Không để tái diễn những vụ sạt lở đất kinh hoàng

06:15 | 16/07/2024

79 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vụ sạt lở đất kinh hoàng vào sáng sớm ngày 13/7 vừa qua tại địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, khiến 12 người thiệt mạng (tính đến cuối giờ chiều cùng ngày) lại thêm một hồi chuông cảnh báo về tai họa lũ quét, sạt lở đất.
Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất tại tỉnh Hà GiangThủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang
Không để tái diễn những vụ sạt lở đất kinh hoàng
Ảnh minh họa

Sau thảm họa này, trong các ngày 14 và 15/7 lại liên tiếp xảy ra sạt lở đất ở Lào Cai, Lâm Đồng, gây bất an trong nhân dân.

Vụ sạt lở đất trên tuyến Quốc lộ 34 thuộc khu vực xã Yên Định, Hà Giang, thêm một lần nhắc nhở chúng ta mọi sự cảnh giác, bình tĩnh xử lý đều không bao giờ là thừa, nhất là trong những tháng giao mùa từ hạ sang thu ở miền Bắc, và mùa mùa mưa ở Tây Nguyên, cũng như các tỉnh Đồng bằng Nam bộ.

Rạng sáng 15/7, do mưa lớn kéo dài, đã xảy ra sạt lở taluy dương ở Km148+200, QL279, đoạn qua xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Tại điểm sạt lở, hàng trăm khối đất, đá từ trên đồi tràn xuống lòng đường. Các phương tiện tham gia giao thông từ Văn Bàn sang huyện Tân Uyên Lai Châu và ngược lại bị ùn ứ kéo dài. Lũ quét và sạt lở đất cũng đã gây thiệt hại nặng tại các tỉnh miền núi khác như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu... trong mấy tháng qua.

Cũng vào sáng sớm ngày 15/7 một vụ sạt lở đất khác xảy ra tại xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng, làm nhà dân bị vùi lấp, một người là nữ giáo viên tiểu học thiệt mạng, may mắn chồng và hai con thoát nạn.

Những tin báo bất ngờ, thương tâm mới xảy ra khiến chúng ta không thể cầm lòng khi nhớ lại các vụ sạt lở đất đá cách đây bốn năm. Đó là vụ sạt lở ở Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế (10/2020) làm 13 người chết và vụ sạt lở ở Hướng Hóa, Quảng Trị (10/2020) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 mất tích. Những thảm họa thiên tai làm nhiều nạn nhân tử vong là những bài học đau xót, nhắc các cơ quan hữu quan, chính quyền các cấp, người dân phải luôn luôn chủ động đề phòng, có giải pháp cụ thể, thiết thực, chống lại cơn giận dữ vô cớ của thiên nhiên.

Một vấn đề đáng lưu ý: Vì sao năm nào cũng xảy ra các vụ tai nạn do lũ quét, lở đất gây ra? Câu trả lời chung nhất là, các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi đã có nhiều biện pháp ứng phó, như tuyên truyền, cảnh báo, di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm, nhưng chưa dự báo được thời gian, khu vực và mức độ nguy hiểm. Nhìn chung mới dừng ở “cảnh báo” và kêu gọi sự cảnh giác, thận trọng của người dân, cũng như các chủ phương tiện tham gia giao thông. Nếu như trên chuyến xe định mệnh bị đất đá vùi lấp ở Hà Giang, lái xe và người đi đường thận trọng dừng lại, không quyết định liều lĩnh vượt qua? Nếu như những hành khách ở xe sau không xuống xe để đẩy giúp chiếc xe đi trước vượt đường lầy? Vâng như thế mới là thật sự “cảnh giác”.

Vẫn biết các cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng và đã góp phần hạn chế đáng kể tai họa thiên nhiên. Chẳng hạn, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đã tập trung phát triển nền tảng công nghệ số với hệ thống đo mưa, radar, quan trắc lượng mưa tự động, ước lượng được diện rộng của lượng mưa.

Hiện đã có bản đồ đánh giá tình trạng sạt lở đất với tỉ lệ nhỏ hơn, dễ quan sát hơn các khu vực có nứt gãy địa chất, cảnh báo sạt lở. Các chuyên gia, đang xúc tiến xây dựng một “Bản đồ sạt lở” cho 37 tỉnh trung du và miền núi, trong đó có Hà Giang, Kon Tum, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái... là những nơi có nhiều vị trí nằm trong vùng có rủi ro cao.

Đây là những cơ sở rất quan trọng, khoa học để chính quyền quyết định tổ chức di dân, cũng như việc cấp phép cho các công trình xây dựng bảo đảm an toàn.

Hiện nay, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc phòng chống thiên tai cần một bước đột phá mới. Nó thử thách trí tuệ và bản lĩnh của các nhà khoa học. Cần khai thác các ứng dụng công nghệ, trong đó có công nghệ viễn thám để điều tra, giám sát, cập nhật thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét để cảnh báo.

Về lâu dài, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác trồng rừng và bảo vệ rừng. Rừng như chiếc áo giáp ngăn cản không cho dòng chảy quá nhanh, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Ở những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt thiên tai hạn hán và lũ lụt. Khi rừng càng gần đầu nguồn sông thì tác dụng điều hoà dòng chảy càng lớn hơn. Người vùng cao thường bảo nhau “rừng là da ta đừng phá”. Hằng năm bà con có tục cúng thần rừng là vì thế.

Cuối cùng, hãy sớm hoàn thành "Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du ở nước ta". Không thể dừng lại ở những biện pháp thủ công. Không thể nói vì ngân sách eo hẹp. Chỉ bàn tiến không bàn lùi, vì tính mạng con người quý hơn tất cả những gì quý nhất.

Hải Đường