Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ai Cập (Kỳ II)

08:27 | 24/11/2021

505 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xuất bản phẩm Đánh giá thống kê của BP về Năng lượng Thế giới 2021 đã đưa ra một số dữ liệu phản ánh bức tranh tổng thể về việc khai thác, tiêu thụ và hoạt động xuất nhập khẩu dầu khí của Ai Cập thời gian qua.

Một số dữ liệu dầu khí của Ai Cập thời gian qua

Ai Cập có tổng trữ lượng khí thiên nhiên được chứng minh là 2,186 nghìn tỷ mét khối (tcm), đứng thứ 16 trên thế giới. Thời gian qua, sản lượng khai thác dầu thô của Ai Cập giảm nhưng sản lượng khí đốt tự nhiên tăng, tăng 10,9% trong năm 2019, đạt 64,9 tỷ mét khối (bcm), so với 58,6 tỷ mét khối năm 2018, được coi là mức khai thác cao nhất trong 10 năm qua.

Tổng tiêu thụ khí đốt tự nhiên đạt 57,8 tỷ mét khối năm 2020, giảm 1% so với 58,9 tỷ mét khối năm 2019. Tổng tiêu thụ dầu mỏ đạt 659.000 thùng/ngày năm 2020, giảm 1,1% so với mức 734.000 thùng/ngày năm 2019.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ai Cập (Kỳ II)
Ai Cập hướng tới mục tiêu chiếm ưu thế về khai thác khí tự nhiên ở khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: Oilprice.com.

Xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Ai Cập giảm xuống 1,8 tỷ mét khối vào năm 2020, so với 4,5 tỷ mét khối năm 2019. Năm 2020, 0,4 tỷ mét khối được xuất khẩu sang châu Âu, trong khi đó 1,3 tỷ mét khối còn lại được xuất khẩu sang các nước châu Á và Nam Thái Bình Dương và 1 triệu mét khối được xuất sang Kuwait. Ai Cập có năm thứ hai liên tiếp nhập khẩu LNG bằng “0” so với 3,2 tỷ mét khối nhập khẩu năm 2018.

Điện năng tạo ra từ năng lượng tái tạo tăng đáng kể trong năm 2020, đạt 9,7 terawatt giờ (TWh), trong đó 2,9 TWh từ năng lượng mặt trời (so với 1,5 TWh năm 2018) và 6,8 TWh từ điện gió (so với 4,6 TWh năm 2019). Năng lượng tái tạo ở Ai Cập đã tác động tích cực đến việc giảm lượng khí thải carbon, đã giảm 6% vào năm 2019, mức giảm lớn nhất trong bảy thập kỷ qua.

Một bước phát triển quan trọng khác gần đây trong lĩnh vực dầu khí là việc Chính phủ Ai Cập đã xử lý các khoản nợ phải thu quá hạn của các công ty dầu khí nước ngoài, tích tụ từ ​​năm 2011. Cuối năm 2019, 5,4 tỷ USD (85%) trong tổng số 6,3 tỷ USD nợ quá hạn đã được thanh toán, đánh dấu mức nợ thấp nhất trong lĩnh vực dầu khí kể từ năm 2011.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ai Cập (Kỳ II)
Một nhà máy lọc dầu liên doanh giữa Tổng công ty Dầu khí Ai Cập (EGPC) và Tập đoàn Eni, Italia. Ảnh:AFP.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí trong nước của Ai Cập

Điều 32 của Hiến pháp Ai Cập năm 2014 (Hiến pháp) quy định tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đều thuộc sở hữu của nhà nước, nhà nước là người duy nhất được trao quyền kiểm soát việc khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Bộ Dầu khí và Khoáng sản (MOP) đại diện cho Nhà nước cấp phép thăm dò và khai thác dầu khí theo thỏa thuận tô nhượng (concession agreement), cho nhà đầu tư quan tâm khi đáp ứng các tiêu chí cụ thể.

Thỏa thuận tô nhượng, được ban hành theo luật, là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh tất cả các khía cạnh của dự án thăm dò dầu khí có liên quan. Lĩnh vực dầu khí còn được điều chỉnh theo một số luật và quy định, bao gồm: (i) Luật Khai thác và Khoáng sản số 66 năm 1953, được sửa đổi bởi Luật số 86 năm 1956 và các Quy định thực thi Luật này trong Quy định cấp Bộ số 758 năm 1972 (gọi tắt là Luật Nhiên liệu); (ii) Luật Hoạt động Thị trường Khí đốt số 196 năm 2017 và các Quy định thực thi Luật này trong Nghị định số 239 năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ ban hành; (iii) Luật Đường ống dẫn dầu số 4 năm 1988 và các Quy định thực thi Luật này trong Quy định số 292 năm 1988 do Bộ Dầu khí ban hành; (iv) Luật Môi trường số 4 năm 1994 (Luật Môi trường) và các Quy định thực thi Luật này trong Nghị định số 338 năm 1995 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ai Cập (Kỳ II)
Một cơ sở khoan dầu khí ở Ai Cập. Ảnh: Egypttoday.

Quan trọng nhất là Luật Nhiên liệu đưa ra các điều khoản và tiêu chí để cấp và gia hạn các giấy phép cần thiết để tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí. Các điều khoản này bao gồm các tiêu chí tài chính và kỹ thuật cần phải đáp ứng để được cấp giấy phép thăm dò ban đầu, thời hạn của giấy phép, yêu cầu gia hạn, phí thuê trong giai đoạn thăm dò và một số hướng dẫn chung liên quan đến quá trình đấu thầu.

Các Quy định thực thi Luật Nhiên liệu trao cho MOP quyền thu hồi giấy phép thăm dò hoặc hủy bỏ thỏa thuận tô nhượng trong các trường hợp cụ thể hoặc khi Nhà thầu vi phạm, bao gồm nhưng không giới hạn: (i) không thanh toán số tiền đến hạn theo thỏa thuận tô nhượng trong thời hạn tối đa là 3 tháng kể từ khi được thông báo; (ii) cho thuê lại hoặc chuyển nhượng bất kỳ hoặc tất cả các quyền của mình theo tô nhượng mà không được sự chấp thuận trước của cơ quan có thẩm quyền; (iii) khai thác bất kỳ khoáng sản nào mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền; hoặc (iv) vi phạm bất kỳ quy định nào của thỏa thuận tô nhượng hoặc Luật Nhiên liệu. (Còn nữa)

Thanh Bình

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc