Kiểm soát lạm phát năm 2020 - Những thách thức lớn

10:00 | 14/01/2020

954 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2019 được coi là năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 2,7%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra. Năm 2020, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động, liệu Việt Nam có tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát như năm 2019? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, về vấn đề này.

Năm 2019, dù khó khăn vẫn kiểm soát lạm phát tốt

PV: Ông nhận định như thế nào khi năm 2019 tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát tốt lạm phát?

kiem soat lam phat nam 2020 nhung thach thuc lon
PGS.TS Ngô Trí Long

PGS.TS Ngô Trí Long: Năm 2019, tình hình chính trị, kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại căng thẳng, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng... đã có những tác động đến kinh tế toàn cầu.

Ở trong nước, một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá như điện, dịch vụ y tế... được điều chỉnh ngay từ đầu năm theo lộ trình, giá xăng dầu trong nước diễn biến phức tạp theo giá thế giới, đặc biệt biến động lớn về giá thịt lợn những tháng cuối năm..., đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, tác động đến lạm phát. Chính vì vậy, lạm phát năm 2019 biến động theo chiều hướng giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo, tháng 6 giảm trở lại và tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm gần Tết Nguyên đán.

Nhưng năm 2019 vẫn được coi là năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát, lạm phát cơ bản tăng 2,01%, lạm phát chung tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

PV: Thưa ông, vì sao lạm phát chung lại cao hơn lạm phát cơ bản?

PGS.TS Ngô Trí Long: Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá bao gồm dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) tăng 2,01% so với năm 2018.

Lạm phát chung tăng 2,79%, cao hơn lạm phát cơ bản, vì biến động giá chủ yếu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, xăng dầu.

Mức lạm phát cơ bản cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

PV: Làm thế nào để kiểm soát tốt cả lạm phát cơ bản và lạm phát chung, thưa ông?

PGS.TS Ngô Trí Long: Để kiểm soát tốt lạm phát như năm vừa qua, theo tôi, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan diễn ra song song và có quan hệ hữu cơ với nhau.

Chẳng hạn, giá nhiên liệu trên thế giới tăng - giảm đan xen, bình quân giá dầu Brent từ ngày 1-1-2019 đến 20-12-2019 ở mức 64,05 USD/thùng, giảm 10,28% so với bình quân năm 2018. Cũng trong khoảng thời gian đó, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 9 đợt, giảm 11 đợt và giữ ổn định 4 đợt. Tính chung cả năm 2019, giá xăng dầu giảm 3,14% so với năm 2018, làm cho lạm phát chung giảm 0,15%. Cùng với đó, giá gas sinh hoạt trong nước năm 2019 được điều chỉnh theo giá gas thế giới, giảm gần 6% so với năm 2018. Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục có xu hướng giảm. Giá đường trong nước cũng giảm mạnh theo giá đường thế giới, giảm 3,17% so với năm 2018...

Lạm phát năm 2019 biến động theo chiều hướng giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo, tháng 6 giảm trở lại và tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm gần Tết Nguyên đán. Nhưng năm 2019 vẫn được coi là năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát, lạm phát cơ bản tăng 2,01%, lạm phát chung tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Song song với đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm một cách linh hoạt và thực hiện tốt bình ổn giá thị trường ở một số địa phương. Chính phủ cũng phối hợp chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm gia cố thêm sự ổn định, vững chắc của kinh tế vĩ mô. Cụ thể, công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt đã làm cho tín dụng tăng trưởng phù hợp với định hướng từ đầu năm, bảo đảm đủ vốn cho tăng trưởng kinh tế, thị trường tiền tệ ổn định. Mặt bằng lãi suất giảm đã tạo sức chống đỡ với các biến động phức tạp của kinh tế - tài chính toàn cầu. Tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán… Tất cả những giải pháp đó đã giúp kiềm chế lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế.

Năm 2020, những giải pháp kiểm soát lạm phát

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, lạm phát năm 2019 tăng chủ yếu là do giá thịt lợn tăng tới hơn 50% trong quý IV. Ông nhận xét thế nào về ý kiến này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Nhìn tổng thể cả năm 2019, CPI tăng hai giai đoạn đầu năm và cuối năm. Do tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ như điện, sách giáo khoa, dịch vụ y tế, vật liệu xây dựng... đã làm cho CPI tăng ngay từ đầu năm. Cụ thể, giá điện sinh hoạt tăng khoảng 8,38%, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 4,65% so với năm 2018, làm lạm phát chung tăng 0,18%; chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 6,11% so với năm 2018, làm lạm phát chung tăng 0,32%. Nhà xuất bản Giáo dục tăng giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 làm cho chỉ số giá nhóm văn phòng phẩm tăng 3,32% so với năm 2018.

Trong các tháng vào nửa cuối năm, giá thịt lợn tăng rất cao vì chịu ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, làm nguồn cung giảm. So với năm 2018, giá thực phẩm bình quân năm 2019 tăng 5,08%; giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng gần 2%; giá quần áo may sẵn tăng 1,7%; riêng giá mặt hàng thịt lợn tăng cao đã làm CPI tăng.

kiem soat lam phat nam 2020 nhung thach thuc lon
Dịch tả lợn châu phi là nguyên nhân chính làm CPI tăng cao trong những tháng cuối năm

PV: Năm 2020, tình hình chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam có thể duy trì kiểm soát lạm phát hiệu quả như năm 2019 được không, thưa ông?

PGS.TS Ngô Trí Long: Dù mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 đã đạt được nhưng để duy trì trong năm 2020 là một thách thức lớn.

Năm 2020, kinh tế toàn cầu được dự báo có một vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn bấp bênh, ảm đạm.

Việt Nam, dù tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2019, vẫn phải nhìn lại những điểm yếu của nền kinh tế như: Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn nằm trong mức thấp; chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình... Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6-7%/năm thì Việt Nam khó đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực vào năm 2045.

Bên cạnh đó, hậu quả của dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa chấm dứt tại các địa phương. Biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, hạn hán đang diễn ra phức tạp. Chưa kể đến cộng đồng doanh nghiệp còn yếu, nhiều lĩnh vực còn bỏ trống. Năm 2019, cứ 10 doanh nghiệp “chào đời” thì có 5 doanh nghiệp “chết lâm sàng”...

Những yếu tố đó cùng với việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, biến động của giá nhiên liệu (xăng, dầu, LPG) trên thị trường thế giới cộng thêm những bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị trong năm 2020 sẽ gây áp lực tăng giá.

PV: Vậy, để kiểm soát tốt lạm phát trong năm 2020, với giác độ của một chuyên gia kinh tế, theo ông, phải thực thi những giải pháp nào?

PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, để kiềm chế lạm phát tốt, phải tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế. Phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cần điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý...

Phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, hàng hóa được mua sắm từ ngân sách Nhà nước, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công... Các trường hợp vi phạm quy định, tăng giá bất hợp lý, phải xử lý nghiêm.

Đặc biệt, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong các thời điểm lễ, tết hoặc xảy ra thiên tai, bão lũ. Phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, hàng hóa được mua sắm từ ngân sách Nhà nước, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công... Các trường hợp vi phạm quy định, tăng giá bất hợp lý, phải xử lý nghiêm.

Để kiểm soát tốt lạm phát, một giải pháp nữa cần thực hiện là đổi mới thể chế, cụ thể: Tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách có thể tạo chuyển biến mạnh mẽ cho nền kinh tế như khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính Nguyễn Đức Độ: 3 kịch bản lạm phát năm 2020
kiem soat lam phat nam 2020 nhung thach thuc lon

Sau cú sốc giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý IV/2019, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 rất khó khăn. Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới. Có thể xem xét 3 kịch bản chính về lạm phát năm 2020 như sau:

Kịch bản thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%.

Trong kịch bản thứ hai, giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong quý I/2020 do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý II/2020, lúc đó lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.

Kịch bản tệ nhất xảy ra nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. Trong trường hợp này, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn.

Kịch bản tệ nhất xảy ra nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. Trong trường hợp này, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục xảy ra trong những tháng cuối năm.

Trong cả 3 kịch bản nêu trên, các yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá dầu, tỷ giá, giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo không thay đổi lớn. Cụ thể, giá dầu được dự báo là sẽ ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, dẫn đến nhu cầu về dầu không cao. Trong khi đó, tỷ giá cũng được dự báo sẽ chỉ dao động khoảng 1% trong năm 2020 nhờ nguồn cung USD dồi dào, dự trữ ngoại hối lớn, đồng thời quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tỷ giá thận trọng nhằm giảm thiểu khả năng Mỹ áp đặt hạn chế thương mại đối với Việt Nam.

Giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo sẽ chỉ điều chỉnh khi Chính phủ nhận thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2020 chắc chắn hoàn thành.

Nhìn chung, dự báo lạm phát sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% trong năm 2020.

Tú Anh