Không chỉ là chuyện “trong nhà”

16:20 | 26/08/2024

1,170 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có một hình ảnh tương phản khiến tôi cứ nhớ mãi. Đó là câu chuyện về một cặp vợ chồng trung niên ở xã La Hru, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, có tới 15 người con. Ngược lại là khá nhiều cặp vợ chồng trẻ ở đô thị, lấy nhau hàng chục năm vẫn son rỗi vì họ ngại/ lười sinh con.
Không chỉ là chuyện “trong nhà”
Ảnh minh họa.

Chuyện người phụ nữ 46 tuổi có 15 con được đưa vào một video “độc lạ”. Đương nhiên không nên khuyến khích sinh đẻ nhiều. Nhưng đối với các cặp vợ chồng không muốn sinh con thì lại cần có... giải pháp mạnh. Giải pháp gì thì cần tiếp tục suy nghĩ, làm tới làm lui - mấy bác cán bộ dân số đã có nhiều dịp đăng đàn.

Mới rồi chúng tôi về một làng nhỏ thuộc vùng nông thôn ở đồng bằng sông Hồng, nghe chuyện “lạ”. Rằng cái xóm nhỏ có khoảng 200 nóc nhà mà có tới hơn hai chục chàng trai tuổi 30-40... ế vợ. Hỏi, các chàng chỉ cười, thiếu phụ nữ bác ạ. Chàng khác bảo, chả có nghề ngỗng gì, không ai lấy. Anh cán bộ xã bảo tôi, chả riêng làng này đâu bác, tình trạng ngại cưới, lười sinh “phủ sóng” khắp huyện, khắp tỉnh rồi ấy chứ!

To chuyện rồi đây. Khi đất nước đã vượt ngưỡng 100 triệu dân thì đáng mừng. Nhưng mừng đấy mà lo đấy, vì không nhanh thì hết thời kỳ “dân số vàng”. Nói nôm na rằng, nhìn đâu cũng chỉ thấy người già, thanh niên lộc ngộc, vắng tiếng trẻ bi bô, u oa. Lấy ai vào nhà máy, lên nương, ra ruộng?

Xu hướng đáng báo động ngại cưới, lười sinh được lớp trẻ truyền đi như một hot trend. Ở nhiều thành phố, đô thị, xu hướng này lan tỏa càng mạnh. Con số cụ thể có thể dẫn ra ngay ở hai thành phố lớn nhất Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo công bố vào tháng 8/2024, tính chung cả nước, năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 27,2 (năm 2022 là 26,9 và năm 2021 là 26,2). Riêng ở hai thành phố lớn vừa nêu, tuổi kết hôn lần đầu trung bình của nam nữ là trên dưới 30.

Như một hiệu ứng, cưới muộn và ưa thích cuộc sống độc thân đi kèm với không muốn có con. Số liệu tổng quát: tổng tỉ suất sinh năm 2023 của nước ta là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế, và như vậy thấp hơn kế hoạch đề ra. Xin lưu ý, cách đây mấy năm, con số này ở mức 2,4.

Không chỉ là chuyện “trong nhà” mà là chuyện của cả thiên hạ. Những năm đầu thế kỷ 21, giảm sinh trở thành xu hướng toàn cầu, nhưng ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với thế giới. Được biết, 89/189 quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng tỉ suất sinh dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ. Tại Trung Quốc, quốc gia có 1,4 tỉ dân nay cũng đang trong tình trạng tỉ suất sinh giảm rất sâu. Năm 2023, tỉ lệ sinh thấp kỉ lục, chỉ có 6,39 ca sinh/1.000 người.

Ở các quốc gia láng giềng Australia đã ghi nhận số lượng trẻ sinh ra giảm khoảng 26.000 trẻ vào năm 2023. Hàn Quốc có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, trung bình một phụ nữ chỉ sinh 0,72 trẻ trong đời.

Vì sao khi xã hội phát triển, khi người ta chuyển từ mong ước ăn no mặc ấm sang ăn ngon, ăn sạch và mặc đẹp, lại rơi vào tình trạng không muốn sinh con?

Câu hỏi này các nước đều tìm cách lí giải. Ở ta, bạn trẻ nói một cách mộc mạc trong một chữ... S! Sợ vì áp lực cuộc sống đang đè nặng. Sợ không lo đủ tiền để trang trải cuộc sống gia đình. Sợ không lo đủ tiền cho con cái học hành. Sợ không có tiền mua nhà. Đã qua lâu rồi cái thời nghèo khó mà lãng mạn “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”... Nhiều cặp uyên ương hẹn nhau một cách nghiêm túc “có nhà rồi mới cưới”, lúc đó chuyện cưới xin “nhẹ nhàng như đẩy xe hàng”. Tiếc rằng, giá nhà lên cao như lũ, lời hẹn cứ xa vời. Một con số giật mình, đến tháng 8/2024 giá nhà chung cư ở Hà Nội, dưới 45 triệu/m2 không có nguồn cung mới. Giá căn hộ ở nhiều nơi lên đến 65 - 80 triệu đồng/m2, có nơi nhấp nhổm cả trăm triệu đồng.

Cũng cần nói thêm về vấn đề công bằng giới tính và quyền lợi. Ngày nay phụ nữ có nhiều quyền lợi và cơ hội trong công việc. Chị em nhận thức rõ hơn về sự công bằng giới tính trong việc chia sẻ trách nhiệm gia đình. Chính vì thế, không ít các cô, các chị trì hoãn việc sinh con cho đến khi có sự cân bằng tốt hơn.

Thế là từ nỗi lo tài chính 4K (không nghề, không tiền, không nhà, không vị thế) đã dẫn đến lựa chọn 2K (không kết hôn, không sinh con).

Cố nhiên tình trạng này vẫn chủ yếu xảy ra ở đô thị, và chúng ta đang tìm những giải pháp khả thi để khắc phục. Không nên và không thể để kéo dài sự mất cân đối này vì nó gây nhiều hệ lụy xã hội, trong đó nặng nề nhất là thiếu hụt lực lượng lao động trẻ, giảm năng suất lao động. Kinh nghiệm từ các nước phát triển có mức sinh thấp, kéo dài, họ đang phải gánh chịu hậu quả dân số giảm nhanh, tìm cách nhập khẩu lao động. Trong khi đó tỉ lệ dân số già ngày càng cao, tạo áp lực lớn về kinh tế, an sinh xã hội.

Một trong số các giải pháp được chú ý nhất là xây dựng các chính sách khuyến khích cụ thể, rõ ràng hơn, ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con.

Bằng cách nào thì cũng phải sát thực tiễn, cũng bắt đầu từ con người. Con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội, không thể tách riêng các nhu cầu sinh tồn, văn hóa, tâm lý gia đình-xã hội. Bởi thế chuyện cưới, chuyện sinh con là hệ trọng đối với mỗi gia đình và cả cộng đồng. Một việc đại sự cần phải làm ngay.

Hải Đường