Khúc tráng ca từ cao nguyên đá

17:25 | 05/04/2015

1,715 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Con đường dài 184km nối thị xã Hà Giang với 4 huyện vùng cao là Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc được đánh đổi bằng biết bao công sức của hơn 2,2 vạn lượt thanh niên xung phong (TNXP) ở 8 tỉnh phía bắc. Họ đã viết nên trang sử hào hùng về một thời phá đá, san núi, mở đường. Những gì mà họ đã làm được đến giờ vẫn được coi là một công trình kỷ lục, vĩ đại và là biểu tượng của sự đoàn kết, kiên trì của bao lớp người.

Năng lượng Mới số 410

Khí thế dời non của tuổi trẻ

Mỗi lần ngược Quốc lộ 4C (Con đường hạnh phúc) lên các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, trong tôi lại rộn lên niềm vui khó tả. Suốt 50 qua, con đường tựa như dải lụa mềm bám vào bạt ngàn núi đá tai mèo, vượt qua trăm khe, ngàn suối vững chãi như thành đồng của Tổ quốc. Được dạo bước trên con đường xuyên mây, tôi càng thấm thía hơn những nỗi gian truân mà hàng vạn TNXP ngày trước đã không quản ngại gian lao, dồn tâm, dồn sức phá núi, mở đường tạo nên dải lụa mềm bên dòng Nho Quế thơ mộng. Nhờ có con đường này mà hơn 8 vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang khi đó đã lần đầu tiên biết đến cái ôtô chạy qua huyện mình. Bẵng đi nửa thế kỷ, giờ đây mỗi khi nhắc lại  một thời hào hùng, khí thế đào núi, lấp biển của những TNXP năm xưa vẫn vẹn nguyên.

Sức trẻ khiến núi đá phải cúi mình

Năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông Nguyễn Mạnh Thùy (Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Giang) vẫn còn khỏe và minh mẫn. Nhắc đến những tháng ngày phá đá mở đường năm xưa, giọng ông Thùy sôi nổi và như đưa ông trở lại 50 năm về trước. Ông Thùy đầy tự hào khi nhắc về những năm tháng sôi nổi thuở nào: “Tôi là người may mắn được tham gia làm đường và vinh dự được dự lễ khánh thành Con đường hạnh phúc. Tôi yêu thương mảnh đất địa đầu Tổ quốc nên ở lại xây dựng quê hương Hà Giang”.

Ông Thùy quê ở Nam Định, nghe theo tiếng gọi xây dựng miền biên viễn của Tổ quốc, ông đã xung phong lên Hà Giang làm việc. Miền núi đá tai mèo, hoang sơ, bạt ngàn rừng xanh, khi đó tựa như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang đường chân trời. Ai muốn lên Ải Bắc đều phải vượt qua “chướng ngại vật” đó. Trước đó, bà con nơi đây muốn xuống trung tâm thị xã đều đi theo những con đường mòn với dốc cao dựng đứng làm chồn chân ngựa. Không có đường giao thông nên cuộc sống của bà con còn nhiều lận đận. Quanh năm bị mây mù và núi cao bao phủ. Đây là động lực để chính quyền tỉnh Hà Giang khi đó quyết tâm mở cho bằng được con đường ôtô nối với 4 huyện vùng cao. Để tiếp thêm khí thế, thanh niên ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… cùng gia sức, tình nguyện lên giúp Hà Giang xây dựng con đường này.

Nhớ lại ngày đầu khởi công san núi làm đường, người cán bộ xướng ngôn của lễ khởi công hô to: “Giờ chúng ta phải san bằng bức tường đá khổng lồ này ra. Các bạn có làm được không?”. Cả vạn TNXP khi đó cùng đồng thanh hưởng ứng: “Chúng tôi làm được”. Khí thế khi đó cao ngút trời, lòng người hân hoan đồng lòng phá đá, mở đường. Họ là những thanh niên mới mười tám đôi mươi cùng nhau mang sức trẻ lên chinh phục miền cực Bắc này. Nhớ về những ngày tháng đầy hào hùng đó khiến ông Thùy rưng rưng nước mắt, mọi việc khi đó đều làm thủ công, phương tiện cho chúng tôi chỉ có xà beng, búa tạ cùng nhau bạt núi. Nói đến đá núi nơi cực Bắc, ông Thùy vẫn còn rùng mình, cả một vùng núi đá xám xịt, đá chồng lên đá. Đá rắn như một boong ke, búa tạ, xà beng bổ vào bật lại làm bật da, chảy máu tay người trai trẻ. Ông Thùy nói: “Chúng tôi cứ 2 người một, 1 người quai búa tạ, 1 người kẹp đục sắt vào thanh tre và giữ cho người kia nện búa xuống. Mỗi ngày chúng tôi lại đào sâu thêm nửa mét vào vách núi đá. Cả công trường cùng bừng lên một không khí lao động thật khẩn trương”.  

