí, với mức giảm dự kiến không lớn, thời gian thực hiện ngắn (chỉ trong 01 năm) thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác (gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng được thực hiện trong thời hạn 3 năm).

Do vậy, đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014 (thực hiện từ 1/7/2013 đến hết 31/12/2014).

 

Tùng Lê