Tấm bia tưởng niệm được dựng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng

Mỗi ngày, các TNXP lại tiến sâu hơn vào lòng núi. Vách đá dựng đứng bị san phẳng, ngoan ngoãn cúi đầu trước sự quyết tâm của các TNXP. Có lẽ chẳng ngôn từ nào có thể tả hết nỗi vất vả, gian nan của những người thợ làm đường khi đó. Nhấp chén trà như nén lại những cảm xúc đang dâng trào, ông Thùy kể tiếp, lúc bấy giờ, dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, họ chỉ có trong tay những chiếc búa, xà beeng để làm việc. Người cậy đá, người đục, người khuân vác rất vất vả (không giống ngày nay tất cả đều được làm bằng máy). Đất nước khó khăn, họ phải làm việc thủ công vất vả đã đành, mà đến ăn uống, ngủ nghỉ cũng thiếu thốn. Một ngày công của họ chỉ được cấp khoảng 1kg gạo, rồi chia ra một ít để mua rau và thức ăn, còn lại thì thổi cơm. Trợ cấp chỉ có vậy thôi, thiếu thốn nhưng mọi người vẫn vui vẻ vì dù có đói nhưng trong họ có niềm tin, có tình yêu và sự đoàn kết. Không chỉ ăn, thậm chí là chỗ ngủ cũng vô cùng ái ngại vì những thanh niên đi mở đường phải dựng bạt ven núi để ngủ tạm qua đêm, không kể tới gió lạnh trên núi, côn trùng đốt mà thậm chí đêm đến có đá từ trên núi rơi xuống rất nguy hiểm nhưng họ vẫn sống vậy sau bao năm.

Đại đội dũng cảm vượt Mã Pí Lèng

Sự quyết tâm và hăng say lao động của thanh niên đến đá núi cũng bị khuất phục, một con đường to, rộng đã thành hình hài. Con đường được mở đến đâu là sự nguy hiểm đi theo, các thợ làm đường đứng cheo leo bên vách đá. Có những đoạn thợ khoan đá phải treo mình làm việc 8 tiếng bên vực sâu. Khi làm đường đến đèo Mã Pí Lèng (dốc ngựa thở) thì một thách thức không nhỏ đặt ra cho những người thợ làm đường là làm cách gì để vượt qua 20km núi đá cheo leo. Nơi này độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển. Dốc dựng đứng, giờ muốn mở con đường sang huyện Mèo Vạc phải mở đường qua đỉnh núi cao chót vót đó. Cả vạn người như khựng lại khi gặp phải hòn đá tảng tựa như ông trời cố tình tạo ra để thử thách lòng kiên trì của các TNXP vậy. “Giống như lúc khởi công, các ban đơn vị cùng ngồi lại tìm cách mở đường qua đỉnh Mã Pí Lèng. Khó khăn, nguy hiểm ai cũng lường được, nhưng làm cách gì để vượt qua con đèo dài hơn 20km này vẫn còn là bài toán nan giải. Cuối cùng tất cả cán bộ kỹ thuật và anh em công nhân đồng thanh, có sức người đá cũng phải đầu hàng”, ông Thùy nhớ lại với giọng run run đầy xúc động.

Những dụng cụ làm đường được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang

Muốn mở đường lên đỉnh núi đá cao chất ngất giữa từng không này, việc đầu tiên là phải leo lên đó khoan lỗ đặt mìn. “Đội dũng cảm” được thành lập gồm 30 thanh niên khỏe mạnh, hằng ngày treo mình trên vách đá tựa như những chú chim gõ kiến đục, đẽo, nổ mìn. Ông Nguyễn Mạnh Tưởng là một trong những người được tham gia và chứng kiến những ngày tháng đầy gian nan, nguy hiểm đó. Năm nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn còn nhớ như in từng sự kiện diễn trên đỉnh núi  đèo mây hút gió đó. Để đặt được lỗ nổ mìn, các thợ khoan phải dùng dây buộc mình rồi thả xuống vách đá làm việc. Đây là việc vô cùng nguy hiểm, vì từ vách đá nhìn xuống dòng Nho Quế chỉ là một nét mờ giữa bạt ngàn mây núi. Sơ sểnh là người thợ mất mạng như chơi. Ông Tưởng kể, ròng rã gần một năm, đơn vị thi gan với đá núi, vực sâu, treo mình trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, 50-60m so với mặt đường, “Đội dũng cảm” cần mẫn lao động như những con mối rừng bám vào đá, đục, cậy từng tấc. Đến bữa cơm, cấp dưỡng đưa ra cũng chỉ có nắm cơm kèm cá khô. Anh em trên vách núi thả dây xuống câu lên để có cái lót dạ cùng mấy bi đông nước gạo rang uống cho đỡ khát… Đá núi thì rắn, lòng người kiên trì khiến đá cũng bị bào mòn. Nỗ lực của “Đội dũng cảm” đã được đền đáp xứng đáng, con đường huyết mạch tiếp tục được mở qua đèo Mã Pí Lèng.

Quyết tâm là nguồn động viên giúp thanh niên cùng nhau vượt khó. Tiếng đục, tiếng búa, tiếng hò quai búa đập vào vách đá và dội lại thung lũng như tiếng trống đồng của các vị tiền nhân khi xưa vọng về động viên con cháu vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước. Nhớ về những ngày mở đường qua đèo Mã Pí Lèng, ông Thùy thêm ngậm ngùi, trước lúc các thợ khoan lên núi làm nhiệm vụ, ai cũng xác định là lành ít dữ nhiều. “Một bí mật được chúng tôi giấu kín “Đội dũng cảm” là cách công trường khoảng 1km, chúng tôi chuẩn bị cả chục cỗ quan tài. Việc này nhằm đề phòng, nếu ai không may có cơ sự gì sẽ được lo hậu sự chu toàn. Rất may là đợt đó, chúng tôi không phải sử dụng đến cái kế hoạch B đó”, ông Thùy nói.

Khí thế ngút trời của cả vạn thanh niên đã giúp những người thợ khoan quên đi những hiểm nguy mà mình phải đối mặt. Suốt cả năm trời, “Đội dũng cảm” lần lượt trước lúc lên núi là thay nhau làm “lễ truy điệu sống” . Họ âm thầm, quyết tâm hạ thấp đèo Mã Pí Lèng xuống. Thậm chí họ treo mình lên nóc nhà Mã Pí Lèng của vùng cao nguyên đá hơn 11 tháng để làm đường qua dốc, có người đục lỗ tròng khoan vào đá suốt 8 giờ đồng hồ được 4,7m hay treo mình trên những vách đá cao vừa đục khoét đá khoan phá đá để mở từng centimét đường. Sau mỗi ngày, sự nỗ lực không biết mệt mỏi của họ đã lấn dần, lấn dần vào con đèo. Con đường rộng 5m tựa như một mũi tên sắc nhọn chầm chậm tiến lên đình đèo và xuống chân đèo. Khi con đèo Mã Pí Lèng hoàn thành, cả vạn thanh niên như vỡ òa trong niềm vui tột đỉnh.

“Con đường hạnh phúc” được khai thông

Cũng giống như ông Thùy, hàng vạn TNXP khác đã không giấu được niềm xúc động khi nhớ về 50 năm trước. Đường Hạnh Phúc tiếp tục nối dài từ Yên Minh đến Phố Bảng, huyện Đồng Văn. TNXP quen với lao động thường ngày nên khí thế thi đua trải khắp núi rừng. Những ngọn “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”, “Thanh niên 3 xung phong”… thôi thúc ý chí tuổi trẻ. Trong suốt 6 năm miệt mài lao động, những TNXP đưa ra được nhiều sáng kiến để đào đá. Trong đó phải kể đến là “nghệ thuật” đục lỗ choòng và kè đá khan trên công trường ngày ấy. Theo ông Thùy, việc này đáng được ghi vào Sách Kỷ lục Quốc gia. Hồi đó, cuộc sống vất vả, thiếu thốn lắm, nhưng ai cũng hăng say lao động. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, các đại đội sáng kiến dùng bao tải gai lồng hai đoạn tre khiêng đất đá, chỗ nào có đất dùng bàn trang để san, dùng xe cút-kít chở đá đổ xuống vực; dùng nước đổ vào lỗ choòng rồi cho vỏ bắp ngô luộc vào lỗ để khi đục nước không bắn lên mặt, lên người.

Thế hệ TNXP của 8 tỉnh phía bắc đã làm nên con đường lịch sử

Khó khăn nhất ở đoạn này là khu vực dốc Làng Viềng qua huyện Yên Minh, toàn đá cứng, vách núi cao, cua gấp. Ban Chỉ huy công trường chưa biết làm cách nào thì Đại đội Cao Bằng đưa ra sáng kiến: Kè đá khan để mở cua, nghĩa là đập đá ra, chọn đá rồi kè khít mặt đường rộng 4-5m mà không cần một chất kết dính nào. Ở những nơi khe đá không cho phép phá rộng, phải kè đá ra phía ta-luy để con đường giật cấp ra mép vực mà vẫn an toàn. Thế là TNXP đục đá, đẽo đá để xếp kè làm những cung đường kỳ tích trên ngọn núi. Bà Nguyễn Thị Giang, quê Hải Dương, tham gia mở đường khi 17 tuổi, bồi hồi nhớ lại: “Thiếu nhất lúc bấy giờ là nước. Mỗi người chỉ được phát một ca nước vào buổi sáng, vừa đánh răng, rửa mặt và phải giữ lại để đem đi đục lỗ choòng. Một tuần được nghỉ một ngày, đi hàng chục cây số tìm nguồn nước tắm. Ở các đơn vị, kho thực phẩm để ngỏ, kho nước phải khóa”.

Những nỗ lực vất vả của các TNXP sau 6 năm đã hoàn thành con đường dài 184km. 8 vạn đồng bào hòa chung niềm vui sau bao gian nan thử thách. 14 TNXP đã mãi mãi nằm xuống trên miền núi đá xanh thẳm. Công lao, xương máu, mồ hôi của họ đổ xuống đã mãi mãi tạc vào những vách núi đá cao chất ngất từng không của miền cực Bắc như một chiến công chói lọi.

Ngày 10-9-1959, UBND tỉnh Hà Giang tiến hành lễ khởi công xây dựng con đường từ đầu cầu Gạc Dì lên cao nguyên Đồng Văn. Sau gần 6 năm ròng rã thi công (khánh thành tháng 3-1965), công trường này đã huy động trên 2,2 vạn lượt TNXP, đào đắp được gần 2,9 triệu m3 đất đá, 42 cây cầu dài 5-5,4m và hoàn thành được 184km đường nối liền thị xã Hà Giang với 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Con đường đã mở ra cơ hội giao lưu với các vùng miền xuôi cho 8 vạn đồng bào của tỉnh Hà Giang.

Theo ông Nguyễn Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, giờ đây để mở rộng “Con đường hạnh phúc” thêm 2m nữa, dự kiến số vốn phải chi ra là trên 30.000 tỉ đồng. Đây là số tiền khổng lồ, đến giờ tỉnh Hà Giang cũng chưa biết huy động ở đâu. Nói điều này ra để thấy rằng, sự hy sinh quên mình của hơn 2,2 vạn lượt TNXP ở 8 tỉnh phía Bắc gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Nam Định, Cao Bằng… không thể đong đếm được. “Chúng tôi những người dân Hà Giang mãi mãi khắc cốt ghi tâm công lao của những TNXP đã kỳ công hoàn thành con đường lịch sử này. Năm nay, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức 50 năm ngày hoàn thành “Con đường hạnh phúc” nhằm tri ân tới tất cả những TNXP từng tham gia xây dựng con đường này”.

Phóng sự của Linh Nhi